Người chết tỉnh dậy trong quan tài: Từ truyền thuyết tới những sự kiện y khoa có thật

THANH LONG - THIẾT KẾ: SUN |

Nỗi sợ bị chôn sống phổ biến đến nỗi các nhà tâm lý học phương Tây phải đặt tên cho nó: Taphophobia ghép từ "taphos" trong tiếng Hy Lạp nghĩa là hầm mộ, và "phobos" là nỗi sợ hãi.

Cách đây vài tuần, một bà lão 82 tuổi được cho là đã chết bất ngờ tỉnh dậy trong một nhà xác ở New York. CNN lập tức cử phóng viên đến tận viện dưỡng lão ở hạt Suffolk, nơi bà lão được chăm sóc để hỏi về vụ việc.

Theo báo cáo, bà lão giấu danh tính được xác nhận là đã chết bởi điều dưỡng vào 11 giờ 15 phút sáng ngày 7/2. Đến 13 giờ 30 phút chiều cùng ngày, thi thể của bà được đưa tới nhà tang lễ gần đó. Nhưng vào lúc 14 giờ 09 phút, nhân viên nhà tang lễ bất ngờ phát hiện bà lão vẫn còn thở.

Ngay lập tức, họ gọi xe cấp cứu để đưa bà vào bệnh viện.

Người chết tỉnh dậy trong quan tài: Từ truyền thuyết tới những sự kiện y khoa có thật - Ảnh 1.

Điều đáng nói là một sự việc tương tự vừa xảy ra vào tháng 12 năm ngoái, cũng tại một đơn vị dưỡng lão dành cho bệnh nhân Alzheimer ở Mỹ. Một phụ nữ trung niên 66 tuổi được phát hiện vẫn còn sống, cử động và thở hổn hển trong túi đựng thi thể của nhà tế bần.

Trước đó 2 tiếng rưỡi đồng hồ, một y tá xác định bà ấy đã chết thông qua bài kiểm tra đồng tử giãn, không có phản xạ thở và mạch đập.

"Tất cả các bác sĩ ngày nay đều được dạy cách kiểm tra một người đã chết như vậy, và họ đều ý thức được nhiệm vụ của mình", Stephen Hughes, giáo sư y khoa tại Đại học Anglia Ruskin, Anh Quốc cho biết.

"Thật không may, đã có những trường hợp cái chết được xác nhận bởi quy trình này, nhưng bệnh nhân lại có dấu hiệu sự sống trở lại sau đó".

Vậy tại sao điều đó lại diễn ra? Liệu chúng ta có cần phải thay đổi lại quy trình kiểm tra người chết để đảm bảo không còn có ai phải tỉnh dậy trong tang lễ của chính mình hay không? Trong bài viết dưới đây, giáo sư Stephen Hughes sẽ cho bạn lời giải thích thỏa đáng.

Người chết tỉnh dậy trong quan tài: Từ truyền thuyết tới những sự kiện y khoa có thật - Ảnh 3.

Trong nhiều nền văn minh cổ đại, khi một người chết đi, tang lễ của họ sẽ được tổ chức trong nhiều ngày. Đó là bởi những sự kiện người được cho là đã chết nhưng sau đó sống lại thường xuyên diễn ra.

Đơn giản là vì thời điểm đó, các thầy thuốc cổ đại chưa phân biệt được một người chết lâm sàng với người chết thực. Trong dân gian, người ta tin rằng những linh hồn cần 7-8 ngày để tận dụng mọi cơ hội trốn thoát địa ngục, nhập trở lại thân xác của mình và sống dậy.

Bạn có thể thấy đó là một điều kỳ cục trong thời đại này. Nhưng niềm tin về những người chết sống lại vẫn tồn tại cho tới tận thế kỷ 20, ngay giữa xã hội Phương Tây, nơi được coi là cái nôi của nền y khoa hiện đại.

Trong một thủ tục cũ của hải quân, khi may tấm vải liệm cho một binh lính tử trận, người thợ may sẽ xuyên mũi kim cuối cùng qua mũi của binh lính đó. "Việc một chiếc kim vải buồm xuyên qua mũi được cho là tác nhân kích thích đủ mạnh để đánh thức bất kỳ thủy thủ nào thực sự vẫn còn sống", giáo sư Hughes viết.

Người chết tỉnh dậy trong quan tài: Từ truyền thuyết tới những sự kiện y khoa có thật - Ảnh 5.

Trước đó, việc những người bị tưởng nhầm là đã chết cũng rất phổ biến trong dịch tả ở thế kỷ 18. Vì có quá nhiều nạn nhân và các bác sĩ sợ việc tiếp xúc lâu với họ gây ra nguy cơ lây lan dịch bệnh, việc kiểm tra các xác chết được tiến hành rất sơ sài.

Kết quả là đã có những người bị đem đi chôn sống. Họ sau đó được phát hiện đã tỉnh lại dưới hầm mộ, có râu tóc dài ra, với hai tay giơ lên và lòng bàn tay hướng lên trên.

Tác giả Christine Quigley tường thuật lại trong cuốn sách The Corpse: A History rằng vào đầu những năm 1900, mỗi tuần đều có một người bị chôn sống được phát hiện.

Năm 1905, nhà cải cách người Anh William Tebb đã thu thập bằng chứng về 219 vụ việc trong đó nạn nhân suýt bị chôn sống, 149 trường hợp đã bị chôn sống thật và 10 trường hợp các bác sĩ mổ thi thể của người sống vì họ nghĩ bệnh nhân đã chết.

Cá biệt, Tebb phát hiện 2 trường hợp "người chết" thức dậy ngay giữa lúc việc ướp xác họ đang được tiến hành.

Nỗi sợ bị chôn sống phổ biến đến nỗi các nhà tâm lý học phương Tây phải đặt tên cho nó: Taphophobia ghép từ "taphos" trong tiếng Hy Lạp nghĩa là hầm mộ, và "phobos" là nỗi sợ hãi.

Tâm lý này kích thích một ngành tiểu thủ công nghiệp cực kỳ phát triển trong thời đại Victoria. Đó là việc chế tạo ra những chiếc quan tài phòng khi người chết sống lại.

Người chết tỉnh dậy trong quan tài: Từ truyền thuyết tới những sự kiện y khoa có thật - Ảnh 6.

Ví dụ thiết kế phía trên là một hệ thống hầm mộ có đường ống dẫn khí nối vào bên trong quan tài. Phía trên của nó có một căn phòng quan sát vào bên trong, nơi người thân, linh mục hay quản trang có thể nhìn vào để phát hiện xem thi thể còn cử động sau nhiều ngày chôn cất hay không.

Thậm chí, chỉ cần họ không ngửi thấy mùi cơ thể phân hủy thôi, ngôi mộ này cũng sẽ được đào lên để kiểm tra ngay lập tức.

Trong danh sách bằng sáng chế tại Hoa Kỳ, người ta có thể tra ngược về năm 1868 để tìm thấy một chiếc quan tài có hệ thống báo động. Bằng sáng chế số 81.437 này được cấp cho tác giả tên là Franz Vester.

Ông ấy đã chế tạo ra một chiếc quan tài có tháp chuông nhô lên mặt đất. Quả chuông được nối với một sợi dây, với đầu kia được đặt vào trong tay người chết để phòng khi tỉnh lại, họ có thể kéo chuông báo hiệu.

Quan tài cũng để sẵn một chiếc còi để người tỉnh dậy có thể thổi. Vester còn để sẵn trong đó một chiếc thang, thứ mà người chết sống lại có thể dùng và thoát ra ngoài qua đường tháp chuông.

Người chết tỉnh dậy trong quan tài: Từ truyền thuyết tới những sự kiện y khoa có thật - Ảnh 7.

Năm 1907, Johan Jacob Toolen, một nhà sáng chế bị ám ảnh bởi nỗi sợ Taphophobia khác lập luận rằng: Bởi người bị chôn sống rất yếu, họ sẽ không còn sức để thổi còi hay trèo thang ra ngoài.

Lúc đó, những người này sẽ cần phải có không khí để hồi sức trước đã. Vì vậy, Toolen đã chế tạo ra một hệ thống cơ khí giúp người yếu ớt nhất cũng có thể mở quan tài ra từ bên trong. Đó là một cần gạt mà chỉ cần chạm vào với lực rất nhẹ, nắp quan tài sẽ tự bật tung ra ngoài.

Gần 7 thập kỷ sau đó, thiết kế hầm mộ có cơ chế thoát hiểm vẫn được sử dụng. Dưới đây là một trong số đó thuộc về gia đình Thomas Pursell, cựu lính cứu hỏa người Mỹ qua đời năm 1973.

Nó được xây dựng trong nghĩa trang Wildwood ở thành phố Williamsport. Hầm mộ này có những cánh cửa thoát hiểm mà Pursell dự định ông có thể sử dụng nếu may mắn sống lại.

Phía bên trong quan tài của mình, Pursell đã trang bị những lớp lót cách nhiệt để giữ ấm. Ông đã tự nhủ với bản thân và huấn luyện các thành viên trong gia đình rằng nếu khi họ tỉnh dậy trong quan tài thì việc đầu tiên cần làm là bình tĩnh, không được hoảng loạn. Hãy tìm thức ăn đã được chuẩn bị sẵn, ăn chúng để hồi sức và xoay bánh xe ở bên mình để thoát ra ngoài.

Người chết tỉnh dậy trong quan tài: Từ truyền thuyết tới những sự kiện y khoa có thật - Ảnh 8.

Tuy nhiên, đã tròn 50 năm trôi quan, người ta vẫn chờ đợi mà chưa có một thành viên nào trong gia đình Thomas Purcell thoát ra khỏi đó cả. Cũng không có bất kỳ bằng chứng nào cho thấy các cỗ quan tài từ thời Victoria hoạt động hiệu quả. Chúng chỉ được chế tạo, lắp đặt mà chưa từng có ai sử dụng được tính năng thoát hiểm.

Người chết tỉnh dậy trong quan tài: Từ truyền thuyết tới những sự kiện y khoa có thật - Ảnh 9.

Sự ra đời của truyền thông, đặc biệt là mạng xã hội bây giờ mới phổ biến các câu chuyện "người chết" sống lại với nhiều bằng chứng xác thực hơn. Nó cũng cho phép các bác sĩ và nhà khoa học có cơ hội nhìn vào để giải mã chúng.

Ví dụ như năm 2012, một bà cụ 95 tuổi tên là Lý Tú Phân ở Quảng Tây, Trung Quốc được báo chí và nhân chứng địa phương xác nhận là đã tỉnh lại sau 6 ngày nằm trong quan tài.

Trước đó, bà cụ bị chấn thương não sau một cú ngã. Gia đình người chăm sóc là ông Trần Khánh Vượng cho biết cụ đã tử vong sau hơn 2 tuần điều trị tại nhà. Họ đã kiểm tra hơi thở và phản ứng bằng cách lay cụ dậy nhưng không có kết quả.

Theo phong tục địa phương, gia đình ông Trần tổ chức lễ khâm liệm cho bà Lý trong suốt 1 tuần. Họ đặt bà vào quan tài nhưng chưa đóng đinh cố định. Cho đến ngày thứ 6, đột nhiên, con trai ông Trần thấy nắp quan tài bị bật tung và thi thể bà Lý không còn ở trong đó.

Họ chạy đi tìm thì phát hoảng khi thấy bà cụ đang ngồi nhóm lửa trong bếp. "Tôi thức dậy và thấy đói bụng, định nhóm bếp để nấu cái gì đó ăn", bà Lý vô tư nói.

Người chết tỉnh dậy trong quan tài: Từ truyền thuyết tới những sự kiện y khoa có thật - Ảnh 10.

Các bác sĩ địa phương cho biết trường hợp này xảy ra là do chẩn đoán nhầm. Cụ Lý có thể đã rơi vào trạng thái hôn mê do chấn thương sọ não chứ chưa phải đã chết.

"Có rất nhiều trường hợp như vậy được ghi nhận bên ngoài Châu Âu", giáo sư Hughes cho biết. Khi một cái chết không được xác nhận bởi bác sĩ có chuyên môn, sai sót có thể xảy ra và nó tạo ra các câu chuyện giật gân trên báo chí.

"Sự khác biệt về địa lý trong thủ tục xác nhận tử vong về mặt y tế có thể giải thích điều này", ông nói. Ví dụ năm 2014, một người đàn ông 78 tuổi tên là Walter Williams ở Mississippi được xác nhận là đã chết bởi một điều tra viên tên là Dexter Howard.

Điều tra viên là một vị trí dân cử được bầu tại hơn 1.500 quận của Hoa Kỳ. Họ có nhiệm vụ xác nhận và điều tra những cái chết bất thường trong khu vực quản lý của mình. Điều đặc biệt là điều tra viên không cần có bằng cấp y tế.

Howard cho biết mình đã được gia đình Williams thông báo rằng ông ấy đã tử vong. Sau đó, ông chỉ đơn giản tin lời họ. Sau khi tới nhà và bắt mạch cho Williams, Howard không thấy mạch đập nên đã ký giấy chứng tử. Sau đó, thi thể ông ấy được đưa vào túi đựng xác và chở đến nhà tang lễ.

Tại đây, bất ngờ ông Williams tỉnh lại và đá chân vào túi đựng. Howard phát hiện và lập tức gọi xe cấp cứu. Ông Williams được đưa tới bệnh viện, nơi các bác sĩ xác nhận ông ấy còn sống và hồi sức thành công.

Nếu để muộn một chút, Williams sẽ được đem đi ướp xác, nơi các nhân viên nhà tang lễ sẽ rút máu của ông ấy và bơm trở lại formandehyde giúp thi thể trông tươi trẻ hơn.

Người chết tỉnh dậy trong quan tài: Từ truyền thuyết tới những sự kiện y khoa có thật - Ảnh 11.

Mặc dù mọi người có thể đổ lỗi cho việc những cái chết được chẩn đoán sai bởi người không có chuyên môn, nhưng giáo sư Hughes cho biết đôi khi các bác sĩ cũng có thể nhầm lẫn.

"Trong những năm qua, tôi đã thấy điều này xảy ra. Một ngày nọ trong bệnh viện, một đồng nghiệp thông báo một người phụ nữ lớn tuổi đã chết, nhưng một lúc sau, bà bắt đầu thở trở lại, có mạch đập và phục hồi một cách nhanh chóng", ông cho biết.

Trong một sự cố khác, cả đội cấp cứu y tế nơi bệnh viện giáo sư Hughes làm việc đã được triệu tập khẩn cấp bởi một tin nhắn tóm tắt bệnh sử: "Ngưng tim. Đã được đưa xuống nhà xác. Đây không phải trò đùa!".

Họ đã hồi sức cho một phụ nữ uống quá liều thuốc an thần, sau đó được một bác sĩ đa khoa xác nhận là đã chết. Nhưng sau khi được đưa xuống nhà xác, người phụ nữ bất ngờ co giật. "Tất cả mọi người đều xấu hổ tột độ vì trường hợp đó. Nếu tôi nhớ không nhầm, may mắn là bệnh nhân đã hồi phục", giáo sư Hughes cho biết.

Người chết tỉnh dậy trong quan tài: Từ truyền thuyết tới những sự kiện y khoa có thật - Ảnh 12.

Quy trình kiểm tra một cái chết tiêu chuẩn được các bác sĩ ngày nay thực hiện dựa trên các dấu hiệu lâm sàng: Không có tiếng tim, ngừng thở, đồng tử giãn và bất động, không phản ứng với kích thích bên ngoài.

"Việc không thực hiện đúng quy trình xác nhận cái chết giải thích cho một số trường hợp bị tuyên bố là đã chết một cách không chính xác. Khám sơ qua khi bị phân tâm có thể dễ dẫn đến không nghe được tiếng tim và phát hiện hơi thở nông, không thường xuyên", giáo sư Hughes giải thích.

"Tuy nhiên, một số loại thuốc chúng tôi cung cấp cho bệnh nhân có thể khiến công việc trở nên khó khăn hơn".

Người chết tỉnh dậy trong quan tài: Từ truyền thuyết tới những sự kiện y khoa có thật - Ảnh 13.

Ông lấy ví dụ về nữ bệnh nhân đã uống quá liều thuốc an thần:

"Theo một cách nào đó, thuốc an thần được cho là có tác dụng bảo vệ não khỏi bị hư hại và thuốc này được sử dụng để gây mê cho các thủ thuật phẫu thuật lớn, đặc biệt nếu cần phải ngừng tuần hoàn trong một thời gian.

Dùng quá liều thuốc an thần làm giảm khả năng phản ứng và làm suy giảm hô hấp và tuần hoàn, dẫn đến cảm giác chết trong khi bảo vệ não khỏi tình trạng thiếu oxy (thiếu oxy). Sau đó, khi thuốc được đào thải khỏi cơ thể, người đó có thể tỉnh dậy.

Diazepam (biệt dược của Valium), alprazolam (biệt dược của Xanax) là những loại thuốc khiến mọi người bị nhầm tưởng là đã chết".

Ngoài ra, giáo sư Hughes lưu ý một số chất độc cũng có thể gây ra hiện ứng tương tự. Ví dụ như tetrodotoxin từ cá nóc có thể làm tê liệt nạn nhân đến độ không có phản ứng của sự sống.

Năm 2014, một thanh niên 24 tuổi ở Kenya tên là Paul Mutora cũng bị nhầm tưởng là đã chết sau 15 tiếng uống phải một lọ thuốc trừ sâu. Các nhân viên y tế đã tiêm thêm cho thanh niên này một loại thuốc điều trị chất độc thần kinh có tên là Atropine.

Atropine có tác dụng làm chậm nhịp tim. Đó là nguyên nhân khiến Mutora bị tưởng nhầm là đã chết, trước khi anh này tỉnh dậy trong nhà xác và khiến các nhân viên tại đây có một phen hoảng loạn.

Người chết tỉnh dậy trong quan tài: Từ truyền thuyết tới những sự kiện y khoa có thật - Ảnh 14.

Cũng gây ra hiện tượng chậm nhịp tim, giáo sư Hughes cho biết: "Ngất xỉu cũng có thể đánh lừa cả các bác sĩ có bằng cấp. Nó kích hoạt dây thần kinh phế vị (dây thần kinh sọ dài nhất trong cơ thể) làm tim đập chậm lại và huyết áp tụt giảm".

Ông lấy ví dụ về trường hợp của Neysi Perez, một cô gái 16 tuổi ở Honduras năm 2015. Perez được cho là đã chết vì sốc sau nghe thấy một tiếng súng nổ bên ngoài nhà mình.

Vì nguyên nhân cái chết quá bất thường, các bác sĩ đã theo dõi thi thể cô ấy suốt 3 tiếng đồng hồ để tìm kiếm dấu hiệu sự sống nhưng không thấy. Cuối cùng, họ mới ký giấy chứng tử để gia đình Perez đem cô về mai táng.

Tuy nhiên, một ngày sau tang lễ, chồng Perez đến thăm mộ cô thì phát hiện thấy tiếng la hét bên dưới lớp bê tông. Anh lập tức hô hoán mọi người phá mộ bằng búa tạ. Tại khoảnh khắc đưa được cô gái ra ngoài, em họ Perez kể rằng tim cô vẫn còn đập nhẹ và cơ thể vẫn còn ấm.

"Rất có thể cô ấy đã tỉnh lại sau một cơn ngất xỉu kéo dài", giáo sư Hughes giải thích. Trước đó, Perez có thể đã mắc phải một tình trạng được gọi là "catalepsy", đặc trưng bởi các triệu chứng cứng đờ người, thở chậm và giảm nhạy cảm với cơn đau.

Catalepsy đã từng được các bác sĩ ghi nhận từ thế kỷ 19, trong đó, họ nhấn mạnh ngay cả việc lấy kim chích vào dưới móng tay hay xỏ qua lỗ mũi như trong nghi lễ của hải quân cũng không thể đánh thức một người chết giả trong tình trạng đó.

Các bác sĩ tại Honduras có thể cũng đã mắc sai lầm này khi khám nghiệm tử thi cho Perez. Kết quả là cô ấy đã tỉnh lại trong quan tài của mình. Và mặc dù đã được tích cực hồi sức sau khi đưa tới bệnh viện, Perez một lần nữa được xác nhận là đã chết và lần này cô ấy được chôn cất vĩnh viễn.

Truyền thông địa phương đưa tin về trường hợp của cô gái Neysi Perez.

Một câu chuyện tương tự đã xảy ra vào năm 2018 tại Ấn Độ. Người đàn ông 95 tuổi sống tại bang Rajasthan được bác sĩ tuyên bố là đã chết sau khi ngất xỉu và không thể tỉnh lại. Gia đình đã thực hiện các thủ tục khâm liệm cho ông ấy.

Sau khi được cạo tóc như một phần của truyền thống an táng, thi thể người đàn ông được mang đi tắm. May mắn hơn là khi người thân dội nước lên ngực, cơ thể ông ấy bất ngờ run rẩy.

Trong vòng vài phút sau đó, người đàn ông tỉnh dậy trước sự ngạc nhiên và vui mừng của tất cả mọi người. Bữa ăn trong tang lễ của ông ấy hôm đó đã trở thành một bữa tiệc.

Giáo sư Hughes cho biết một nguyên nhân cuối cùng hay dễ dẫn tới các chẩn đoán sai về cái chết trong y khoa đó là nhiệt độ. Năm 2014, Janina Kolkiewicz, một cụ bà 91 tuổi đã bất ngờ tỉnh dậy trong một nhà xác ở Ba Lan.

Họ đã để bà ấy trong kho lạnh suốt 11 tiếng đồng hồ, trước khi một nhân viên nhà xác phát hiện chiếc túi đựng thi thể động đậy. Cụ Kolkiewicz được con cháu đón về nhà sau khi sưởi ấm cơ thể với một bát súp, trà nóng và hai chiếc bánh kếp.

"Ngâm mình trong nước lạnh cũng có thể dẫn đến ảo giác về cái chết vì nó có tác dụng làm chậm nhịp tim. Sự sống sót sau một khoảng thời gian đáng kể trong nước đã được ghi chép đầy đủ", giáo sư Hughes viết.

"Trong y học cấp cứu, từ lâu người ta đã dạy rằng bệnh nhân chết đuối không được chứng minh là đã chết cho đến khi họ được ủ ấm. Phục hồi thần kinh ở mức tốt đã được báo cáo sau thời gian ngâm nước lạnh lên đến 70 phút".

Người chết tỉnh dậy trong quan tài: Từ truyền thuyết tới những sự kiện y khoa có thật - Ảnh 15.

Các sự kiện tương tự đã được ghi nhận ở người được cho là đã chết cóng ngoài trời lại, bị chôn vùi trong một trận tuyết lở hoặc đơn giản là hạ thân nhiệt.

Khi tim, vì bất kỳ lý do gì, ngừng đập, các mô mà nó phục vụ sẽ bị thiếu cả oxy và glucose, đồng thời có thể tích tụ các chất thải độc hại. Điều này dần dần giết chết các tế bào. Khi đủ số người trong số họ chết, các cơ quan chính sẽ bị suy và toàn bộ cơ thể được cho là đã chết.

Các tế bào mỏng manh của não đặc biệt dễ bị thiếu oxy và chúng thường sẽ bắt đầu chết trong khoảng 4 đến 6 phút. Tuy nhiên, việc giảm nhiệt độ có thể kéo dài thời gian này đáng kể: cái lạnh làm giảm nhu cầu oxy và glucose của tế bào và chúng chuyển sang trạng thái ngủ đông.

"Dù nguyên nhân là gì, những trường hợp này xuất hiện trên các phương tiện truyền thông vì chúng giật gân và thu hút sự chú ý khủng khiếp, nhưng cuối cùng thì chúng rất hiếm", giáo sư Hughes nhấn mạnh.

Nó không nhất thiết phải khiến quy trình kiểm tra cái chết của bác sĩ lâm sàng phải thay đổi. Chỉ cần họ thực sự tập trung vào công việc của mình và lưu ý những gì có thể xảy ra trong ba trường hợp kể ở trên: Hạ thân nhiệt, phản ứng cứng đờ catalepsy, thuốc an thần và một số loại biệt dược có thể gây ra những cái chết giả.

Hi vọng rằng trong tương lai, chúng ta sẽ không phải chứng kiến bất kỳ trường hợp người chết sống lại nào nữa, để nỗi sợ Taphophobia về truyền thuyết tỉnh dậy trong quan tài sẽ vĩnh viễn bị xóa bỏ.

Tham khảo Theconversation, Bristishstar, Mirror, Theguardian, BBC, Yahoo, Eltiempo, Atlasobscura, Vox, CNN

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại