Người dân Lai Châu thu nhập hàng trăm triệu đồng từ sản xuất nông nghiệp

Khắc Kiên |

Nhờ việc thay đổi sản xuất, tập trung phát triển nông nghiệp quy mô lớn... nhiều gia đình nông dân tại Lai Châu đã có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Hai vùng kinh tế động lực được tỉnh Lai Châu xác định quy hoạch theo hai hướng phát triển vùng nội địa và khu vực biên giới. Với mũi nhọn phát triển nông nghiệp sản xuất hàng hóa tập trung gắn với công nghiệp chế biến xuất khẩu, ưu tiên phát triển cửa khẩu, tạo điều kiện tối đa để các doanh nghiệp đưa mặt hàng nông sản vươn ra thế giới.

Nằm trong vùng kinh tế dọc quốc lộ 4D và 32, huyện Tân Uyên được xác định có lợi thế về sản xuất nông nghiệp chất lượng cao. 

Theo đó huyện đã hình thành nhiều vùng sản xuất hàng hóa chuyên canh tập trung, với các sản phẩm như chè, quế, sơn tra và nhiều sản phẩm nông nghiệp giá trị khác đã được các doanh nghiệp liên kết thực hiện để tạo ra các sản phẩm chủ lực.

Ngoài phát triển nông nghiệp quy mô lớn do doanh nghiệp đầu tư, huyện cũng đã hình thành nhiều vùng sản xuất hàng hóa đặc trưng do các hộ dân làm chủ, mang lại nguồn thu nhập từ 300 đến 500 triệu đồng mỗi năm. 

Các mô hình kinh tế do hộ cá thể làm chủ đang được nhân rộng trong toàn huyện và là hướng đột phá mới trong phát triển kinh tế nông nghiệp ở địa phương.

Ông Tòng Văn Dung, ở bản Bút Dưới, xã Trung Đồng, huyện Tân Uyên chia sẻ, lợi thế về khí hậu, thổ nhưỡng để phát triển nông nghiệp tại địa phương rất thuận lợi và quan trọng là người dân có dám nghĩ, dám làm hay không. 

Nhà nước hỗ trợ về cơ chế, chính sách và kêu gọi doanh nghiệp liên kết tham gia cùng chuỗi giá trị sản xuất để bao tiêu sản phẩm, nên bà con chỉ cần bỏ công, vốn, kỹ thuật ra là có thể làm được.

"Gia đình chúng tôi hiện tại thu nhập mỗi một năm cũng được gần 300 triệu. Tuy nhiên, chúng tôi đang mong muốn nhà nước quan tâm đến mô hình của chúng tôi hơn nữa. Đầu ra hiện tại đang rất bấp bênh, mong nhà nước hỗ trợ để bao tiêu sản phẩm cho chúng tôi" - ông Tòng Văn Dung chia sẻ.

Lợi thế về sản xuất nông nghiệp đang làm thay đổi diện mạo mới tại nhiều vùng nông thôn huyện miền núi Tân Uyên, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đến nay, huyện đã có 8/10 xã, thị trấn hoàn thành chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và phấn đấu đến hết năm nay trở thành huyện đầu tiên của tỉnh Lai Châu cán đích chương trình này.

Người dân Lai Châu thu nhập hàng trăm triệu đồng từ sản xuất nông nghiệp - Ảnh 1.

Cao su - cây trồng đã gây nhiều tranh cãi thời gian qua về hiệu quả kinh tế, nhưng với sản lượng và chất lượng mủ đã được đánh giá tốt, Lai Châu vẫn kỳ vọng giải quyết việc làm và thu nhập ổn định cho đồng bào các dân tộc địa phương.

Ông Bùi Huy Phương, Chủ tịch UBND huyện Tân Uyên, tỉnh Lai Châu cho biết, huyện đã xây dựng chương trình trọng điểm phát triển sản xuất nông sản hàng hóa tập trung, gắn với bao tiêu, chế biến sản phẩm giai đoạn 2020 - 2025. 

Theo đó địa phương phát triển vùng chè 3.500ha; chuyển đổi 1.000ha đất ruộng hiệu quả thấp sang trồng cây ăn quả; mở rộng diện tích lúa đặc sản 1.000ha. Đặc biệt, huyện sẽ mở rộng vùng sản xuất, ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao để phục vụ chế biến khoảng 2.000ha cây gỗ lớn, 3.000ha mắc-ca...:

"Chúng tôi sẽ tập trung phát triển các hợp tác xã và tổ hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp để phát triển các cây trồng chủ lực, gắn với việc xây dựng nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, mã vạch cho những sản phẩm chủ lực. 

Trên cơ sở chủ trương, định hướng chính sách của tỉnh, chúng tôi vận dụng tối đa các chính sách giúp cho doanh nghiệp có thể liên kết với người dân. Huyện đã thành lập tổ công tác, đồng hành bằng những việc làm cụ thể để giúp cho doanh nghiệp tiếp cận và gắn bó với người dân" - ông Bùi Huy Phương cho biết.

Người dân Lai Châu thu nhập hàng trăm triệu đồng từ sản xuất nông nghiệp - Ảnh 2.

Giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh biên giới Lai Châu đã huy động gần 1.000 tỷ đồng để tái cơ cấu ngành nông nghiệp và triển khai các đề án, chính sách hỗ trợ cho người nông dân. 

Ngoài gần 13.000ha cây cao su, trong đó có trên 6.700ha đã khai thác (mủ khô đạt gần 17.000 tấn) và mở rộng trên 25.000ha cây trồng chủ lực như chè, mắc ca, quế, cây ăn quả và hàng nghìn ha cây trồng có giá trị khác.

Để hiện thực hóa mục tiêu phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung theo hướng ứng dụng công nghệ cao, gắn với công nghiệp chế biến nông sản và bao tiêu sản phẩm, tỉnh Lai Châu đang ưu tiên cho phát triển cửa khẩu. 

Cụ thể, tỉnh đã lên danh mục đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật để đáp ứng yêu cầu hoạt động của cửa khẩu quốc tế; đẩy mạnh phát triển kinh tế biên mậu và ưu tiên xuất khẩu các mặt hàng của địa phương.

Ông Vương Thế Mẫn, Chủ tịch UBND huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu, địa phương có cửa khẩu quốc gia Ma Lù Thàng cho biết, dù nằm trong vùng kinh tế nông, lâm nghiệp sông Đà, nhưng cửa khẩu là lợi thế của huyện so với các địa phương khác.

"Chúng tôi đang xây dựng, quy hoạch, phát triển các vùng trọng điểm có các cây, con có thế mạnh tại địa phương và có xu thế xuất khẩu để tạo công ăn việc làm cho bà con trên địa bàn. 

Để nâng cao đời sống và mức thu nhập cho người dân, chúng tôi tiếp tục rà soát các lợi thế về đường biên, cửa khẩu, tạo mọi điều kiện cho các doanh nghiệp đưa ra các kế hoạch sản xuất kinh doanh, để đảm bảo hoạt động có hiệu quả.

Khai thác và phát huy hiệu quả hai vùng kinh tế động lực nội địa quốc lộ 32, 4D và vùng kinh tế nông, lâm nghiệp biên giới sông Đà là mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 Lai Châu trở thành tỉnh khá trong khu vực. Đích đến này đã và đang được các cấp, các ngành ở địa phương cụ thể hóa ngay từ những ngày đầu của nhiệm kỳ mới.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại