Người đàn ông hồi sinh hàng trăm chiếc xe cổ ở Sài Gòn: Với xe cổ, mỗi ngày ta nhâm nhi một tí, không nóng vội được

Đỗ Lan |

“Chiếc xe nào chết máy, sau đó “hát lên” thì niềm vui vô bờ bến”, đó là chia sẻ của anh Huỳnh Long ở quận 8, TPHCM.

Hơn 20 năm gắn bó với xe cổ, đến nay, anh Huỳnh Long sở hữu vài chục chiếc xe quý hiếm, xuất xứ từ nhiều quốc gia trên thế giới. Ngày đêm bầu bạn với xe cổ vì ở anh là niềm đam mê và chính những cách chơi xe đã khiến tính cách nóng nảy của anh "nguội dần".

Vốn học khoa cơ khí tại trường đào tạo công nhân Thủ Đức, anh Huỳnh Long từng làm việc tại Nhà máy điện Thủ Đức. Duyên xui khiến, cộng với kiến thức về cơ khí, giúp anh Huỳnh Long hiểu được nguyên lý, cơ chế vận hành của những chiếc xe hơn.

CHIẾC MOBYLETTE ĐẦU TIÊN

20 năm gắn bó với xe cổ, anh Long vẫn nhớ mãi lần đầu tiên mua xe. Đó là chiếc Mobylette của Pháp năm 2000.

Mobylette là model xe máy độc đáo có hình dáng bên ngoài trông khá giống với một chiếc xe đạp. Du nhập vào Việt Nam từ những năm 60 - 70 của thế kỷ trước. Mobylette do công ty Motobecane của Pháp sản xuất. Những chiếc xe Mobylette đầu tiên được tung ra thị trường vào năm 1949 gần như ngay lập tức đã tạo ra một làn sóng hâm mộ cho giới chơi xe không chỉ ở Pháp mà trên khắp thế giới.

Người đàn ông hồi sinh hàng trăm chiếc xe cổ ở Sài Gòn: Với xe cổ, mỗi ngày ta nhâm nhi một tí, không nóng vội được - Ảnh 1.

Cận cảnh một chiếc Mobylette. Ảnh: Việt Vũ

Vốn đã tìm hiểu và học hỏi những người đi trước nên hiểu về Mobylette, anh Huỳnh Long nghe tin ở Mỹ Tho có bán xe này. Đêm anh thao thức, chỉ mong đến sáng để đi mua. Hôm sau, anh đến ngay Mỹ Tho và mua xe với giá 2,8 triệu đồng.

Về nhà, anh Long ngắm nghía, tân trang chiếc xe cổ ấy. Rồi từ Mobylette, anh bắt đầu cuộc sống với hàng trăm con xe cổ khác.... Đến nay, chiếc Mobylette này của anh Long đã sang chủ mới.

Chơi xe cổ còn mang lại những giá trị tích cực khác.

ĐÃ LÀ ĐAM MÊ THÌ PHẢI CỰC KHỔ

"Có những chiếc xe, tôi mê mẩn, ngồi ngắm cả ngày. Sau đó, phát hiện ra xe thiếu cái này, thiếu cái kia là tôi đi lùng sục, tìm để lắp vào", anh Huỳnh Long chia sẻ với Trí Thức Trẻ một ngày giữa tháng 10.

"Mỗi người có thú chơi riêng. Có người chơi chim thì thích nghe chim hót, có người thích cây cảnh, chỉ đơn giản vậy thôi. Người chơi xe thì thích ngắm xe. Bản thân tôi, khi kiếm được phụ tùng thì cứ ngắm hoài. Khi ngủ thì cứ nhớ ngày mai, mình sẽ phải kiếm cái gì, làm cái gì tiếp theo cho xe đó. Có lúc đến 2 - 3 giờ sáng. Vì mình mê nên mình cảm thấy thích thú", anh Huỳnh Long kể.

Người đàn ông hồi sinh hàng trăm chiếc xe cổ ở Sài Gòn: Với xe cổ, mỗi ngày ta nhâm nhi một tí, không nóng vội được - Ảnh 2.

Chỉ cần nghe thấy tin có xe cổ là anh Huỳnh Long đã mất ngủ rồi vì... háo hức.

Người đàn ông hồi sinh hàng trăm chiếc xe cổ ở Sài Gòn: Với xe cổ, mỗi ngày ta nhâm nhi một tí, không nóng vội được - Ảnh 3.

Anh Long cho biết, vợ anh không hề cằn nhằn vì ngày đêm anh kết thân với xe cổ.

Cho đến nay, suốt 20 năm gắn bó với xe cổ, anh đã tu sửa được vài trăm chiếc. Bán, trao đổi qua lại, đến nay anh đang sở hữu vài chục chiếc xe quý hiếm. Anh nói rằng với anh tu sửa xe cổ không phải là nghề mà là đam mê. Sự tìm tòi, mày mò để biến những chiếc xe cũ, hỏng hóc… thành những tác phẩm nghệ thuật, mỹ thuật rất sự kiên trì, bền bỉ.

"Đã là đam mê thì phải cực khổ. Có những chiếc xe chết máy vì đã không hoạt động quá lâu. Mày mò mãi, khi máy nổ, thực sự thích thú lắm", anh Huỳnh Long tâm sự.

Về hành trình tìm những chiếc xe cổ để về phục chế, người đàn ông sinh năm 1964 cho hay, anh tìm kiếm thông tin trên mạng, tại các câu lạc bộ ở Sài Gòn…. Hễ nghe thấy thông tin xe cổ ở đâu là anh tìm hiểu ngay và luôn.

Là người chơi xe lâu năm, anh Huỳnh Long cho biết những chiếc xe đẹp khiến anh mê mẩn là từ Đức, Ý, Pháp…. Mỗi chiếc xe, tùy vào thời điểm chúng ra đời, mẫu mã, thiết kế, xuất xứ... có giá khác nhau, có thể từ vài triệu đến 80 triệu đồng.

MỖI NGÀY TA NHÂM NHI MỘT TÍ

Chuyện tu sửa, cải lão hoàn đồng cho xe cổ không phải muốn nhanh mà được. Anh Huỳnh Long quan niệm, xe đã hỏng mà mạnh tay thì sẽ hỏng luôn.

"Mình phải kiên trì, nhẫn nại để tìm ra nguyên lý hoạt động. Dục tốc bất đạt. Nóng tính sẽ hỏng. Cụ thể, nếu mình kiếm dụng cụ nào đó để mở ra cho nhanh, làm cho nhanh thì xe "đi luôn". Xe đã hư rồi, nóng tính là bỏ đi luôn", anh Huỳnh Long cho biết.

Anh thừa nhận bản thân là người nóng tính. Và sửa chữa, tu bổ xe cổ khiến tính cách của anh phải "nguội dần".

Nếu có vấn đề gì đó về xe mà chưa làm được thì anh phải ngưng, nghỉ. Sau đó đi tìm, hỏi đồng nghiệp, bạn bè xem cách giải quyết như thế nào. 

"Mỗi ngày ta nhâm nhi một tí, mỗi ngày ta sửa một tí, không thể nóng vội được", anh Huỳnh Long chia sẻ.

Người đàn ông hồi sinh hàng trăm chiếc xe cổ ở Sài Gòn: Với xe cổ, mỗi ngày ta nhâm nhi một tí, không nóng vội được - Ảnh 4.

Slogan của anh: Mỗi ngày ta nhâm nhi một tí... được nhiều người trong giới chơi xe máy, xe đạp cổ biết đến.

Người đàn ông hồi sinh hàng trăm chiếc xe cổ ở Sài Gòn: Với xe cổ, mỗi ngày ta nhâm nhi một tí, không nóng vội được - Ảnh 5.

Những con xe cũ kỹ như thế này, qua tay anh Long sẽ rất khác.

Điều mà anh Huỳnh Long hài lòng, vui nhất là đến nay, anh đang sở hữu vài chục chiếc xe quý hiếm và vẫn tiếp tục tìm kiếm những xe cổ khác.

Anh kể, ngày xưa, khi mới bắt đầu chơi xe, anh phải đi hỏi các anh, các chú đã chơi xe lâu. Đến nay, anh vẫn hỏi những bậc "cao nhân" trong giới nhưng Google cũng hỗ trợ nhiều trong việc tìm kiếm xe.

Người đàn ông hồi sinh hàng trăm chiếc xe cổ ở Sài Gòn: Với xe cổ, mỗi ngày ta nhâm nhi một tí, không nóng vội được - Ảnh 6.

Mảnh da này, anh cắt từ chiếc túi xách da và khâu thành yên xe.

Người đàn ông hồi sinh hàng trăm chiếc xe cổ ở Sài Gòn: Với xe cổ, mỗi ngày ta nhâm nhi một tí, không nóng vội được - Ảnh 7.

Vỏ yên xe làm từ túi da cũ.

Người đàn ông hồi sinh hàng trăm chiếc xe cổ ở Sài Gòn: Với xe cổ, mỗi ngày ta nhâm nhi một tí, không nóng vội được - Ảnh 8.

20 năm chơi xe máy cổ, anh Long cho biết Sài Gòn tập trung đông đảo và đa dạng giới chơi xe, từ đại gia, người kinh doanh, người lao động tự do...

Người đàn ông hồi sinh hàng trăm chiếc xe cổ ở Sài Gòn: Với xe cổ, mỗi ngày ta nhâm nhi một tí, không nóng vội được - Ảnh 9.

Từng con vít, từng mạch điện nhỏ li ti... chính là những chi tiết không thể thiếu trong chiếc xe hoàn chỉnh. Nếu bộ phận nào đó hỏng, anh phải cần mẫn tra cứu thông tin...

Người đàn ông hồi sinh hàng trăm chiếc xe cổ ở Sài Gòn: Với xe cổ, mỗi ngày ta nhâm nhi một tí, không nóng vội được - Ảnh 10.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại