Người dân Thủ đô siết chặt tay nhau trong thời điểm "lửa thử vàng"

Ánh Dương |

Người dân Thủ đô cùng siết chặt tay nhau chấp nhận hy sinh trong thời gian ngắn để sớm quay lại cuộc sống bình thường.

Kiên quyết, kiên trì thực hiện giãn cách xã hội

Chiều 1/9, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đã ký chỉ thị số 06 của Ban thường vụ Thành ủy Hà Nội về tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn TP.

Chỉ thị yêu cầu thực hiện triệt để, nghiêm túc, có hiệu quả thực chất việc giãn cách xã hội theo chỉ đạo của Trung ương, TP; Đặc biệt kiểm soát chặt hơn, áp dụng cao hơn một mức việc thực hiện giãn cách trong dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2/9.

Ban thường vụ Thành ủy Hà Nội nhận định, sau 40 ngày thực hiện 3 đợt giãn cách xã hội trên phạm vi toàn thành phố, công tác phòng chống dịch Covid-19 của TP đã đạt được kết quả bước đầu.

Tuy nhiên, tình hình diễn biến của dịch bệnh ngày càng phức tạp, việc kiểm soát dịch bệnh ở một số địa phương chưa vững chắc, nhất là ở khu vực mật độ dân cư cao, chật hẹp với nhiều phố nhỏ, ngõ nhỏ hay nhiều nhà chung cư cũ, các chợ dân sinh, khu vực đã được phong tỏa; Có nơi còn biểu hiện lơi lỏng trong tổ chức thực hiện giãn cách xã hội, còn có hiện tượng "chặt ngoài, lỏng trong".

Tình hình dịch bệnh ở một số địa phương trên cả nước rất phức tạp. Hà Nội vẫn là khu vực có nguy cơ cao lây lan dịch bệnh, đòi hỏi cả hệ thống chính trị, lực lượng vũ trang và Nhân dân Thủ đô tiếp tục kiên trì thực hiện giãn cách xã hội thực chất, hiệu quả hơn để nhanh chóng ngăn chặn, đẩy lùi, kiểm soát dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe, tính mạng.

Ban thường vụ Thành ủy Hà Nội yêu cầu tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện triệt để, nghiêm ngặt, quyết liệt, hiệu quả việc tăng cường giãn cách xã hội và các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19.

Ban thường vụ Thành ủy đặc biệt lưu ý 6 nhóm nội dung quan trọng cần tập trung thực hiện. Trong đó, trước hết, các cấp toàn thành phố phát huy cao nhất vai trò, trách nhiệm của hệ thống chính trị, cán bộ, đảng viên và Nhân dân; Nhất là cá thể hóa trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp, trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, đặc biệt là trong dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2/9.

Ban thường vụ Thành ủy Hà Nội yêu cầu các địa phương có giải pháp quyết liệt hạn chế người dân ra đường, nhất là khu vực phong tỏa, nơi có nguy cơ cao, xử lý nghiêm nếu phát hiện sai phạm về phòng, chống dịch Covid-19, việc cấp và sử dụng giấy đi đường...

Ban thường vụ Thành ủy Hà Nội chỉ đạo xây dựng phương án phòng, chống dịch sau đợt giãn cách thứ 3 trên địa bàn TP theo phương châm siết chặt hơn, áp dụng một số biện pháp cao hơn đối với những khu vực nguy cơ rất cao, nguy cơ cao, khu vực "vùng đỏ", "vùng cam".

Đối với khu vực "vùng xanh", Bí thư cấp ủy và Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã phê duyệt từng phương án để tổ chức sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ sản xuất hàng hóa cho khu vực "vùng đỏ", "vùng cam", bảo đảm khoa học, chặt chẽ, phát huy hiệu quả công tác phòng, chống dịch.

Chấp nhận vất vả để sớm quay lại cuộc sống bình thường

Chị Vũ Thị Hương Lan, sinh sống tại xã Ngũ Hiệp (huyện Thanh Trì, Hà Nội ) chia sẻ: “Cá nhân tôi đánh giá việc Hà Nội tiếp tục thực hiện nghiêm quy định giãn cách xã hội bằng những biện pháp quyết liệt để phòng chống dịch trong lúc này là thực sự cần thiết. Chỉ thị mới của Thành ủy Hà Nội sẽ giúp hạn chế tối đa tình trạng người dân vẫn tiếp tục ra đường.

Chúng ta cần quyết liệt với các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, đoàn kết, quyết tâm triệt để thực hiện giãn cách. Đây là thời điểm có ý nghĩa quan trọng để ngành Y tế có thể bóc tách hoàn toàn F0 ra khỏi cộng đồng, cũng như đẩy mạnh triển khai tiêm vắc xin cho người dân bởi nguy cơ bùng phát dịch khó kiểm soát là rất lớn”.

Người dân Thủ đô siết chặt tay nhau trong thời điểm lửa thử vàng - Ảnh 2.

Lực lượng chức năng chốt trực trên địa bàn xã Ngũ Hiệp (huyện Thanh Trì) kiểm tra giấy đi đường của người dân.

Lực lượng chức năng chốt trực trên địa bàn xã Ngũ Hiệp (huyện Thanh Trì) kiểm tra giấy đi đường của người dân

Chia sẻ về khả năng xảy ra trường hợp cần thiết áp dụng cao hơn một mức việc thực hiện giãn cách trong dịp nghỉ Lễ Quốc khánh 2/9 được đưa ra trong chỉ thị mới, chị Nguyễn Thị Kim Dung, phường Kim Giang (quận Thanh Xuân) cho biết, chị hoàn toàn ủng hộ với trường hợp này nếu như phải áp dụng.

“Thời gian vừa rồi khi ổ dịch ở phường Thanh Xuân Trung bùng phát, tôi mới cảm nhận được nỗi niềm của người dân khi nằm trong vùng dịch. Kim Giang hiện là phường duy nhất của quận Thanh Xuân chưa có bệnh nhân nhiễm Covid-19 nhưng nếu không siết chặt việc đi lại, đảm bảo công tác phòng dịch thì thành quả này cũng không dễ bảo toàn”, chị Kim Dung chia sẻ.

Mặc dù ai cũng biết khi tiếp tục thực hiện giãn cách, đời sống người dân sẽ bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, với phương châm “Không để ai bị bỏ lại phía sau”, các ban, ngành từ Trung ương đến địa phương đã và đang tích cực chung tay hỗ trợ những người nghèo, người lao động mất việc do dịch bệnh. Hiện nay, người dân đều hiểu và hoàn toàn ủng hộ chính quyền trong chủ trương này.

Người dân Thủ đô siết chặt tay nhau trong thời điểm lửa thử vàng - Ảnh 3.

Lãnh đạo phường Kim Giang tặng quà các chốt trực “vùng xanh” Thủ đô vào lúc 5 giờ sáng 27/8

Là công dân Thủ đô, vợ chồng anh Nguyễn Minh Đức sống tại chung cư Vinhomes Green Bay Mễ Trì cho biết: “Tuy không thuộc đối tượng trong các gói hỗ trợ của thành phố thời gian qua nhưng việc kinh doanh của xưởng ô tô chúng tôi cũng đình trệ hoàn toàn. Cũng có khó khăn nhưng chúng tôi vẫn may mắn hơn rất nhiều vì có nguồn tài chính dự trữ để vượt qua đại dịch. Việc siết chặt thêm các biện pháp trong lúc này là rất cần thiết tuy không hề dễ dàng”.

Bày tỏ quan điểm đồng tình về việc thành phố Hà Nội sẽ tổ chức triển khai mô hình "Gia đình an toàn Covid-19", trong đó kêu gọi, vận động, giải thích, thuyết phục, hướng dẫn, yêu cầu từng hộ gia đình ký cam kết ở trong nhà, không ra khỏi nhà khi không thực sự cần thiết, "ai ở đâu, ở đó"; Huy động sự tham gia, chấp hành, tuân thủ quy định của từng người dân đóng vai trò quyết định thành công trong phòng, chống dịch, anh Đức cho rằng đây là mô hình rất hay và cần triển khai sớm.

“Tôi đọc báo thấy có mô hình ghi nhật ký di chuyển của các thành viên trong gia đình thực sự rất hay. Tôi nghĩ chúng ta cũng nên triển khai trên diện rộng vì ngoài phục vụ yêu cầu kiểm tra khi cần thiết, việc ghi nhật ký giúp mỗi thành viên trong gia đình nhắc nhở chính bản thân mỗi người chỉ ra ngoài khi thật cần thiết. Bên cạnh đó, ca lây nhiễm trong cộng đồng vẫn xuất hiện nên việc này cũng dễ theo dõi chúng ta đã từng tiếp xúc với ai, đi đâu…”, anh Đức nói.

Sau 40 ngày giãn cách xã hội, người dân đang dần thích nghi với việc sinh hoạt, học tập, làm việc tại nhà và thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Hầu hết các gia đình đều 2-3 ngày mới tranh thủ ra khỏi nhà để đi chợ, người dân ủng hộ chủ trương của thành phố nhằm siết chặt kỷ luật phòng, chống dịch Covid-19.

Chị Nguyễn Hoài An, giáo viên cấp 1 tại quận Hoàng Mai cũng bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ biện pháp phòng, chống dịch của các cấp chính quyền thời gian qua. Chị cho biết, gia đình luôn chấp hành tốt các biện pháp phòng chống dịch. Việc thực hiện cách ly phần nào ảnh hưởng đến đời sống cũng như sinh hoạt của gia đình nhưng đây là việc nên làm và phải làm trong công tác phòng chống dịch hiện nay. Do đó, nếu chính quyền quyết định có các đợt giãn cách tiếp theo, chị và gia đình sẽ luôn đồng tình, ủng hộ.

"Hiện tôi vẫn thấy những người ra ngoài không lý do chính đáng, điều này sẽ khiến dịch bệnh khó được khống chế. Chính vì vậy, tôi cũng như nhiều người dân đều nhận thấy rằng, Hà Nội cần siết chặt hơn nữa việc người dân ra đường, có thể thêm thời gian giãn cách để chủ động, có điều kiện sàng lọc các trường hợp F0 trong cộng đồng; Đồng thời, cần đẩy mạnh tiêm vắc xin cho nhiều đối tượng, giữ vững thành quả phòng chống dịch. Nếu không tiếp tục thực hiện giãn cách sẽ rất dễ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng”, chị An nhận định.

Sự đồng lòng của hầu hết người dân Hà Nội với sự chỉ đạo, cách làm tích cực của thành phố và các lực lượng chức năng, Hà Nội chắc chắn sẽ sớm khống chế được dịch bệnh, mang lại cuộc sống bình thường mới cho tất cả người dân Thủ đô.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại