Sau người con trai thứ hai mất vì ung thư, bà Uyên như rơi vào vực thẳm khi vợ chồng con trai, vợ chồng con gái lần lượt vướng vào vòng lao lý. Trước những khó khăn đè nặng, người phụ nữ già yếu một ngày làm đến tận ba công việc để phụ nuôi các cháu và người chồng bị tai biến đã 12 năm.
19h30' mỗi ngày, dưới chân cầu vượt Ngã Tư Sở (Q. Đống Đa, Hà Nội), bà Đỗ Thị Uyên (SN 1950) mới bắt đầu dọn dẹp gánh hàng bánh mì đã ngồi bán từ đầu chiều. Được biết, bà bán bánh mì ở đây đã hơn 20 năm. Dù nắng, mưa; lạnh, nóng; ở góc đường quen thuộc, bà Uyên vẫn ngồi bán hàng đều đặn. Bởi lẽ, đằng sau tấm lưng gầy yếu, còn các cháu nhỏ và người chồng bị tai biến đã 12 năm vẫn hàng ngày trông chờ.
Bà Uyên đã bán bánh mì được hơn 20 năm nay.
Đi bộ về đến đầu ngõ Thịnh Quang, ai thấy bà Uyên cắp nón, tay xách thùng hàng cũng ân cần hỏi han, "lâu lắm mới thấy bà được về sớm thế này".
Đang ngồi bán gạo, thấy bà Uyên, cụ H. cũng vẫy tay gọi lại và hỏi: "Nay về sớm thế? Đợi ở đây, tôi vào trong lấy cho cái này". Cụ H. một tay cầm cái nồi đang đựng mẻ thịt gà đã kho chín, một tay xách miếng đùi gà góc tư còn sống rồi đưa cho bà.
Nhìn bà Uyên lưỡng lự, cụ giúi đồ vào tay và nói: "Gà này là gà ngon đấy! Con gái tôi ở bên Gia Lâm mua cho, mà nhiều quá không ăn hết. Cầm lấy, mang về cho các cháu ăn". Từ cụ H, tôi quay sang nhìn bà Uyên, thấy đôi mắt dần đục của bà đã rưng rưng. Chia tay cụ, bà rối rít cảm ơn rồi lại chóng đi về cuối ngõ.
Trong căn phòng chung cư đã xuống cấp, hai cháu trai cùng ông Nguyễn Công Tuệ (1948) đang mòn mỏi chờ bà Uyên trở về. Thấy bóng dáng bà Uyên ngang qua cửa sổ, bé Đức và Quân (2 đứa cháu trai-pv) bỗng reo lên: "A! Bà về", ông Tuệ (chồng bà Uyên) đang nằm co trên tấm chiếu cũ trải trên sàn, cũng gắng ngoái đầu lại, cố ngồi dậy.
"Lúc nãy em ăn mì tôm trước vì đói quá, em tưởng hôm nay bà về muộn. Vì bình thường có hôm phải tận mười rưỡi đêm bà mới về" , bé Nguyễn Minh Quân (SN 2011) nhanh nhảu chia sẻ.
Thắt lòng những biến cố
Sinh ra hai người con trai và một người con gái, bà Uyên và ông Tuệ đã hy vọng được trông cậy ở tuổi già. Tuy nhiên, năm 2009, căn bệnh ung thư vòm họng đã cướp mất đi người con trai thứ hai khi anh mới 36 tuổi.
Biến cố không dừng lại; con trai, con dâu, con gái, con rể lần lượt phải chịu án hình sự. Sự mất mát và ra đi đã để bao nhiêu gánh nặng trên vai của những người ở lại. Để lo được cho ba cháu trai và một cháu gái, vợ chồng bà Uyên cùng người góa phụ (vợ của con trai thứ 2 - pv) đã phải chịu nhiều thiệt thòi và áp lực mưu sinh.
Đau thương chẳng dừng lại, năm 2010, ông Tuệ bị tai biến, phải nằm một chỗ và không tự chủ sinh hoạt trong suốt 4 tháng. 12 năm trôi qua, di chứng của tai biến vẫn còn đó, ông đã không còn khả năng lao động, chỉ có thể đỡ đần bằng việc lo cơm nước cho gia đình hàng ngày.
Ông Tuệ bị tai biến từ 12 năm trước và những di chứng vẫn còn đó.
Dưới áp lực của đồng tiền, bà Uyên vẫn oằn mình làm tới tận ba công việc mỗi ngày. Buổi sáng, bà nhận quét sân, cầu thang thuê cho chung cư với thu nhập chỉ vỏn vẹn 400.000 đồng/tháng. Đến chiều, bà lại đi bộ ra chân cầu vượt Ngã Tư Sở - Đường Láng để bán bánh mì.
Mặc dù phơi nắng, hứng bụi; nhưng cả chiều bà Uyên chỉ bán được khoảng 30 cái bánh mì vì vắng khách. Với mỗi cái bánh, bà chỉ lãi được 1000 đồng. Những hôm bán nhanh được về sớm, thì trời cũng đã 7 rưỡi tối. Những khi ế ẩm, đồng hồ đã điểm 10 rưỡi đêm, bà đành phải gọi điện về nhà cho chồng: "Hôm nay ế quá, mang bánh về ăn nhé".
Dù thu nhập chẳng là bao, nhưng bà Uyên vẫn gắng gượng làm công việc này 20 năm. Trước những vất vả, người phụ nữ tần tảo chỉ biết cười và nói: "Ở nhà làm sao ra được ba chục, chỉ biết cố gắng mà làm thôi".
Trở về sau một ngày bận rộn, bà Uyên chẳng để bản thân rảnh rang. Bà tiếp tục công việc nhặt đồng nát để kiếm thêm con số ít ỏi chỉ 5000 - 10.000 đồng. Trong giai đoạn đầu, khi ông Tuệ bị tai biến cần tiền chữa trị gấp, bà còn rửa bát thuê để có thể kiếm đủ tiền trang trải.
Vốn là công nhân Nhà máy cơ khí Hà Nội về hưu, bà Uyên được nhận huân chương kháng chiến chống Mĩ và được hỗ trợ bảo hiểm y tế. Tuy nhiên, nhiều lúc đau ốm, cựu công nhân chỉ biết chịu đựng và không muốn đi viện. "Mỗi lần như thế, cả đi cả về hết bốn chục tiền xe ôm thì cũng "chết"", bà Uyên tâm sự.
Những nỗi lo của trụ cột kinh tế trong gia đình…
Đến tận bây giờ, cuộc sống của bà Uyên, ông Tuệ chỉ quẩn quanh chuyện vay trả tiền bạc. Bởi không chỉ nỗi lo cơm áo bủa quanh, mà còn là nỗi lo về chuyện học hành của các cháu.
Nghĩ tới người cháu gái phải dừng học ở lớp 9, ông Tuệ không khỏi xót xa: "Con bé thông minh, học giỏi lắm. Gia đình không có tiền cho cháu đi học cấp ba, nhưng cháu ham học bảo chỉ muốn thi thử thôi.
Về sau, khi cháu đậu, nhà trường còn gọi điện động viên gia đình và xin hỗ trợ để cho cháu được đi học. Nhưng gia đình "lực bất tòng tâm", không thể cố hơn được nữa. Giờ nó làm nghề làm tóc, công việc bận rộn đến đêm khuya cũng mới về".
Chưa rõ tương lai, giờ đây, gia đình bà Uyên vẫn luôn nỗ lực để nuôi ba người cháu trai còn lại. Trong bữa cơm tối, chỉ xuất hiện mỗi vợ chồng bà Uyên và hai bé Đức, Quân.
Một người cháu khác tên Hiếu (2003), hiện đang là sinh viên trường đại học Xây Dựng nhưng chưa một lần được đến lớp vì có những dấu hiệu đau đầu nghiêm trọng.
Theo lời kể của ông Tuệ, trước kia Hiếu đã từng bị viêm ruột, phải chữa trị một thời gian dài. Hiện nay khi có dấu hiệu đau đầu một thời gian không khỏi, em đã đi viện với mẹ để thăm khám, hiện chưa có kết quả.
Bữa cơm tối diễn ra, tôi lại chỉ nhìn thấy những nụ cười trên môi của bà Uyên, ông Tuệ. Còn các em, là những đứa trẻ ở độ tuổi ngây thơ, những nụ cười tự bao giờ lại trở nên ít ỏi đến lạ thường. Bà Uyên vừa gắp thức ăn cho hai đứa nhỏ, vừa nhớ lại những câu chuyện khó khăn ngày trước.
"Quân ngày trước rất khổ, mẹ cháu ra tù đến nay đã được 3 năm nhưng bỏ bê con cái. Ngày tôi thấy cháu tự ăn cơm trắng với nước lọc, tôi bàng hoàng và đau xót. Hỏi được ra chuyện, mới biết rằng mẹ nó thuê một người tâm sự không ổn định về trông coi và không chịu trả tiền cho người ta. Người ta cũng đối xử tệ, chỉ cho nó ăn cơm trắng với nước lọc mỗi ngày" bà Uyên kể lại.
Với em Trịnh Công Đức (2011), hiện tại đang học lớp 5 cũng phải chịu cảnh rời xa vòng tay của bố. Nhìn thấy ông bà vất vả, Đức luôn có mong ước bà bớt bận rộn, có thể về nhà sớm và ông nhanh chóng khỏi bệnh.
Nhìn lại bữa cơm của gia đình bà Uyên, tôi không chỉ thấy hoàn cảnh của một gia đình, mà còn là tinh thần "lá lành đùm lá rách". Mâm cơm bà Uyên đơn giản là món thịt gà cụ hàng gạo cho, là đĩa cá rán từ ông hàng xóm ở tầng dưới. Còn trứng, rau là nỗi vất vả từ bà Uyên vẫn chịu hàng ngày để có được.
"Nó nghèo lắm, khổ lắm, vất vả lắm. Một mình nuôi bao nhiêu cháu. Khổ thế nhưng vẫn luôn đối xử tốt với mọi người. Nên ở đây ai cũng thương nó" bà Nguyễn Thị Phượng (phường Thịnh Quang) cho biết.
Chia sẻ về ước muốn trong tương lai, ông Tuệ nhìn tôi cười, vừa miêu tả, vừa nói: "Hy vọng nồi cơm nó đầy thôi. Thùng gạo khi ném vào thì nó phải kêu "kịch kịch", chứ nó mà kêu "loong coong" là "chết" đấy".