Đừng để nông nghiệp hữu cơ dính lùm xùm

Ngọc Ánh |

Phong trào nông nghiệp hữu cơ phát triển rất mạnh trong thời gian gần đây nhưng cần quản lý chặt để đi vào thực chất.

Chiều 26-10, tại TP HCM, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tổ chức hội thảo "Thúc đẩy sản xuất và phát triển thị trường sản phẩm nông nghiệp hữu cơ" dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho hay những năm gần đây, nhu cầu về sản phẩm nông nghiệp hữu cơ trên thế giới tăng mạnh kéo theo sản xuất hữu cơ cũng tăng nhanh nên Việt Nam đã xây dựng các hành lang pháp lý để phát triển loại hình nông nghiệp này. Đến nay đề án, nghị định và thông tư liên quan đến quản lý và phát triển nông nghiệp hữu cơ, Việt Nam đều đã có. "Chúng tôi nhấn mạnh nông nghiệp hữu cơ là một phương thức canh tác và không thay thế nông nghiệp thâm canh để bảo đảm an ninh lương thực" - ông Trần Thanh Nam phát biểu.

Theo đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ vừa được Thủ tướng ban hành, mục tiêu đến năm 2025, đất sản xuất nông nghiệp hữu cơ sẽ chiếm 1,5%-2% tổng diện tích nhóm đất nông nghiệp. Trong đó, diện tích đất trồng trọt hữu cơ đạt khoảng hơn 1% tổng diện tích đất trồng trọt với các cây trồng chủ lực như: lúa, rau đậu các loại, cây ăn quả, chè, hồ tiêu, cà phê, điều, dừa... Với ngành chăn nuôi, tỉ lệ sản phẩm hữu cơ đạt khoảng 1%-2% tính trên tổng sản phẩm chăn nuôi sản xuất trong nước. Những sản phẩm chăn nuôi được chứng nhận hữu cơ theo tiềm năng thế mạnh được ưu tiên, gồm: sữa, mật ong, yến sào, thịt gia súc gia cầm...

"Thực tế, ở Việt Nam, không phải nơi nào cũng có thể sản xuất hữu cơ nên cần quản lý chặt, để có sản phẩm hữu cơ thực sự, bao gồm cả công tác chứng nhận. Một trong những khoảng trống hiện nay là chứng nhận hữu cơ theo tiêu chuẩn trong nước mà một số tổ chức đang thực hiện chưa bảo đảm về pháp lý. Chúng tôi sẽ hỗ trợ các tổ chức chứng nhận đi đúng hướng trong việc đào tạo nhân lực, thực hiện chứng nhận sản phẩm nông nghiệp hữu cơ" - ông Nam thông tin.

Trao đổi bên lề hội thảo, ông Hà Phúc Mịch, Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam, cho biết thông thường hoạt động đánh giá chứng nhận các tiêu chuẩn sẽ thực hiện theo quy định của Bộ Khoa học và Công nghệ nhưng riêng lĩnh vực chuyên môn về nông nghiệp hữu cơ thì do Bộ NN-PTNT đảm nhận. Nghị định 109/2018 về nông nghiệp hữu cơ quy định rõ Bộ NN-PTNT là cơ quan cấp phép cho tổ chức chứng nhận sản phẩm phù hợp tiêu chuẩn Việt Nam về nông nghiệp hữu cơ. Khi chưa được cấp phép, mọi giấy chứng nhận sản phẩm hữu cơ của các tổ chức chứng nhận đều không hợp pháp.

"Điểm vướng hiện nay là Bộ NN-PTNT và Bộ Tài chính cần có thông tư hướng dẫn định mức chi phí cho 1 ha sản phẩm nông nghiệp hữu cơ để làm căn cứ cho các tổ chức chứng nhận thu phí của nông dân, HTX chứ không được thả nổi. Ngoài ra, Bộ NN-PTNT cần sớm ban hành danh mục vật tư đầu vào (phân bón, thuốc bảo vệ thực vật...) được phép sử dụng trong sản xuất hữu cơ để nông dân, HTX biết. Hiện trên thị trường nhiều sản phẩm có tên thương mại là "sinh học", "hữu cơ" nhưng không đạt chuẩn để sản xuất hữu cơ. Chúng ta cần nhìn nhận bài học từ việc chứng nhận VietGAP mất uy tín do không được quản lý chặt để nông nghiệp hữu cơ không dính vào những lùm xùm như vậy" - ông Mịch thẳng thắn.

Diện tích hữu cơ tăng gấp 4 lần

Theo ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT), nông nghiệp hữu cơ Việt Nam phát triển rất nhanh trong thời gian gần đây. Năm 2016, diện tích canh tác hữu cơ cả nước mới đạt 53.350 ha, đến nay đã tăng lên 237.700 ha (gấp hơn 4 lần) tại 46/63 tỉnh, thành với hơn 17.000 nông dân tham gia. Hiện có 97 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp hữu cơ, trong đó 60 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu sản phẩm hữu cơ với giá trị 335 triệu USD/năm sang các thị trường Mỹ, châu Âu, Trung Quốc...

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại