Người đàn ông được người khác "gửi nhờ" 21 tỷ đồng, cảnh sát lập tức yêu cầu phong tỏa tài khoản ngân hàng của cả gia đình

Minh Tiến |

Một người thân bị nghi là lừa đảo và tài khoản ngân hàng của cả một gia đình bị đóng băng.

Một gia đình sống ở Cám Châu (Trung Quốc) có 6 người, gồm có 2 vợ chồng lớn tuổi cùng vợ chồng gia đình con gái và vợ chồng gia đình con trai. Một hôm, tất cả tài khoản ngân hàng của 6 người trong gia đình bị phong tỏa.

Cả gia đình đã liên hệ ngay với ngân hàng và phát hiện ra rằng, con rể tên là Song bị tình nghi liên quan đến lừa đảo. Hơn nữa, cảnh sát nghi ngờ cả gia đình đều liên quan đến đường dây lừa đảo này nên đã đóng băng tài sản của cả gia đình để điều tra.

Cụ thể, cảnh sát phát hiện ra tài khoản của anh con rể tên Song xuất hiện khoản tiền 6 triệu NDT (khoảng 21 tỷ đồng), khoản tiền này liên quan đến một đường dây lừa đảo mà cảnh sát Cám Châu (Trung Quốc) đã theo dõi được một thời gian. Hơn nữa, anh Song thường xuyên gửi tiền cho mọi người trong gia đình, dựa vào sự di chuyển của dòng tiền nên cảnh sát bước đầu nghĩ rằng cả gia đình đều liên quan đến vụ lừa đảo.

Băng đảng lừa đảo này đăng ký mở một công ty, mở một tài khoản doanh nghiệp nhưng lại bí mật thực hiện các hoạt động lừa đảo qua mạng viễn thông như rửa tiền. Sau khi tra hỏi con rể của gia đình, cảnh sát biết được số tiền này là bạn anh ta gửi đến nhờ giữ hộ.

Theo lời khai của anh con rể, cảnh sát đã điều tra ra, người bạn của anh Song tên là Wen, mở một công ty chuyên đi lừa đảo. Thủ đoạn lừa đảo của công ty này là gọi điện, nhắn tin cho nhiều người, dụ dỗ các nạn nhân tải xuống phần mềm độc hại. Khi phần mềm này được tải xuống thiết bị di động hoặc máy tính, virus sẽ xâm nhập và lấy cắp tiền trong tài khoản.

Số tiền liên quan đến vụ án lên tới 6 triệu NDT (khoảng 21 tỷ đồng). Sau nhiều ngày điều tra, nghi phạm lừa đảo mạng viễn thông Wen đã bị bắt, băng nhóm liên quan đến lừa đảo đứng sau cũng đã bị cảnh sát tóm gọn.

Ngay sau khi biết được anh Song chỉ là nạn nhân, cảnh sát đã ngay lập tức gỡ lệnh phong tỏa tài khoản của gia đình anh.

Qua trường hợp này, cảnh sát cảnh báo, không bấm vào đường link lạ; không nhận số tiền lớn của bất kỳ ai để tránh trở thành đồng phạm lừa đảo. Đặc biệt, tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân (tài khoản ngân hàng, mật khẩu, mã xác thực (OTP)) cho người lạ qua điện thoại khi chưa xác thực nội dung. Khi phát hiện dấu hiệu lừa đảo, báo ngay cho cơ quan gần nhất để được hướng dẫn xử lý.

Ngoài ra, một số thủ đoạn lừa đảo xuất hiện gần đây đó là tìm “việc nhẹ, lương cao” trên mạng. Cụ thể, tuyển cộng tác viên làm các nhiệm vụ chuyển tiền thanh toán các đơn hàng theo các đơn hàng bất kỳ mà họ gửi, hứa trả tiền công từ 10% đến 30%.

Một số đơn hàng giá trị nhỏ thanh toán hoa hồng đầy đủ, chúng yêu cầu bị hại thanh toán đơn hàng giá trị lớn hơn, sau đó đưa ra các lý do người cộng tác vi phạm quy định như lỗi sai cú pháp, vượt quá định mức số tiền thanh toán trong ngày, quá hạn… dẫn đến bị khóa tài khoản và yêu cầu bị hại chuyển thêm nhiều lần tiền để bảo lãnh, xác minh tài khoản… thì mới cho rút lại tiền gốc và lãi. Đối tượng đưa bị hại vào tình trạng muốn lấy lại tiền, tiếc tiền nên phải theo cho đến khi hết khả năng thanh toán thì mới biết bị lừa.

Hay lừa đảo kết bạn qua mạng xã hội. Các đối tượng kết bạn qua Facebook, Zalo... giới thiệu là người nước ngoài để làm quen với bị hại rồi thông báo chuyển tiền về để đầu tư, gửi cho, tặng, làm từ thiện… với chiết khấu cao từ 30-40%. Sau đó bố trí các đối tượng giả danh nhân viên sân bay, hải quan, bưu điện, thuế... liên lạc với bị hại thông báo tiền đã chuyển đến nơi, phải nộp các loại thuế, lệ phí, cước phí… để có thể nhận tiền từ nước ngoài gửi về, bị hại phải chuyển tiền vào tài khoản tại ngân hàng do chúng cung cấp sau đó ngắt liên lạc, chiếm đoạt tiền.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại