Câu chuyện xảy ra vào năm 2013. Vào thời điểm đó, ông Hàn ở thành phố An Sơn, tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc, đang cần mở một tài khoản tiết kiệm ở ngân hàng địa phương. Tuy nhiên vì công việc bận rộn, người đàn ông quyết định đưa CCCD và một số giấy tờ khác của mình cho người bạn là ông Vương và nhờ người này đến ngân hàng mở tài khoản hộ. Sau khi mở tài khoản thành công, ông Hàn đã gửi vào đó 2 triệu NDT (hơn 7 tỷ đồng). Không lâu sau đó, người đàn ông này tiếp tục gửi thêm 500.000 NDT (hơn 1,7 tỷ đồng) vào tài khoản nói trên.
Đến năm 2019, ông Hàn đến ngân hàng rút tiền thì được nhân viên thông báo rằng tài khoản của ông không có đồng nào. Nghe vậy, ông Hàn lập tức trình báo vụ việc cho cảnh sát. Nhận được tin báo, cảnh sát An Sơn vào cuộc điều tra. Kết quả cho thấy thủ phạm “ăn cắp” tiền của ông Hàn chính là ông Vương, người bạn mà ông Hàn rất tin tưởng. Đối tượng này sau đó đã bị cảnh sát bắt giữ.
Tại đồn cảnh sát, ông Vương khai nhận rằng sau khi đến ngân hàng mở tài khoản giúp ông Hàn, ông đã đi photo sổ tiết kiệm và thông tin giấy tờ của bạn mình. Chỉ 2 ngày sau khi ông Hàn gửi tiền vào tài khoản, người đàn ông này đã đến ngân hàng và dùng số giấy tờ trên để rút tiền. 500.000 NDT mà ông Vương gửi sau đó cũng được ông Vương rút đi theo cách tương tự. Sau khi hành vi phạm tội bị phát giác, ông Vương đã trả lại cho bạn mình 1,51 triệu NDT (hơn 5,2 tỷ đồng) và bị kết án tù.
Về phía ông Hàn, ông cho rằng việc số tiền 2,5 triệu NDT (hơn 8,7 tỷ đồng) của mình rút mất, ngân hàng cũng phải chịu trách nghiệm. Do đó, người đàn ông này đã lập tức liên hệ với ngân hàng trên và yêu cầu họ bồi thường cho mình. Tuy nhiên, đại diện ngân hàng này đã phủ nhận trách nghiệm. Trước thái độ thờ ơ của đối phương, ông Hàn tức giận, khởi kiện đơn vị này ra tòa án địa phương.
Tại tòa, ông Hàn cho rằng khi ông mở tài khoản tiết kiệm tại đây thì ông và ngân hàng đã hình thành quan hệ hợp đồng. Điều đó cũng có nghĩa là phía ngân hàng phải có nghĩa vụ đảm bảo an toàn cho số tiền của ông. Do đó, khi 2,5 triệu NDT bị ông Vương rút mất, ngân hàng với tư cách là tổ chức tài chính cũng phải có trách nhiệm.
Trước những lời tố cáo của ông Hàn, đại diện ngân hàng trên đã đưa ra 2 lý do để từ chối trách nhiệm bồi thường. Thứ nhất, ngân hàng cho rằng với tư cách là người gửi tiền, ông Hàn cũng phải có nghĩa vụ bảo mật thông tin tài khoản của mình. Tuy nhiên, người đàn ông này lại cung cấp thông tin của mình cho người khác, từ đó gây ra thất thoát không đáng có. Do đó, việc 2,5 triệu NDT của ông Vương bị rút mất là do lỗi của chính ông, không phải của ngân hàng.
Thứ hai, Điều 188 Bộ luật Dân sự Trung Quốc quy định thời hiệu yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền dân sự của người dân là 3 năm. Trong khi đó, số tiền của ông Vương bị rút mất cách thời điểm đó đã là 7 năm nên thời hiệu khởi kiện đã hết. Do đó, dù ngân hàng cũng có lỗi trong vụ việc này thì họ cũng không cần phải chịu bất kỳ trách nhiệm nào nữa.
Tại phiên xét xử cuối cùng, Tòa án An Sơn cho rằng ngân hàng nói trên vẫn phải chịu trách nhiệm trong vụ việc này nên đã ra phán quyết yêu cầu đơn vị này phải bồi thường cho ông Hàn 5% tổng thiệt hại. Bên cạnh đó, phí thụ lý vụ án là 26.800 NDT (hơn 93 triệu đồng) thì ngân hàng cũng chịu 1.404 NDT (gần 5 triệu đồng), số tiền còn lại ông Hàn phải trả.
Ông Hàn không chấp nhận kết quả này, cho rằng ngân hàng phải bồi thường nhiều hơn cho mình nên đã gửi đơn kháng cáo. Sau khi xem xét, tòa cấp cao cho rằng mối quan hệ giữa ông Hàn và ngân hàng là hợp đồng tiết kiệm. Khi ông Vương không cung cấp CCCD gốc của ông Hàn nhưng ngân hàng vẫn để người này rút tiền thì chứng tỏ đơn vị này không thực hiện trách nhiệm kiểm tra nghiêm ngặt, dẫn đến việc tiền gửi của ông Hàn bị người khác lấy đi mà ông không hề hay biết. Vì vậy, ông Hàn có quyền yêu cầu ngân hàng bồi thường thiệt hại do lỗi của ngân hàng gây ra.
Tuy nhiên, kết quả cuối cùng của vụ việc trên không được công bố khiến nhiều người càng tò mò hơn về số tiền mà ngân hàng phải đền bù trong vụ án này.
(Theo 163.com)