Trong tuần trước, ngày 23/9, Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh một loạt lãi suất điều hành. Theo đó, lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng đã tăng 1%/năm lên 5%/năm.
Ngoài ra, đáng chú ý, lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng cũng đã tăng 0,3% lên 0,5%/năm. Loại lãi suất tiền gửi này từng được áp trần 1%/năm trước năm 2019 và sau đó liên tục được NHNN điều chỉnh giảm, đến tháng 5/2020 giảm xuống còn 0,2%/năm.
Tiền gửi không kỳ hạn hay còn gọi tiền gửi thanh toán là hình thức gửi tiền vào ngân hàng mà khách hàng có thể rút tiền theo yêu cầu mà không cần phải thông báo trước, không cần phải đúng kỳ hạn. Thông thường, người tiêu dùng chọn hình thức gửi tiền này chủ yếu mục đích giữ tiền trong thời gian ngắn và phục vụ cho việc thanh toán, chi tiêu.
Sau quyết định ngày 23/9 của NHNN, mặc dù đã được nới trần quy định nhưng hầu hết ngân hàng vẫn giữ nguyên lãi suất không kỳ hạn chỉ 0,1-0,2%/năm. Song bên cạnh đó cũng có nhiều ngân hàng khác điều chỉnh tăng lên mức tối đa cho phép.
Tại Kienlongbank, ngân hàng này đã tăng lãi suất tiền gửi không kỳ hạn, tiền gửi kỳ hạn 1 tuần – 3 tuần lên kịch trần 0,5%/năm. Kienlongbank cũng tăng lãi suất kỳ hạn dưới 6 tháng lên tối đa 5%/năm, trong khi ít điều chỉnh lãi suất ở các kỳ hạn dài.
Tương tự, SCB cũng không điều chỉnh lãi suất kỳ hạn dài nhưng tăng mạnh lãi suất kỳ hạn ngắn. Trong đó, lãi suất kỳ hạn 2 tháng – 5 tháng tăng lên mức trần 5%/năm, đồng thời lãi suất tiền gửi không kỳ hạn lên tối đa mức cho phép 0,5%/năm.
Một số nhà băng khác như NCB, BacABank, ABBank, NamABank, SeABank,…cũng tăng lãi suất tiền gửi thanh toán lên 0,5%/năm.
Trong khi đó, các ngân hàng lớn hầu như không điều chỉnh lãi suất tiền gửi thanh toán. Vietcombank, Agribank, VietinBank đều đã cập nhật biểu lãi suất mới và tăng khoảng 0,8-1,3%/năm ở các kỳ hạn, nhưng vẫn giữ nguyên lãi suất tiền gửi thanh toán là 0,1%/năm. Riêng Agribank tăng lãi suất tiền gửi thanh toán từ 0,1%/năm lên 0,3%/năm.
Tại VPBank, ngân hàng vẫn niêm yết lãi suất không kỳ hạn 0,2%/năm, tuy nhiên đã tăng lãi suất kỳ hạn 1 tuần – 3 tuần từ 0,2% lên 0,5%/năm.
Các ngân hàng khác như MB, OCB, HDBank,….đều chỉ niêm yết 0,1-0,2%/năm cho loại tiền gửi này. Thậm chí như Techcombank còn niêm yết chỉ ở mức 0,03%/năm - thấp nhất trong hệ thống.
Trong 2 năm trở lại đây, đa số các nhà băng chỉ niêm yết lãi suất tiền gửi không kỳ hạn ở mức 0,1%/năm và con số rất thấp này gần như chỉ mang ý nghĩa tượng trưng là cứ để tiền trong ngân hàng thì đều có lãi. Chẳng hạn có 1 tỷ đồng tiền gửi không kỳ hạn thì sau một năm cũng chỉ có lãi 1 triệu đồng.
Số dư tiền gửi thanh toán của hệ thống ngân hàng cuối quý 2/2022 là 979 nghìn tỷ đồng. Theo đó, ước tính với lãi suất 0,1%/năm thì toàn bộ tiền lãi mà người dân nhận được từ tiền gửi thanh toán trong 1 năm cũng chỉ gần 98 tỷ.
Thay vì chạy đua lãi suất đối với tiền gửi không kỳ hạn, các ngân hàng chạy đua về công nghệ để mang đến những trải nghiệm vượt trội trên các kênh số và từ đó thu hút người dùng. Các tiện ích trên ngân hàng số phát triển mạnh mẽ những năm qua cũng đã giúp tiền gửi không kỳ hạn tăng mạnh mà không cần lãi suất cao. Chỉ trong 3 năm, số dư loại tiền gửi này đã nhân lên hơn 2,5 lần và vượt mốc 1 triệu tỷ vào quý 1/2022, góp phần lớn trong việc giảm chi phí vốn, tăng khả năng sinh lời cho các ngân hàng.
Trên thực tế, đối với tiền gửi không kỳ hạn, lãi suất chỉ là yếu tố thứ yếu trong quyết định chọn ngân hàng để mở tài khoản thanh toán. Hầu hết khách hàng mở tài khoản thanh toán tại nhà băng là để nhận lương qua thẻ, dùng để phục vụ các giao dịch thanh toán, chuyển tiền, rút tiền thường xuyên.
Do đó, phần lớn khách hàng sẽ không quyết định để nhiều hơn tiền gửi không kỳ hạn vào ngân hàng vì lãi suất tăng từ 0,2% lên 0,5%. Nhưng với số tiền như cũ mà có thêm lãi trong tài khoản, đó cũng là tin vui cho những người gửi tiền.