Sau vài cuộc điện thoại ngắt quãng, cuối cùng chúng tôi cũng hẹn gặp được nghệ sĩ Trần Hạnh tại cửa hàng nhỏ của gia đình ở phố Trần Quý Cáp tấp nập người qua lại.
Chẳng cần phải hỏi han nhiều, đi dọc con phố nhỏ bán hàng tạp hóa người ta sẽ nhận ra ngay hình ảnh người đàn ông ngồi lặng lẽ bên góc cửa hàng, thỉnh thoảng mỉm cười chào khách hàng ghé qua.
Vừa bước tới, ông đã trách nhẹ "sao tới muộn thế, giờ này nắng lắm, ông dậy từ 6 giờ sáng ra quán cơ" rồi mỉm cười hiền lành.
Thỉnh thoảng cũng có người mua hàng nhận ra nghệ sĩ Trần Hạnh, ông lại mỉm cười và cám ơn họ như một niềm vui tuổi già sau hơn 60 năm làm nghệ thuật.
Trong cái nắng oi ả của Hà Nội ngay trước con giông, ông thỉnh thoáng chỉnh lại cặp kính râm, ngồi bên sạp hàng quần áo giày dép kể cho chúng tôi nghe về những năm tháng đã qua.
Ông nói rằng không muốn nói nhiều về cuộc đời, chỉ muốn nói về nghề bởi nó đã ăn sâu vào máu thịt. Trong suốt cuộc nói chuyện, nghệ sĩ Trần Hạnh cứ nhắc đi nhắc lại rằng, ông không khổ sở như mọi người đồn đại đâu, tuổi 90 của ông vui vầy bên con cháu hạnh phúc vui vẻ lắm. Ra cửa hàng ngồi cũng chỉ là muốn lời ra tiếng vào cho xôm tụ, nói chuyện với hàng xóm chứ không phải vất vả mưu sinh gì.
Đôi khi, ngay cả lúc trò chuyện, ông hơi lơ đãng nhìn xa xăm như đang hồi tưởng lại một hành trình nghệ thuật dài đằng đẵng của mình. Ấy vậy mà, khi nhắc về người vợ đã mất, giọng ông lại chùng xuống trong âm thanh chát chúa của phồ phường tấp nập.
Vợ tôi ghen lắm nhưng tôi chả làm gì để bà ấy phải phiền lòng cả
Với nhiều khán giả truyền hình, nghệ sĩ Trần Hạnh gắn liền với hình ảnh người nông dân thật thà chất phác. Gia đình không có ai theo nghệ thuật vậy cơ duyên nào đưa ông tới nghiệp diễn?
Trước đây, tôi là thợ giày, lương không đủ để nuôi nổi một vợ cùng ba con. Ban ngày đi đóng giày, tối thì đi diễn văn nghệ. Làm lụng vất vả vậy nhưng nhà tôi vẫn không đủ ăn. Rồi có một ông bạn (đạo diễn Đình Quang) đã quyết định viết cho mấy chữ gửi Giám đốc đoàn Kịch nói Hà Nội hồi đó với lương khoảng hơn 4 chục nghìn.
Nghe thì ít vậy nhưng gạo hồi đó có 2 đồng rưỡi một cân. Bốn chục thì mua cho đủ cả nhà với mấy đứa con. Ngoài ra vợ tôi cũng buôn bán thêm kiếm chút đồng ra đồng vào. Rồi từ đó tôi gắn bó với sân khấu.
Sau này tôi được mời đi đóng phim truyền hình nhưng nói thật là vẫn yêu sân khấu như máu thịt.
Nghệ sĩ Trần Hạnh của những ngày đầu bước chân vào nghệ thuật thế nào?
Thực ra tôi vẫn thế, có khác gì đâu, vẫn là tôi thôi. Có điều ngày ấy tôi trông bảnh bao hơn, không giống "nông dân" như mọi người hay gọi như bây giờ (cười). Tôi đóng phim truyền hình hay vào những vai diễn nông thôn khắc khổ nên mọi người nhìn tôi quen mắt hơn đấy.
Trong các câu chuyện cũ, nghệ sĩ Trần Hạnh hay nhắc về người vợ tảo tần của mình. Ông có thể chia sẻ về bà không?
Năm ấy, tôi 23 tuổi đang đi làm xa thì nhận được điện khẩn ở nhà báo mẹ ốm nặng. Nghe xong tôi tức tốc về nhà mới hay bà nội mai mối cho cô hàng xóm ở chung ngõ Phát Lộc (Hàng Bạc, Hà Nội), ngay gần nhà.
Thế là chỉ có 3 ngày, tôi thành người có vợ.
Vợ tôi chịu thương chịu khó, hi sinh cho chồng con mà cũng hay ghen lắm (cười).Tất nhiên, đấy là việc của bà ấy còn tôi không ảnh hưởng gì đến. Tôi không làm gì để cho bà ấy phải phiền lòng cả.
Có lần tôi đi tập vở Lam Sơn Tụ Nghĩa, mọi người hay trêu đùa với một diễn viên trong đoàn.
Không hiểu bà ấy nghe được ở đâu, trước buổi biểu diễn cầm dao lên tận đoàn kịch để đòi gặp cô diễn viên kia. Lúc đấy ông trưởng đoàn phải đứng ra nói chuyện, bảo bà ấy vào trong văn phòng giải thích mới xuôi xuôi.
Ghen tuông là vậy thế nhưng bà và gia đình có ủng hộ ông theo nghiệp diễn hay không?
Làm nghề này, lương không đủ nuôi gia đình nên vợ tôi là người chèo lái tất cả. Bà ấy còn nói đùa, lương tôi chỉ đủ cho các con ăn sáng. Phàn nàn thế nhưng vợ tôi lại rất thương chồng, ủng hộ hết mình để tôi theo đuổi đam mê nghệ thuật.
Các con tôi thì nhớ bố vì nhiều khi phải đi diễn tỉnh xa. Khi tôi phải vào tuyến lửa thì cả nhà lo lắng nhưng mọi người vẫn rất ủng hộ. Ủng hộ nên tôi mới có được ngày hôm nay chứ.
Chưa thấy con dâu nào tốt như con dâu nhà tôi
Ở cái tuổi 90 có nhiều người đã thảnh thơi an nhàn, còn ông dường như vẫn bận rộn. Ông có bao giờ buồn phiền vì chuyện này không?
Không, sao phải buồn. Bởi vì tôi thấy rất quý ông trời ông đã cho phép tôi sống đến ngày hôm nay, tại sao tôi phải ân hận cái gì. Tôi cảm ơn tất cả đã giao cho tôi trọng trách như thế này, cho nên tôi không bao giờ cảm thấy phiền lòng.
Giờ một ngày của tôi trôi qua cũng an nhàn lắm. Sáng 6 giờ ra đây trông hàng cho con cái, chốc nữa về. Buổi chiều không phải ra, buổi tối tiện thì ra một tí còn không thì thôi. Công việc chỉ có thế chứ ở nhà buồn bã có làm gì đâu.
Ít nhắc về con trai nhưng ông lại thường xuyên khen ngợi con dâu. Ông có thể chia sẻ về con dâu của mình được không?
Từ trước tới giờ tôi chưa thấy cô con dâu nào mà tốt, yêu mến bố chồng như thế này. Chỗ ăn chỗ ngủ đầy đủ, lo cho bố từng li từng tí, xem đêm hôm có ngủ được không, ngày ăn có ngon không. Nó không vô cảm như mọi người con dâu khác. Tôi thấy may mắn khi con cái ngoan ngoãn, sống có tình người.
Sức khỏe hiện tại của ông thế nào?
Thật lòng mà nói, tôi yếu lắm rồi. Cũng mệt lắm chứ không phải khỏe nữa đâu. Cách đây 2 năm tôi còn có thể đi xe máy được, bây giờ không dám đi vì mắt không nhìn thấy. Tôi mới đi khám mắt hôm qua, một mắt thì không nhìn thấy gì, mắt còn lại thì 3/10.
Vài năm trở lại đây bác sĩ khuyên tôi đừng hút thuốc nữa nhưng thú thật là thỉnh thoảng vẫn hút lại. Rồi có một hôm tôi khó thở, con dâu phải đưa đến bệnh viện. Bác sĩ chỉ lắc đầu cười thôi. Ông ấy truyền nước cho tôi rồi bảo lần sau mà bị như thế này đến đây tôi không chữa cho nữa đâu. Từ đấy là bỏ, được gần 2 năm rồi. Tôi cũng sợ nên không dám hút nữa, tôi còn muốn sống.
Trước đây, một số nghệ sĩ như nghệ sĩ Chí Trung đã kêu gọi ủng hộ ông nhưng được biết gia đình và bản thân ông đã từ chối. Ông có thể chia sẻ lí do không?
Nhiều người còn khổ hơn ấy chứ, tôi vẫn còn tạm được nên quyết định từ chối. Các cháu nhà tôi cũng không đồng ý, chúng nó phản ứng ghê lắm. Mãi sau Chí Trung gặp tôi và nói rằng giờ cháu đi trả lại từng người cũng khổ quá nên tôi đành nhận, dùng để sửa lại căn nhà của cả gia đình.
Đến bây giờ tôi được NSND thì mừng quá chứ, 90 tuổi rồi ít đâu.
Người ta nói, cuộc đời mỗi diễn viên đều tìm kiếm cho mình một vai diễn để đời. Vậy 60 năm làm nghệ thuật ông đã tìm thấy vai diễn của mình chưa?
Nói thật lòng tôi chỉ yêu cái nghề này, chứ đi tìm vai diễn để đời thì tôi không tìm. Có được là tốt mà không được thì âu cũng là cái duyên chưa đến.
Chứ không cố tình để tìm. Với các vai diễn đã qua thì tôi yêu thích nhất vai Nguyễn Trãi. Cái năm ấy tôi đúng cái tuổi của cụ Nguyễn Trãi 28 tuổi. Đóng cái vai đấy tôi thích lắm, bởi cái tư cách con người nhân vật mà mình thể hiện.
Theo ông, có phải nghệ sĩ trẻ bây giờ "sống dễ" hơn lớp trước không?
Tôi không bao giờ nghĩ đến chuyện này bởi vì lúc đó khác bây giờ, giữa hai thế hệ khác nhau hoàn toàn. Ngày xưa tôi đi làm, tôi ở cơ quan không được phép ra ngoài làm thêm mà ra ngoài phải xin phép, mỗi một lần xin phức tạp lắm, còn cắt lương. Bây giờ tuổi chúng nó mua ô tô, mua nhà là cái chuyện bình thường.
Thế cho nên tôi không bao giờ ghen tị cái chuyện đấy mà rất bằng lòng bởi vì hoàn cảnh của thời gian khác nhau hoàn toàn.
Dạo này phim truyền hình Việt Nam rất được chú ý, là một tín hiệu rất mừng. Nhiều bộ phim như: "Người phán xử", "Sống chung với mẹ chồng", "Về nhà đi con"... được đông đảo khán giả đón nhận. Ông có nhận xét gì về thế hệ diễn viên hiện tại và theo ông yếu tố nào làm cho phim truyền hình được yêu thích hơn?
Tôi mừng lắm. Ngày xưa chúng tôi cũng phải học nhưng học chưa đến đầu đến đũa, bây giờ lớp trẻ học đến nơi đến chốn hẳn hoi làm ăn vững vàng hơn bọn tôi ngày xưa nên tôi quý lắm.
Nhiều người nói diễn viên trẻ không diễn xuất tốt bằng lớp cũ là không phải. Không bằng là thế nào, cái gì là không bằng, người ta có hơn rõ ràng.
Phim truyền hình hiện nay được khán giả đón nhận nguyên nhân đầu tiên là do sức sống của từng diễn viên. Cái thứ 2 là do kịch bản. Ví dụ như "Người phán xử" chẳng hạn, đó là phim kịch bản nước ngoài nên mình không tính, có giỏi bằng mấy cũng không tính. Nhưng mà "Về nhà đi con" thì phải tính, phải tính những cái phim như thế.
Ông có lời nhắn nhủ gì tới các bạn diễn viên trẻ hiện nay không?
Tôi thì tôi không dám dạy bảo ai, tôi chỉ nhắc nhở các bạn làm sao gìn giữ sự nghiệp và vai trò của mình cho nghiêm chỉnh chứ đừng cố chạy theo nếu không có khả năng diễn xuất. Ví dụ như có những cô những cậu không có chuyên môn đóng phim, khổ cho người ta khổ cho cả mình, không đóng nổi thì đứng có đóng.
Cái nghề này nó tìm người chứ người không đi tìm nghề được. Bản thân cái nghề này không phải ai muốn là đạt được.
Ở cái tuổi 90 ông có thích đi diễn nữa không?
Có chứ tôi vẫn thích đi diễn nhưng không ai dám gọi đi. Một hoặc vài ngày thôi, vài ba cảnh ngắn ngắn chứ phim dài vài chục tập người ta không dám gọi đi. Đầu tiên là do sức khỏe, hai là tâm trí mình cũng không còn minh mẫn như ngày xưa, đôi khi muốn cũng không được, yếu rồi.
90 tuổi đời, 60 năm tuổi nghề ông mới được trao tặng danh hiệu NSND, theo ông có muộn màng không?
Tôi làm nghề này đâu quan tâm tới mấy cái danh hiệu. Từ khi tôi đi làm nghề này tôi chỉ mong làm cho tròn vẹn công việc diễn xuất trong vai phim của mình chứ không bao giờ nghĩ làm để được cái này được cái kia. Đến bây giờ được NSND thì tôi có mừng quá chứ, 90 tuổi rồi ít đâu.
Cảm ơn NSND Trần Hạnh về cuộc trò chuyện!