"Người ta nói rằng tôi bị điên khi cố gắng sống toàn thời gian trên một con tàu du lịch, nhưng điều đó không chỉ dành cho những người đã nghỉ hưu", Ryan Gutridge bày tỏ.
Anh làm việc trong lĩnh vực công nghệ thông tin với tư cách là kỹ sư giải pháp đám mây cho một nhà cung cấp và bắt đầu làm việc tại nhà vào năm 2012. Do tình hình của đại dịch, nhóm của Ryan Gutridge có thể làm việc từ xa và truy cập kho dữ liệu mà họ cần từ mọi nơi.
Vào thời điểm đó, các hãng du thuyền vẫn chưa thông báo khi nào hoặc liệu họ có quay lại hoạt động hay không. Ryan Gutridge nghĩ rằng nếu họ trở lại, anh muốn thử mang theo công việc lên chuyến du ngoạn ngắn ngày. Anh muốn xem WiFi sẽ hoạt động như thế nào và liệu anh có thể truy cập kho dữ liệu trong công việc với mức độ bảo mật cay hay không.
Mùa hè năm 2021, Ryan Gutridge đặt hai chuyến du ngoạn 4 đêm trên tàu Freedom of the Seas của Royal Caribbean và đi cả 2 chuyến vào tháng 9. Mọi thứ đều hoạt động tốt và kể từ đó, anh đã đi du lịch khá nhiều mỗi tuần, trừ một vài tuần do nghỉ lễ.
Ryan Gutridge dành 300 ngày/năm để sống trên tàu du lịch. Ảnh: Ryan Gutridge.
Trước khi dấn thân vào cuộc sống du mục, chuyên gia công nghệ thông tin này đã phải thực hiện cuộc nghiên cứu. Trong khi nghiền ngẫm các con số, Ryan Gutridge nhận ra rằng chi phí sinh hoạt trên biển trong 300 ngày gần như ngang ngửa với số tiền anh phải trả cho căn hộ của mình và các dịch vụ.
Ryan Gutridge giải thích: "Tôi có bảng tính tự động ghi lại tất cả khoản chi tiêu của mình, điều này rất hữu ích. Tôi cũng lập ngân sách hàng năm. Năm nay, ngân sách tiền thuê của tôi là khoảng 30.000 USD (khoảng 718 triệu đồng). Năm ngoái khi tôi bắt đầu thực sự xem xét các con số và đánh giá khoản tiền đã dùng để sống trên tàu trong 300 đêm, tôi thấy khoản tiền này gần tương đương với những gì tôi phải trả để thuê nhà cùng dịch vụ đổ rác cho một căn hộ ở Fort Lauderdale (Florida, Mỹ)".
Với hành trình này, các đặc quyền như WiFi và đồ ăn uống miễn phí, Ryan Gutridge có thể tiết kiệm được khoản tiền cho các hoá đơn và chi phí khác. Những người làm việc tại nhà đều biết nỗi khổ sở khi phải thanh toán hoá đơn Internet đắt tiền.
Một phần con tàu Freedom of the Seas của Royal Caribbean. Ảnh: Royal Caribbean Cruises.
Anh cũng đưa ra lời khuyên rằng nếu ai đó muốn thử trải nghiệm lối sống tương tự, họ nên tìm hiểu kỹ thông tin của các công ty khác nhau, bởi mỗi công ty cung cấp đặc quyền và ưu đãi không giống nhau. Một khi tìm được nhãn hiệu yêu thích, họ nên gắn bó lâu dài để đạt được những quyền lợi đặc biệt khác.
Cho đến nay, Royal Caribbean mang lại cho Ryan Gutridge những lợi ích có giá trị nhất, chẳng hạn giảm giá, Internet và đồ ăn miễn phí. Cấp độ khách hàng trung thành cao nhất ở đây là "Pinnacle" và Ryan Gutridge sẽ đạt được sau đúng 2 năm hành trình trên con tàu này.
Theo kinh nghiệm của chuyên gia công nghệ thông tin, việc sống trên con tàu du lịch đã làm nên điều kỳ diệu cho đời sống xã hội của anh. Anh đã sử dụng thời gian ăn trưa để trò chuyện với người khác và gặp gỡ mọi người tại phòng tập thể dục.
Đặc biệt, một số tình bạn đã nảy nở đến mức Ryan Gutridge và những người bạn mới đã quay trở lại du thuyền và khám phá vùng biển cùng nhau nhiều lần. "Làm việc ở nhà thật cô lập. Tôi không có con hay thú cưng nên rất dễ trở nên hướng nội. Nhưng việc du lịch trên biển đã thực sự giúp ích và khiến tôi trở nên hoà đồng hơn rất nhiều".
Anh cũng có mối quan hệ bền chặt với thuỷ thủ đoàn trên con tàu, hình thành mối quan hệ như một gia đình và không muốn xây dựng lại từ đầu trên con tàu khác.
Ryan Gutridge đã giảm ngân sách du lịch cho năm tới do lạm phát. Nhưng đến năm 2025, anh muốn bán căn hộ và ô tô của mình, mua một chiếc xe tay ga và cất chiếc xe tại nhà người bạn.
Theo Insider