Ngày kiếm tiền định mệnh
Một buổi sáng tháng 9 năm 2011, Phan Văn Tùng (sinh năm 1989, ấp Long Mỹ, xã Long Chánh, thị xã Gò Công, Tiền Giang) tất bật chuẩn bị đi làm như bao ngày. Xoa bụng vợ, chào đứa con đang dần lớn lên, Tùng lên chiếc xe cà tàng đến công trình xây dựng. Hôm nay anh và những người thợ khác tiếp tục thi công tầng 3 của ngôi nhà người dân.
Đứng trên giàn giáo tầng 3, Tùng đưa tay ra để chuẩn bị kéo các xô vữa đang từ từ tời lên, nhẩm tính hôm nay nếu làm xong thì mình sẽ được 70 nghìn đồng.
"Rắc...rắc" rồi tiếng động lớn vang lên, tiếng người kêu thất thanh và bỏ chạy, toàn bộ giàn giáo chống đỡ phía ngoài công trình nơi Tùng đang đứng bỗng nhiên đổ sụp xuống đất.
"Từ độ cao 11m, em ngã xuống nhưng vẫn tỉnh táo. Tay chân không bị làm sao, nhưng em đập lưng xuống đất, bị gãy xương sống. Chủ thầu chở em vào viện bằng xe Honda, cái lưng thụng xuống lòi xương đâm qua da luôn." Tùng nhớ lại lúc mình bị tai nạn.
Tùng phải ngồi xe lăn sau vụ tai nạn rơi từ tầng 3 xuống đất
Vào viện, bác sĩ nói Tùng bị gãy sống lưng D11, D12 và tủy cắt ngang. Đánh giá về mức độ thương tổn của Tùng, bác sĩ đã phải bảo gia đình chuẩn bị tâm lý trước vì khó có thể đi lại như bình thường. Sau cuộc phẫu thuật, anh đã phải thay 2 đốt sống nhân tạo.
Gia đình hai bên nội ngoại đều nghèo khó, bố mẹ Tùng phải bán cả ruộng cho con chữa bệnh. Vợ anh đang mang bầu, tháng ngày ngày tần tảo đi 6km vào viện chăm chồng và quán xuyến gia đình.
Không muốn nói câu chuyện bị liệt vĩnh viễn để tránh cú sốc cho Tùng, mẹ và vợ động viên mổ xong thì tập vật lý trị liệu. Vợ Tùng bảo: "Anh cứ ăn uống tẩm bổ nhiều vào, rồi tập vật lý chỉ một thời gian nữa là khỏi thôi" dù cô biết chuyện đó là không thể.
Ngày Tùng rời bệnh viện về nhà cũng là ngày vợ hạ sinh con gái. Nằm trên giường không thể bế con, nhìn con mà lòng đầy bất lực. Tùng nước mắt rơi lã chã.
"Em bị liệt, con sinh ra thấy cũng buồn, không biết nói sao nữa. Chỉ ngồi nhìn theo vợ với mẹ chăm sóc. Ngồi không có vững phải có người dựng sau lưng chứ không mình ngã. Lúc đó, em cảm thấy mình bất lực, là người thừa bởi vì mình là đàn ông mà không lo được cho vợ con mình."
Vợ chồng nghĩa nặng tình sâu
"Trong 7 năm đầu, nhiều khi nằm đêm em khóc suy nghĩ cái số mình...".
Tùng bảo, vấn đề vệ sinh cá nhân nó cơ cực lắm, chẳng biết lúc nào cần hay không. Lúc nào cũng cột bịch nylon ở chân giường như thế. Ăn thì chẳng có cảm giác nó hay đói, ngon hay dở; chỉ biết ăn vào cho đủ sức khỏe để tập và vật lý trị liệu giúp người tránh lở loét về sau.
Năm đầu tiên về nhà sau tai nạn, Tùng chỉ nằm một chỗ. Đến năm thứ hai, nhờ cố gắng vật lý trị liệu và tập luyện, anh đã có thể mon men theo giường để nhờ người dìu xuống xe lăn. Những ngày đầu ngồi xe không quen, Tùng va hết vào cái này cái kia, có hôm lên đoạn dốc thấp cả xe lật ngửa, đầu đập xuống đất; Tùng chỉ biết nằm yên chịu trận hoặc hét lên nhờ người tới giúp.
Tâm sự về vợ, Tùng bảo cô ấy hơn mình 2 tuổi, tên là Hồ Thị Nhanh. Duyên nghèo hai đứa đến với nhau, lúc cưới cũng chẳng có gì, chỉ làm mấy mâm cơm cho hai bên nội ngoại. Tính vợ Tùng ít nói nhưng hết mực thương chồng, con. Nhiều khi Tùng cũng thấy vợ buồn nhưng gặng hỏi, cô chỉ cười và không nói.
Mẹ Tùng cùng vợ và con gái, họ luôn là chỗ dựa cho anh trong những năm qua
Nhìn thấy cảnh vợ cứ sáng đi làm sớm, rồi tất bật chiều về chăm cho mình, Tùng thương vợ, nghĩ cho tuổi thanh xuân phải trôi qua với người bênh như mình, Tùng nhiều lần khuyên vợ đi tìm hạnh phúc mới.
"Em nói với vợ "đi gặp ai đó em chịu, đến với họ cũng được chứ anh thì xong cuộc đời anh rồi". Khi đó, vợ em nói "vợ chồng với nhau có rau ăn rau, có cháo ăn cháo, em muốn chăm sóc cho anh"."
7 năm ở nhà làm các việc vặt như nấu cơm, quét nhà rửa bát; Tùng nhiều đêm trằn trọc suy nghĩ mình phải kiếm việc gì để đáp lại tình cảm của vợ và giúp đỡ thêm kinh tế gia đình. Năm 2018, qua người quen ở công ty vợ, anh tập làm quen với nghề làm màn rèm chắn cửa từ các hạt nhựa tròn.
Những hạt nhựa đấy Tùng đặt ở công ty trên Sài Gòn. Một tấm bán 700 - 750 ngàn, lấy công làm lời được khoảng hơn 200 ngàn. Anh làm cẩn thận nên khách sử dụng được lâu có khi 7 - 8 năm mới hư, xuống màu họ mới mua tấm khác. Màn rèm này chủ yếu dùng cho nhà cấp 4 dưới quê chứ ở thành phố ít ai dùng. Trung bình 1 tháng Tùng chỉ làm được 3 - 4 tấm, thậm chí có tháng còn không có tấm nào.
Những màn rèm che do Tùng làm
Thấy chồng vui vẻ hơn, cười nói nhiều hơn khi làm việc, vợ và con gái cũng xúm tay vào với em, Tùng bảo buổi tối cả nhà bên nhau mỗi người mỗi việc, tuy vất vả nhưng luôn hạnh phúc và đầm ấm.
"Em định làm thêm mấy năm nữa, rồi dồn tiền sửa lại mấy chỗ dột trong nhà, từ hồi em mất khả năng lao động, chỉ trông chờ vào tiền lương được hơn 4 triệu đồng của vợ, vừa tằn tiện vừa lo cho con ăn học. Nhà cửa xuống cấp cũng chẳng có tiền mà sửa lại nữa" , Tùng chia sẻ.
Do phải nằm sấp để xỏ màn rèm, giờ đây Tùng bị thêm bệnh tức ngực, những lúc trái gió trở trời là trở nên khó thở, cùng với đó bệnh lở loét điều trị thời gian rồi lại bị. Tùng bị đau bụng, tiểu ra máu; bác sĩ nói bị sỏi thận 10mm ở 2 bên cần phải mổ gấp. Tùng từ chối vì lực bất tòng tâm.
"Tiền trợ cấp hàng tháng em được 720 ngàn, chỉ đỡ phần nào đưa vợ trang trải cuộc sống. Bây giờ mà đi mổ tốn tiền lắm, em chịu đau được. Khi nào đau quá em mới mua vài viên thuốc uống cho đỡ cực mà thôi."
(Ảnh: NVCC)