Cử nhân thương mại "chống lại" gia đình để đi show giả nữ, mong được là chính mình

Mai Linh |

Lê Hải Phong đã mất cả một thời gian dài để thuyết phục gia đình hiểu cho bản thân mình, anh mong muốn được sống với đúng những gì mình đang có.

Chàng trai mê hóa trang

Từ nhỏ, Lê Hải Phong đã rất thích môn mỹ thuật, thích vẽ tranh và thích sử dụng các loại màu. Lớn hơn, anh tập trung vẽ các dáng mắt khác nhau, có thể theo hướng trừu tượng hoặc tả thực. Anh còn thích những sự biến hoá, biến hoá của nàng tiên cá với cái đuôi, hay những màn biến hoá của các siêu nhân, hoặc biến hoá của các nghệ sĩ make-up trên YouTube. 

Phong thích nhìn thấy những gì mà một người nghệ sĩ có thể làm để thay đổi một vật thể gốc sang một phiên bản hoàn toàn khác với sự trợ giúp của trang phục và mỹ phẩm.

Cử nhân thương mại chống lại gia đình để đi show giả nữ, mong được là chính mình - Ảnh 1.

Chính vì thế, chàng trai 24 tuổi đã tìm hiểu về Drag queen (thuật ngữ gọi những người thường là nam giới có phong cách ăn mặc nữ tính, đi kèm theo đó là lối trang điểm dày, đậm để đi biểu diễn và hát nhép) khoảng hơn 2 năm. Ngày nay, cụm từ “Drag queen” không còn bị giới hạn trong không gian khán phòng, mà được dùng rộng rãi hơn, chỉ chung các nghệ sĩ hoá trang thành nữ giới.

Thời điểm Phong quyết định tìm hiểu về Drag queen là cũng là lúc anh mới tốt nghiệp Đại học Thương mại. Ban ngày, anh đi làm hướng dẫn viên du lịch, tối đến lại “làm bạn” với bộ cọ trang điểm. 

“Ròng rã suốt 2 năm, mình tranh thủ 3 tiếng mỗi tối để học trang điểm trên YouTube. Có hôm, mình mày mò học làm tóc giả đến 3 - 4h sáng. Đối với hoá trang Drag, mình lấy cảm hứng từ những nhân vật trong phim hoạt hình cho gương mặt cụ thể muốn hóa trang. 

Đôi chút mình cảm thấy áp lực bởi từ những nét có sẵn trên gương mặt, mình phải tư duy sáng tạo và dựng lên một gương mặt hoàn toàn mới sau mỗi lần make-up”, Phong nói.

Để thỏa mãn đam mê hóa trang, Phong đi làm được bao nhiêu tiền đều đổ hết vào đầu tư cho trang phục (váy, quần áo, giày cao gót…) và phụ kiện (tóc giả, trang sức…). Đa số các cửa hàng thời trang đều không có quần áo hay váy size to nên Phong cũng phải tìm đến hiệu may hoặc mua lại của những Drag queen cũ. 

“Trung bình, mình làm được 15 triệu/tháng thì đều đầu tư vào phụ kiện, trang phục hay đồ make-up bởi mỗi lần đi diễn thì sẽ không “đụng hàng” đồ cũ được. Đặc biệt, mình đầu tư nhiều tiền nhất cho tóc giả và trưng chúng trong một tủ kính riêng”.

Mượn ánh sáng sân khấu để được làm chính mình

Mọi người có định kiến là con trai khi trang điểm, mặc váy hay đi giày cao gót sẽ bị soi xét. Nhưng với mình, hóa trang giả nữ giống như một thú vui sau mỗi ngày đi làm về để sống đúng với bản thân.”, Hải Phong chia sẻ.

Năm 2019, Phong được giao lưu và gặp gỡ mọi người trong cộng đồng ở Hà Nội trong một show diễn gồm có những Drag queen nổi tiếng ở Thái Lan sang biểu diễn. Chính thời điểm đó, anh bị mê hoặc bởi ánh đèn sân khấu, với những tiếng cổ vũ từ những khán giả đặc biệt nên đã dành riêng 2 năm để học trang điểm, học “biến hóa” bản thân rồi mới quyết định nhận show đi diễn.

Cử nhân thương mại chống lại gia đình để đi show giả nữ, mong được là chính mình - Ảnh 3.

Chứng kiến con từ một đứa con trai học đại học, đi dẫn tour rồi đùng một ngày mặc váy, đội tóc giả… bố của Phong rất khó chấp nhận. Hơn nữa, bố của anh làm việc trong quân đội nên cũng có những quy tắc hay chuẩn mực nhất định không dễ thuyết phục.

Anh nhớ lại: “Mình mất một năm để thuyết phục bố và cả gia đình. Thời gian ấy, mình kiên trì nhắn tin, viết tâm thư cho bố để mong bố chấp nhận. Mặc dù, trong gần một năm trời, bố giận nhưng mình vẫn quyết theo đam mê, vẫn duy trì công việc chính vào ban ngày và tối hóa trang đi diễn. Mỗi hôm đi làm, mình lại thơm trộm bố một cái, lâu dần bố cũng quen và chấp nhận”.

Từ thời điểm Phong bắt đầu hóa trang giả nữ, anh hay gặp phải định kiến về việc con trai trang điểm, mặc váy hay đi giày cao gót, thậm chí mất đi một số người bạn. Nhưng chàng trai 9x cảm thấy không có gì lạ bởi Drag queen hiện vẫn là một bộ môn nghệ thuật mới du nhập vào Việt Nam.

Phong bày tỏ: “Công việc nào mà mình nghiêm túc ắt sẽ nhận được tôn trọng. Ranh giới giữa nam và nữ sẽ không tồn tại trong Drag. Mình cũng không có nỗ lực nào để rạch ròi giữa hai diện mạo, bởi diện mạo nam tính là cuộc sống hàng ngày, còn hình của Fiona (nghệ danh) là cuộc sống trên sân khấu. Mình luôn phấn đấu để bản thân đẹp và hoàn thiện nhất.”.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại