Trong lịch sử phong kiến Trung Hoa, giai đoạn Tam Quốc vẫn được xem là một thời kỳ xuất sắc và đã trở thành đề tài của nhiều giai thoại thường được hậu thế kể cho nhau nghe trong những lúc trà dư tửu hậu.
Trong số 3 vị quân chủ Ngụy - Thục - Ngô từng cùng nhau chia ba thiên hạ, không ít các ý kiến đều cho rằng Tào Tháo được xem là người sở hữu thực lực mạnh hơn cả. Bởi ông đã một mình thống nhất phương Bắc, hoàn thành xuất sắc vai trò của mình trên cả chính trường và chiến trường.
Bên cạnh đó, vị quân chủ họ Tào còn được xem là một nhà giáo dục xuất sắc, đặc biệt là trên phương diện bồi dưỡng con cái.
Ngoài những người con ruột nổi danh tài năng, Tào Tháo còn sở hữu một số lượng con nuôi không hề nhỏ. Một trong số những người nổi tiếng hơn cả phải kể tới Tần Lãng – vị tướng quân có tiếng của tập đoàn Tào Ngụy sau này.
Thân thế phức tạp của Tần Lãng và mối thù nhà với Tào Tháo - Trương Phi
Háo sắc bị xem là một trong những tật xấu cản đường Tào Tháo nhất thống thiên hạ. (Ảnh minh họa).
Khét tiếng phong lưu và từng có sở thích "cướp vợ người", việc Tào Tháo có nhiều con nuôi cũng không phải là điều gì đáng ngạc nhiên với những người từng đọc Tam Quốc.
Số đông trong nhóm người được Tào Mạnh Đức thu nhận làm dưỡng tử năm xưa chủ yếu là con riêng của những người phụ nữ do ông cướp về làm thiếp.
Trong số những người con không chung dòng máu ấy, nhân vật được vị quân chủ này yêu quý hơn cả phải kể tới Tần Lãng – con trai của Đỗ phu nhân và Tần Nghi Lộc.
Tần Lãng (? - ?), tự Nguyên Minh, tên lúc nhỏ là A Tô, người quận Tân Hưng, được biết tới là "con ghẻ" của Tào Tháo vào cuối thời Đông Hán và thời Tam Quốc.
Mặc dù là một nhân vật có tiếng tăm trong số những dưỡng tử của Tào Mạnh Đức, nhưng Tần Lãng thực chất có thân thế tương đối phức tạp.
Là một trong số những dưỡng tử được Tào Tháo sủng ái, thế nhưng Tần Lãng thực chất từng có mối thù nhà với nhân vật này và cả hổ tướng Trương Phi của Lưu Bị. (Ảnh minh họa).
Cha ông vốn là Tần Nghi Lộc, một bộ tướng bị xem là không mấy có tiền đồ dưới trướng Lữ Bố năm xưa. Mẹ ông là Đỗ thị - vợ của Tần Nghi Lộc và là mỹ nhân nức tiếng thời bấy giờ.
Tuổi thơ của Tần Lãng vốn đã không mấy suôn sẻ khi phải sống cùng người mẹ có lắm kẻ dòm ngó, còn cha thì nhẫn tâm bỏ lại vợ con đi xây cơ đồ mới.
Có giai thoại còn truyền lại rằng, năm xưa khi Tần Nghi Lộc còn phụng sự dưới trướng họ Lữ, Lữ Bố từ sớm đã có ý đồ xấu với Đỗ thị, vì vậy mà điều thuộc hạ họ Tần này đi sang chỗ Viên Thuật cầu hòa.
Về điều này, "Tam quốc chí" cũng từng ghi lại:
"Cha Lãng tên là Nghi Lộc, làm sứ giả của Lữ Bố đến gặp Viên Thuật, Thuật gả cho một cô gái tông thất nhà Hán làm vợ".
Trận quyết chiến của Tào Tháo với Lữ Bố tại thành Hạ Bì đã trở thành một bước ngoặt trong cuộc đời Tần Lãng và người mẹ Đỗ thị. (Ảnh minh họa).
Sau khi bị chồng bỏ lại ở thành Hạ Bì, cuộc sống của mẹ con Đỗ thị càng gặp phải không ít khó khăn. Thế nhưng nhờ sở hữu nhan sắc nức tiếng một phương, mỹ nhân họ Đỗ đã trở thành đối tượng được Quan Vân Trương nhìn trúng.
Cũng theo "Tam Quốc chí", năm xưa khi Lữ Bố bị bao vây ở Hạ Bì, Quan Vũ nhiều lần xin với Tào Tháo muốn lấy Đỗ thị làm vợ trước khi phá thành. Tháo ban đầu đồng ý, xong cũng nghi ngờ Đỗ thị có nhan sắc, vì vậy khi vừa nhìn thấy liền trở mặt với Quan Vân Trường và nạp nàng vào hậu cung.
Điều đáng nói hơn là sau khi cả Lữ Bố và Viên Thuật đều bại vong, cha ông là Tần Nghi Lộc cũng quy hàng và dửng dửng bỏ về một địa phương nhỏ làm quan dưới trướng Tào.
Có lần, Trương Phi bắt gặp họ Tần này, liền dùng nỗi nhục bị đoạt vợ cướp con để khích tướng để ông từ quan đi theo mình. Tần Nghi Lộc ban đầu đồng ý, xong sau đó lại nuốt lời, liền bị Trương Phi nổi giận giết chết.
Từ những biến cố kể trên, không khó để nhận thấy tuổi thơ của Tần Lãng phải trải qua không ít tủi nhục khi có một người cha bỏ bạc bẽo bị hạ sát và một người mẹ bị kẻ thù chiếm đoạt.
Thậm chí nhiều người đã nghĩ rằng, thiếu niên họ Tần năm ấy nhất định sẽ kết tử thù với hai kẻ đã phá nát gia đình mình là Tào Tháo và Trương Phi. Tuy nhiên thực tế lịch sử đã chứng minh, cuộc đời sau này của Tần Lãng khác xa so với những gì mà hậu thế vẫn tưởng tượng.
Con đường phất lên ngoạn mục của người "con ghẻ" được Tào Tháo yêu thương không kém ruột thịt
Mặc dù phải sống chung một mái nhà với kẻ thù đã chiếm đoạt mẹ mình, nhưng cuộc đời của Tần Lãng lại có không ít khởi sắc kể từ khi gia nhập Tào phủ. (Ảnh minh họa).
Năm xưa sau khi nạp Đỗ thị vào hậu cung làm thiếp, Tào Mạnh Đức cũng "tiện tay" thu nhận luôn con riêng của mỹ nhân này và nhận làm con nuôi. Người con nuôi ấy không ai khác ngoài Tần Lãng.
Không ai rõ Tần Lãng bước vào Tào phủ vào năm bao nhiêu tuổi, chỉ biết rằng Tào Mạnh Đức lúc sinh thời vô cùng yêu mến người con không cùng dòng máu ấy.
Về mối quan hệ giữa vị quân chủ họ Tào và Tần Lãng, "Tam quốc chí" từng có đoạn chú dẫn:
"Lãng theo mẹ vào ở trong cung của ngài (tức Tào Tháo), Thái Tổ rất yêu mến ông, mỗi khi ăn tiệc, nói với tân khách rằng: ‘Đời có ai yêu con ghẻ như ta không?’.
Sống chung một mái nhà với người khét tiếng đa nghi như Tào Tháo, nhưng Tần Lãng lại được người cha dượng này hết mực yêu thương và quản đãi. (Ảnh minh họa).
Thế nhưng ngay cả khi được cha dượng hết lòng sủng ái, thì cuộc sống của Tần Lãng trong một gia tộc không chung dòng máu với mình cũng chưa bao giờ dễ dàng.
Khi trưởng thành, ông du ngoạn khắp nơi và không có quan chức gì cho tới hết thời Ngụy Văn Đế Tào Phi. Phải tới thời Tào Duệ lên ngôi, Tần Lãng mới được phong làm Nội quan, Kiêu kỵ tướng quân, Cấp sự trung, luôn kề cận Hoàng đế.
Điều đáng nói hơn còn nằm ở chỗ, dù là thân tín bên cạnh Tào Duệ, nhưng Tần Lãng lúc sinh thời không đưa ra lời can gián, không tiến cử hiền tài, vậy mà vẫn được yêu mến tín nhiệm, ban thưởng vô số, có phủ viện lớn trong kinh thành.
Có giai thoại còn truyền lại rằng, người thời bấy giờ biết rõ Lãng không có tài cán, nhưng vì ông kề cận Hoàng đế nên mới thường xuyên đưa quà biếu xén, khiến ông càng trở nên giàu có không thua kém công hầu.
Tới thời Tào Duệ, Tần Lãng có thể xem là một trong số ít những võ tướng mà triều đình còn có thể trông cậy. (Ảnh minh họa).
Tuy nhiên theo nhận định của QQNews, Tần Lãng thực chất là một Đại tướng quân có tài. Chiến công tiêu biểu của ông phải kể tới lần đem quân trấn áp thủ lĩnh người Tiên Ti vào năm 233 và thu về thắng lợi.
Nếu đánh giá trong nội bộ Tào Ngụy bấy giờ, khi mà những tên tuổi của các viên hổ tướng nổi tiếng đa số đã đi vào dĩ vãng, thì một nhân vật như Tần Lãng hoàn toàn có thể xem là sáng giá.
Tuy nhiên dù có được chức tước và tiền bạc, thì sự nghiệp của ông vẫn không có hậu vận tốt đẹp. Cuối năm 238, Minh Đế Tào Duệ lâm bệnh nặng, ban đầu đã để Tần Lãng cùng một số cận thần làm phụ chánh. Thế nhưng sau đó vì nghe lời gièm pha, Tần Lãng bị bãi chức đồng thời buộc phải rời khỏi hoàng cung và quay về nhà.
Những năm tháng cuối đời của viên tướng quân họ Tần ấy cũng không được sử sách ghi chép cụ thể. Chỉ biết rằng sau này con trai ông vẫn tiếp tục làm quan cho triều đình nhà Tây Tấn sau khi Tào Ngụy diệt vong.
Thế nhưng ngay cả khi từng được trọng dụng, thì sự nghiệp của Tần Lãng cuối cùng vẫn phải chấm dứt trong những lời gièm pha, nghi kỵ. (Ảnh minh họa).
Mặc dù sở hữu bối cảnh xuất thân hết sức phức tạp, lại từng bị xem là có thâm thù với những nhân vật khét tiếng như Tào Tháo, Trương Phi, nhưng cuộc đời của Tần Lãng cuối cùng lại không bị vùi dập trong thời loạn mà còn có không ít khởi sắc.
Có ý kiến cho rằng, kỳ tích lớn nhất trong cuộc đời ông chính là có được sự tin yêu từ người cha dượng nổi tiếng đa nghi như Tào Tháo, đồng thời có thể an ổn trưởng thành và gây dựng sự nghiệp dưới trướng của tập đoàn Tào Ngụy.
Mặc dù bối cảnh lịch sử nhiễu nhương, loạn lạc thời bấy giờ không cho Tần Lãng cơ hội để làm nên nghiệp lớn, thế nhưng chung quy ông vẫn là một trong số ít những người con nuôi của Tào Tháo để lại dấu ấn trong tâm khảm của hậu thế sau này.
*Theo quan điểm của QQNews.