Rác thải tái chế được ngân hàng thu gom bán cho chính quyền Jakarta. Ảnh: Media Corp
Các vật liệu tái chế khác như bìa cứng và chai lọ nhựa cũng được ngân hàng rác thải Wijaya Kusuma ở Bắc Jakarta chấp nhận.
Ngân hàng được thành lập từ tháng 1 năm ngoái với nhiệm vụ đơn giản là khuyến khích người dân địa phương tái chế và giảm rác thải.
Sau khi người dân gửi rác thải tái chế ở đây, ngân hàng sẽ làm sạch và bán chúng cho chính quyền Bắc Jakarta.
Vào tháng Tư năm nay, hiệu cầm đồ PT Pegadaian đã đề nghị hợp tác với ngân hàng rác thải này và bốn ngân hàng rác thải khác ở Jakarta - bằng cách thưởng vàng cho người gửi rác - theo Channel News Asia.
Bà Roswanthy Suweden, 67 tuổi, là một trong những người tham gia chương trình nghiêm túc. Bà đã thu thập đủ vật liệu tái chế để nhận được hơn 10 gam vàng.
"Tôi vui lắm. Tôi thu gom từng chút một, và theo thời gian tôi có rất nhiều. Số vàng này dành cho con và cháu của tôi” - bà Suwede nói với Channel News Asia tại ngân hàng rác thải.
Chương trình đổi rác lấy vàng thu hút nhiều người tham gia ở Jakarta. Ảnh: Media Corp
Người đứng đầu cơ quan môi trường Bắc Jakarta, ông Slamet Riyadi hoan nghênh ý tưởng đổi rác lấy vàng như một động lực để tái chế. “Phụ nữ, những người lo toan cho gia đình, sẽ thấy chương trình này hấp dẫn” - ông Riyadi nói.
“Trước khi hợp tác cùng hiệu cầm đồ, chỉ có khoảng 34 hoặc 36 khách hàng (cư dân tham gia chương trình). Nhưng kể từ khi hợp tác, con số đã tăng lên 105” - ông Riyadi cho biết.
Bên cạnh Jakarta, chương trình đổi rác lấy vàng cũng được triển khai ở các thành phố khác của Indonesia như Palembang, Bandar Lampung và Makassar.
Sáng kiến này được các nhà môi trường tán thành như một bước nhỏ hướng tới việc nâng cao nhận thức xanh ở Indonesia, nước đứng thứ hai thế giới về ô nhiễm rác thải nhựa trong các đại dương, sau Trung Quốc.
Ngân hàng rác thải Wijaya Kusuma, được một vài bà nội trợ của khu phố Bermis Gading quản lý, mở cửa vào các ngày thứ ba từ 9h sáng đến trưa.
Rác thải tái chế mà người dân mang tới sẽ được cân và ghi lại trong sổ tiết kiệm cũng như hệ thống ngân hàng rác thải.
Tùy thuộc vào số lượng và loại rác, khách hàng sẽ nhận được tiền mặt từ các nhân viên ngân hàng.
Chẳng hạn, 1kg bìa cứng có giá 1.200 rupiah (2.000 đồng), trong khi 1kg chai nhựa sạch trị giá 3.000 rupiah (5.000 đồng). Lon nhôm được coi là có giá trị nhất, với mỗi 1kg có giá 10.000 rupiah (16.000 đồng).
Nếu người dân muốn tham gia chương trình đổi rác lấy vàng thì họ phải giao tiền mặt cho nhân viên hiệu cầm đồ có mặt ở ngân hàng.
Khi người dân đã tiết kiệm đủ 5 gam vàng dựa trên giá trị thị trường, họ có thể đến tiệm cầm đồ để mang vàng về nhà. Một gam vàng hiện có giá khoảng 700.000 rupiah (1.130.000 đồng).
Ngân hàng rác thải cũng gửi một chiếc xe để thu gom rác tái chế hai tuần một lần để phục vụ những người không có thời gian mang rác đến ngân hàng.