Người đàn ông đòi giữ tiền vì vợ chi 30 triệu mua quần áo và chiến lược tiền bạc các cặp vợ chồng phải biết

An Thanh |

Tiền bạc dễ dàng khiến một cuộc hôn nhân sụp đổ và nên làm thế nào để nó không khiến cuộc khủng hoảng giữa hai bạn nổ ra?

Những ngày cuối năm sắp tới là mùa cưới và cũng là dịp nhiều người mua sắm nhất.

Một người bạn sắp kết hôn nói chuyện với tôi rằng 1 tháng nữa là anh ấy lên xe hoa. Tuy nhiên anh quyết định nói rõ lại chuyện tiền bạc với vợ sắp cưới, kể cả có bị phật ý cũng chịu.

"Hôm Black Friday cô ấy đã mua tổng cộng hết hơn 30 triệu tiền quần áo giày dép. Điều này khiến tôi lo lắng tột độ vì thu nhập của cả hai không đủ để phung phí như thế. Cách chi tiêu của cô ấy khiến tôi bất an. Bởi vậy tôi đã bàn bạc với cô ấy và nói rằng sau kết hôn mình sẽ giữ tiền, cô ấy sẽ có một khoản nhỏ chi tiêu thôi", anh bạn kể.

Điều này đã gây ra tranh cãi trong gia đình, cô vợ sắp cưới cũng vùng vằng giận dỗi. Thế mới nói, vấn đề tiền bạc có thể là thách thức lớn trong hôn nhân.

Tiền bạc và hôn nhân: Mối quan hệ không thể tách rời

Đã có không ít nghiên cứu khẳng định mối liên hệ chặt chẽ giữa vợ chồng và tài chính. Các vấn đề tiền bạc giữa họ gồm thu nhập từ lương bổng, phương thức đầu tư, quan điểm tiêu dùng, chi phí học hành của con cái, sự hỗ trợ tài chính từ bố mẹ hai bên... đều dễ dàng trở thành nguồn gốc cãi vã.

Chúng ta thường nói "tiền bạc tổn hại tình cảm" nhưng trong cuộc sống vợ chồng làm sao rời xa được chủ đề tiền bạc.

Nó cũng là vấn đề dễ dàng dẫn đi đổ vỡ, ly thân và ly hôn. Bởi vậy mới nói, tiền bạc không chỉ nằm ở con số mà nó còn phản ảnh mối quan hệ. Hai bên tác động mật thiết với nhau.

Archuleta một giáo sư tại Đại học Georgia, đã đề xuất một lý thuyết thú vị gọi là "Lý thuyết cặp đôi và tài chính" (CFT) hay "Lý thuyết cặp đôi và tiền bạc ". Nó có thể giúp các cặp đôi hiểu rõ hơn và giải quyết các vấn đề tiền bạc.

Người đàn ông đòi giữ tiền vì vợ chi 30 triệu mua quần áo và chiến lược tiền bạc các cặp vợ chồng phải biết- Ảnh 1.

Tranh minh họa.

Lý thuyết CFT đi sâu vào mối tương tác giữa mối quan hệ của một cặp vợ chồng và mối quan hệ với tiền bạc. Nhấn mạnh rằng tiền bạc không chỉ nằm ở chi tiêu hằng ngày mà còn phản ánh các giá trị và mục tiêu cốt lõi của cặp đôi.

Lý thuyết này cung cấp cho các cặp đôi cách hiểu nhau về quan điểm tiền bạc, đồng thời giúp họ thiết lập các chiến lược quản lý tài chính lành mạnh, duy trì sự ổn định hôn nhân.

Các nguyên tắc cốt lõi của lý thuyết CFT gồm các điểm sau:

1. Tiền là sự thể hiện của giá trị

Quan điểm của một cặp vợ chồng về tiền bạc thường phản ánh những giá trị cốt lõi của họ. Ví dụ: Một cặp đôi có thể tranh cãi về quan điểm khác nhau của họ về việc tiết kiệm là "Hãy cẩn thận với tiền của bạn" hay "Hãy tận hưởng nó ngay bây giờ"? Đây thực sự là thảo luận về mục tiêu cuộc sống trong tương lai.

Bằng cách hiểu quan điểm của nhau về tiền bạc, các cặp đôi có thể hiểu rõ hơn về định hướng giá trị cốt lõi của nhau, từ đó giảm bớt xung đột.

2. Mục tiêu chung và hợp tác

Lý thuyết CFT khuyến khích các cặp vợ chồng thiết lập các mục tiêu tài chính chung thay vì chỉ theo đuổi các mục tiêu tài chính cá nhân. Mục tiêu chung về tiền bạc có thể khuyến khích các cặp đôi hợp tác nhiều hơn, cùng nhau lên kế hoạch và đưa ra quyết định, từ đó củng cố mối quan hệ của họ.

3. Giao tiếp cởi mở

Giao tiếp cởi mở và trung thực là chìa khóa cho một mối quan hệ tiền bạc lành mạnh. Các cặp đôi có thể thoải mái thảo luận về các vấn đề tiền bạc cũng như chia sẻ những mối quan tâm và mong muốn của mình. Thông qua giao tiếp, họ có thể hiểu nhau hơn và thương lượng giải pháp, từ đó giảm bớt xung đột tài chính.

Người đàn ông đòi giữ tiền vì vợ chi 30 triệu mua quần áo và chiến lược tiền bạc các cặp vợ chồng phải biết- Ảnh 2.

Tranh minh họa.

4. Cùng tham gia các quyết định tài chính

Lý thuyết CFT nhấn mạnh rằng các cặp vợ chồng nên cùng nhau tham gia vào các quyết định về tiền bạc, nghĩa là họ nên cùng nhau thảo luận và lập kế hoạch ngân sách gia đình, kế hoạch tiết kiệm và chiến lược đầu tư. Sự tham gia chung vào việc ra quyết định giúp đảm bảo tiếng nói của mọi người được lắng nghe đồng thời giảm xung đột không cần thiết.

Mục tiêu chung về tiền bạc: Chìa khóa hạnh phúc

Bởi vậy, chúng ta biết rằng các mục tiêu tài chính là chìa khóa cho hôn nhân lành mạnh. Làm cách nào để chúng ta có thể thiết lập những mục tiêu này với bạn đời? Một số mẹo cụ thể bạn nên tham khảo như sau.

1. Liệt kê những mục tiêu mà hai bên sẵn sàng theo đuổi

Mục tiêu chung sẽ trở thành động lực để các cặp đôi cùng nhau làm việc. Bạn và đối phương có thể liệt kê các mục tiêu chi tiết cả hai sẵn sàng theo đuổi, sau đó cùng nhau thảo luận về chúng. Những mục tiêu này có thể liên quan đến tài chính gia đình, đầu tư cho tương lai, giáo dục của con cái và mua nhà, kế hoạch lương hưu...

2. Lập một khoản dự phòng khẩn cấp

Một khoản dự phòng khẩn cấp được xây dựng để trang trải các trường hợp khẩn cấp. Khoản dự phòng này có thể được sử dụng để trang trải các trường hợp khẩn cấp về y tế, sửa chữa nhà cửa hoặc các chi phí bất ngờ khác. Bằng cách xây dựng nó, các cặp vợ chồng có thể giảm bớt căng thẳng mà tiền bạc có thể gây ra đồng thời đảm bảo họ được trang bị để đối phó với những điều bất ngờ.

Người đàn ông đòi giữ tiền vì vợ chi 30 triệu mua quần áo và chiến lược tiền bạc các cặp vợ chồng phải biết- Ảnh 3.

Tranh minh họa.

3. Lập kế hoạch cụ thể

Khi bạn đã xác định được mục tiêu tài chính chung của mình, bước tiếp theo là lập một kế hoạch cụ thể, bao gồm lập ngân sách, kế hoạch tiết kiệm, chiến lược đầu tư...

Cả hai bên cần đảm bảo rằng kế hoạch này thực tế và khả thi, có tính đến tình hình tài chính hiện tại của bạn. Đồng thời nó phải linh hoạt và thích ứng với những thay đổi trong tương lai.

4. Giao tiếp chân thành và duy trì sự minh bạch

Giao tiếp là rất quan trọng và các cặp vợ chồng cần thảo luận thẳng thắn về các ý tưởng, mối quan tâm và kỳ vọng về tiền bạc của họ.

Sự minh bạch là chìa khóa để duy trì niềm tin và các mục tiêu chung không chỉ được viết ra trên giấy mà thông qua các cuộc trò chuyện và thảo luận thường xuyên.

5. Phân công lao động và hợp tác

Trong quản lý tiền bạc, sự phân công lao động và hợp tác giữa các cặp vợ chồng là cần thiết, không chỉ bao gồm các quyết định tài chính mà còn cả việc xử lý các chi phí và hóa đơn hàng ngày. Đảm bảo sự phân công lao động của bạn là công bằng để tránh việc quản lý tiền bạc trở thành nguyên nhân gây tranh cãi.

6. Hãy nhớ ăn mừng

Đừng quên tự thưởng cho bản thân khi đã đạt được mục tiêu chung về tiền bạc. Điều này không chỉ nâng cao cảm giác hài lòng mà còn thúc đẩy các bạn tiếp tục làm việc cùng nhau! Hãy nhớ ăn mừng mọi thành công, dù lớn hay nhỏ, vì nó giúp duy trì mối quan hệ của bạn.

Mối quan hệ giữa vợ chồng và tiền bạc rất phức tạp và nhiều sắc thái, nhưng bằng cách đặt ra và thực hiện các mục tiêu chung về tiền bạc, bạn có thể xây dựng một cuộc hôn nhân bền chặt và thỏa mãn hơn. Tiền không còn là nguồn gây tranh cãi giữa các bạn và trở thành công cụ để đạt được tầm nhìn chung .

Vì vậy, khi bạn đời đang mua sắm điên cuồng khiến bạn hoảng hốt thì đừng ngại "nói chuyện tiền bạc". Hai bạn hãy ngồi xuống và trò chuyện. Đây có thể là bước khởi đầu cho mối liên kết chặt chẽ hơn giữa cả hai.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại