Najeeb Khan (người Ấn Độ, 70 tuổi) đã thú nhận rằng ông bị "lòng tham làm mờ mắt" khi thực hiện kế hoạch lừa đảo trị giá 180 triệu USD (tương đương 4.386 tỷ đồng), mua hơn 250 ô tô cũng như máy bay hạng nhẹ, thuyền và trực thăng.
Ngoài việc nhận bản án 97 tháng, ông còn phải trả 121 triệu USD (gần 2.950 tỷ đồng) tiền bồi thường cho ngân hàng KeyBank (Cleveland, Mỹ). Chưa hết, Najeeb Khan phải trả 27 triệu USD (hơn 658 tỷ đồng) cho khách hàng và 9,8 triệu USD (gần 240 tỷ đồng) cho những khoản thuế mà ông đã không nộp trong 5 năm.
Najeeb Khan đã thực hiện vụ lừa đảo trong giai đoạn năm 2011-2019 khi đang phát triển hoạt động kinh doanh xử lý bảng lương của mình ở Elkhart, Indiana, Mỹ. Ông đã chuyển hàng chục, đôi khi hàng trăm séc thông qua các ngân hàng, làm tăng số dư trong tài khoản cá nhân một cách giả tạo.
Najeeb Khan thừa nhận ông "mù quáng vì lòng tham" sau khi thực hiện kế hoạch lừa đảo trị giá 180 triệu USD. Ảnh: Handout.
Hành vi lừa đảo của Najeeb Khan đã dẫn đến sự hủy hoại tài chính cho khoảng 1.700 khách hàng. Một số doanh nghiệp là nạn nhân đã phải sử dụng các biện pháp quyết liệt như cắt hạn mức tín dụng hoặc cắt giảm lực lượng lao động để trang trải.
Kẻ lừa đảo đã bòn rút khoảng 73 triệu USD (gần 1.780 tỷ đồng) cho riêng mình. Ông sử dụng số tiền bất chính này để chi trả cho lối sống xa hoa, bao gồm những kỳ nghỉ đắt tiền, biệt thự ở Arizona và Michigan, nhiều bất động sản ở Florida và Montana (Mỹ), cùng các phương tiện di chuyển đắt đỏ.
Tuy nhiên, không gì sánh bằng bộ sưu tập xe hơi khổng lồ của ông, đến từ các nhà sản xuất xe lừng danh bao gồm Ferrari, Fiat, Jaguar cổ điển.
Để thu lại số tiền và bồi thường cho nạn nhân, bộ sưu tập xe của Najeeb Khan đã được nhà đấu giá RM Sotheby's bán vào tháng 10/2020. Cuộc đấu giá đã thu về hơn 44 triệu USD (hơn 1.072 tỷ đồng) với 7 chiếc xe có tổng giá trị 7 con số. Bộ sưu tập có Ferrari 225 S Berlinetta 1952, Cooper-Jaguar T38 Mk II 1955, Fiat 8V Supersonic 1953...
Bộ sưu tập xe của Najeeb Khan trước khi được bán đấu giá. Ảnh: AP.
"Tôi vô cùng hối hận trước những nạn nhân, những người có cuộc sống bị ảnh hưởng tiêu cực bởi hành động và lòng tham của tôi", Najeeb Khan nói khi thừa nhận tội gian lận ngân hàng và cố gắng trốn thuế trước toà án.
Người đàn ông này di cư từ Pakistan vào năm 1974 và kiếm tiền học đại học bằng cách làm việc trong nhà máy sản xuất đồ nội thất. Ông cũng làm nhân viên bán quần áo tại JC Penney trước khi vào ngân hàng Indiana.
Ông thăng lên chức phó chủ tịch trước khi thành lập công ty xử lý bảng lương vào năm 1988. Nhưng trong 8 năm (2011-2019), khi đang phát triển hoạt động kinh doanh ở Indiana, Najeeb Khan bắt đầu biển thủ tiền bằng cách viết séc qua lại giữa các tài khoản ngân hàng do ông kiểm soát. Từ đó gian lận làm tăng số dư tài khoản.
Trong lời khai trước khi toà tuyên án, Najeeb Khan nói: "Tôi nghĩ vì tôi ở vị trí quyền lực nên tôi có toàn quyền".
Vụ lừa đảo bị vạch trần vào năm 2019 khi KeyBank phát hiện lỗ hổng 122 triệu USD trong tài khoản. Ngân hàng buộc phải triển khai hơn 100 nhân viên để truy tìm số tiền bị thiếu.
Phó chủ tịch cấp cao Peter Szafran cho biết, vụ trộm rất "ngoạn mục" và một số nhân viên ngân hàng đã bị sa thải vì để Najeeb Khan bỏ trốn. "Đó là tội ác của sự hám lợi thuần tuý".
Ngôi nhà Michigan trị giá 1,1 triệu USD của vợ chồng Khan. Ảnh: Daily Mail.
Cuối cùng, vợ ông - Nancy Khan - lại là người giữ được khối tài sản ấn tượng sau khi vụ án được phát quyết. Vợ ông được giữ lại ngôi nhà ở Michigan trị giá 1,1 triệu USD (hơn 26,8 tỷ đồng), nhà khách trị giá 650.000 USD (hơn 15,8 tỷ đồng), một số phương tiện, quỹ hưu trí và một số tài khoản ngân hàng trị giá tới 1 triệu USD.
Các chủ nợ đã ký vào một thỏa thuận thương lượng để giao tài sản cho Nancy Khan, một phần vì thỏa thuận này sẽ tránh được một cuộc đấu tranh tốn kém và mất thời gian tại tòa án.
Theo giấy tờ giải quyết, Najeeb Khan sẽ giữ tài khoản hưu trí của riêng mình, hai máy tính xách tay, quần áo, xe GMC Yukon 2005 cùng một số món đồ khác.
Luật sư người Mỹ Rebecca C. Lutzko nói: "Những loại tội phạm tài chính này làm suy yếu sự thịnh vượng của các tổ chức tài chính, gây tổn hại cho toàn bộ cộng đồng. Cần thận trọng điều tra và truy tố những hành vi như vậy để bảo vệ và ngăn chặn tổn hại cho các tổ chức tài chính ở địa phương và trên toàn quốc".
Câu chuyện của Najeeb Khan là lời cảnh báo về việc không kiểm soát lòng tham và những gian dối tài chính đều có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng.