Quá trình sưu tập đài cổ
Một buổi chiều tháng 6, trong căn phòng rộng 20m2, ông Nguyễn Xuân Thủy (52 tuổi, Long Biên, Hà Nội) đang cẩn thận lau chùi bộ sưu tập đài cassette cổ mất 5 năm đi khắp nơi để sưu tầm. Người đàn ông vui vẻ chia sẻ với PV rằng chỉ ít phút nữa ông sẽ đón thêm một em đài được mệnh danh là "nữ hoàng cassette" về với bộ sưu tập của mình.
"Tôi mất mấy năm tìm kiếm, mới đây mới mua được của một người ở Nam Định với giá 27 triệu", chủ bộ sưu tập đài cổ chia sẻ.
Trong 1400 chiếc đài cổ, ông Thủy trưng bày tại nhà hơn 200 chiếc.
Ông Thủy kể, thời của ông đài cassette là một thứ xa xỉ, chỉ có giới nhà giàu mới mua được vì nó đáng giá cả cây vàng và Việt Nam không bán, phải nhờ các thủy thủ tàu viễn dương mua mang từ nước ngoài về.
Trước đây, bố ông là bộ đội nên được phát cho một chiếc để nghe tin tức. "Hồi đấy chỉ có các cấp lãnh đạo, bộ đội được nhà nước cấp cho, ở mỗi cấp thì giá trị, loại đài cũng khác nhau", ông cho biết mỗi lần bố về phép ông đều cố để xin được nghe đài.
Sau này khi ông lên đại học, năm 1991, thấy con trai yêu thích đài, cũng cần để học tiếng anh, bố mẹ ông bán cặp lợn mua cho ông chiếc RX C40F của hãng National.
"Giá trị của chiếc RX C40 bằng hai chỉ vàng", ông Thủy nói hồi đấy tivi không có nhiều, chủ yếu là nghe đài, vừa nghe được tin tức, nghe nhạc lại học được cả tiếng anh nên có một chiếc đài là sở hữu cả một gia tài. Ra trường đi làm, ông Thủy không dùng chiếc đài nữa mà cho nhà chú, mấy năm sau chiếc đài hỏng bị bỏ đi.
Chiếc đài đầu tiên ông Thủy có là chiếc RX C40
Đến năm 2017, một lần ngồi quán cà phê, ông tình cờ nghe được đoạn nhạc du dương phát ra từ chiếc đài cassette cổ. Người đàn ông nhớ lại chiếc đài của mình, về kỷ niệm những năm tuổi trẻ sang hàng xóm nghe đài nhờ, về những lần ngồi chờ bố về phép để được "dùng ké" đài của bố.
Từ đó, ý định tìm lại chiếc đài xuất hiện trong đầu người đàn ông 52 tuổi. Ông mất một khoảng thời gian dài đi khắp nơi, nhưng thời gian đấy loại đài ông từng dùng đã không còn sản xuất, cũng ít người sở hữu. Phải đến 4, 5 tháng sau, tìm đến chỗ một người sưu tập đài cổ, ông mới thấy chiếc đài giống với chiếc mình từng dùng nên xin phép mua lại.
Thời điểm này, ông Thủy quan sát thấy các quán có kiểu thiết kế cổ điển, trưng bày các mẫu đồ cổ được khách hàng ưa thích nên ông Thủy lên ý tưởng set up cho một quán cà phê tại Hà Nội từ những chiếc tivi đen trắng, đài cassette, may mắn họ thích và nhận hàng của ông.
Vốn là dân thiết kế, ông đã mang bản set up của mình đến nhiều quán chào mua hàng và được đón nhận. Để đáp ứng nhu cầu trang trí quán cà phê, ông bỏ ra khoảng 300 triệu mua hơn 400 chiếc đài cassette cũ từ chợ điện tử Campuchia.
"Tôi mua cả đài hỏng không nghe được đến đài còn nghe được, chủ yếu để trang trí cửa hàng chứ chẳng nghĩ đến chuyện sưu tập gì thời đấy", ông Thủy tâm sự.
Tuy nhiên, qua quá trình dài set up, tiếp xúc với đài cassette, ông bắt đầu tìm hiểu, thích thú với món đồ điện tử này và bắt đầu sưu tập. Ông cho biết ngoài sưu tập đài cassette được lắp ráp ở Việt Nam, tất cả nước nào có sản xuất đài cassette ông đều tìm mua.
Hai năm đầu ông săn lùng trong và ngoài nước, nhờ tìm kiếm tại các bãi rác điện tử ở Nhật Bản, Campuchia, thậm chí trắng đêm canh phiên đấu giá trực tuyến như eBay, Yahoo Nhật Bản để sở hữu được chiếc đài mình muốn. Tuy nhiên ông chỉ mua được đài của nước ngoài sản xuất, mà không thể tìm thấy được chiếc đài nào lắp ráp ở Việt Nam.
Hai năm sau trong một chuyến công tác vào Nam, qua một số người bạn giới thiệu ông biết được một cụ ông ở Biên Hòa đang sở hữu chiếc Viettronics RX-4960, sản xuất từ những năm 1980 tại Việt Nam.
Ông bắt xe trong ngày xuống để hỏi mua nhưng chủ chiếc đài không bán. Để sở hữu chiếc đài, ông Thủy mất đến 5 lần bay từ Hà Nội vào Biên Hòa thuyết phục. Trước sự nhiệt tình của ông chủ nhân chiếc đài mới gật đầu đồng ý.
"Ông ấy yêu cầu không được bán cho ai khác", ông Thủy nói chiếc đài ấy đến bây giờ ông vẫn giữ, hàng năm vẫn chụp ảnh, quay video lại chiếc đài để gửi cho người chủ cũ.
Mỗi tuần ông Thủy đều lau chùi, kiểm tra xem đài còn chạy được hay không.
Theo ông Thủy, đối với những người không sưu tập, không chơi đài mọi người sẽ nghĩ chuyện bán, đổi một chiếc đài rất đơn giản, nhưng với người sưu tập như ông đó là kỷ niệm, nên một khi đã hứa, đã được người ta tin tưởng dù ai trả giá cao thế nào ông cũng không bán.
Sau 5 năm sưu tầm, người đàn ông 52 tuổi sở hữu hơn 1.400 chiếc cassette với đủ thương hiệu, kiểu dáng, kích cỡ và màu sắc khác nhau, từ hàng liên doanh, nhập khẩu đến xách tay từ nước ngoài. Mỗi chiếc đài có tuổi đời lên đến hàng chục, thậm chí có chiếc đài ông Thủy hài hước chia sẻ bằng hai, ba lần tuổi của mình.
Sở hữu hơn 1 nghìn chiếc đài cổ, ông Thủy giữ hơn 400 chiếc đài mà mình yêu thích, có giá thành cao, khó tìm tại nhà, số con lại được ông cho mượn, decor tại các cửa hàng cà phê trên khắp cả nước.
Tiền mua đài đủ mua một căn chung cư cao cấp
Trong hơn 1.400 chiếc cassette mình sở hữu, ông Thủy cho biết có chiếc giá chỉ vài ba trăm nghìn, nhưng có chiếc lên đến 100-200 triệu. Chủ bộ sưu tập cho biết số tiền mình bỏ ra để sưu tập đài cổ đủ mua một căn chung cư cao cấp ở nội thành Hà Nội, thậm chí mua được cả miếng đất ở ngoại ô. Song với ông đắt rẻ không quan trọng, chủ yếu được sống với đúng sở thích của mình.
"Nếu tính về giá trị vật chất, nhiều người có thể nghĩ tôi điên nên mới bỏ nhiều tiền như vậy để mua mấy đồ điện tử chẳng ai dùng nữa về nhà trưng bày, nhưng với tôi mỗi chiếc đài là một câu chuyện, nó lưu giữ những kỷ niệm của mỗi thời kỳ", ông Thủy cho hay.
Thợ đài đang kiểm tra chiếc "nữ hoàng cassette" mới được ông Thủy mua.
Sưu tập hàng trăm chiếc đài, ngoài những chiếc đài may mắn mua được còn nguyên tem, mác, nhưng với một số chiếc đài cũ mất tem, ông Thủy còn mày mò, khôi phục các mẫu tem dán trên sản phẩm. Đến nay ông Thủy phục chế và tự thiết kế khoảng 1.000 tem mác khác nhau.
Có 5 năm sưu tập đài nhưng không ít lần ông Thủy bị lừa, tiền mất tật mang khi bỏ ra cả số tiền lớn nhưng nhận lại chỉ là "đồ bỏ đi", không thể chạy được.
"Chủ yếu là hàng nước ngoài mua về, họ gửi cho mình một mẫu, nhưng xong hàng về là một mẫu khác, hoặc mua về không còn nghe được nữa", ông cho biết ở nước ngoài không thể nhờ người test được nên nếu họ lừa xem như mất trắng.
Còn đối với những đài mua ở Việt Nam, ông luôn nhờ một người thợ chuyên sửa đài cassette, cũng là người chơi trong nhóm sưu tập đài của ông xem qua xem còn chạy được nữa hay không.
Với ông Thủy, một chiếc đài đẹp, được đánh giá cao phải nhiều năm tuổi, giữ được độ mới như khi xuất xưởng; các nút bấm, phần xi mạ crom còn sáng đẹp, không bạc, mòn; linh kiện phải nguyên bản, chưa từng sửa chữa, thay thế hay độ chế.
Để đảm bảo cho bộ sưu tập của mình không hỏng hóc, hàng tuần ông Thủy vẫn dành thời gian lau chùi từng chiếc đài, cho chạy băng, kiểm tra chất lượng âm thanh.
Sắp tới ông Thủy dự kiến sưu tập các loại đài bộ, đài siêu nhỏ.
Hiện nay ngoài sưu tập những chiếc đài mình thích, ông Thủy còn sở hữu hơn 200 tivi đen trắng, cùng với đó ông giúp những người có chung sở thích tìm mua được chiếc đài họ muốn.
"Tôi không buôn bán đài, chỉ tìm mua hộ mọi người, người ta bán sao tôi báo vậy, mình kinh doanh đủ nghề rồi, đây là miền đam mê, sở thích của bản thân, tôi không kinh doanh sở thích", người đàn ông cười chia sẻ.
Trong tương lai, ông Thủy dự kiến sưu tập thêm nhiều loại đài độc, lạ như loại đài bé nhất, đài có hình dạng độc, hay các loại đài bộ. Ông muốn nâng bộ sưu tập của mình lên khoảng 3 nghìn đến 4 nghìn chiếc đài cổ, và mong muốn mở một phòng trưng bày đài cổ để mọi người có cùng sở thích được đến nghe, tìm hiểu về đài cassette.