Người cán bộ tài đức không ngại gian khổ

Huy Thịnh - Trọng Thịnh |

Sáng 2/3, hay tin Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng được Quốc hội bầu giữ chức Chủ tịch nước, nhiều cán bộ hưu trí ở quận 12, trong đó có Phó Giám đốc Thường trực Sở Nội vụ TPHCM Lê Hoài Trung đã vô cùng phấn khởi và tự hào về thủ trưởng cũ.

Người cán bộ tài đức không ngại gian khổ - Ảnh 1.

Tân Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng (giữa) khi đang là Bí thư Quận ủy quận 12. Ông Lê Hoài Trung (bên trái) và cố Thủ tướng Phan Văn Khải

Cuối năm 2004, khi ông Võ Văn Thưởng được phân công giữ chức vụ Bí thư Quận ủy quận 12, ông Lê Hoài Trung (Hai Trung) đang là Phó Bí thư Quận ủy, Chủ tịch UBND quận. Ông Trung nhớ lại: “Đang ngồi trong phòng làm việc thì anh Thưởng đi xe máy về quận 12 và chủ động đến gặp tôi. Anh nói: “Em chào sư huynh” rồi khiêm nhường giải thích, rằng lúc tôi công tác ở Thành Đoàn TPHCM và giữ chức Hiệu trưởng Trường Đoàn Lý Tự Trọng thì anh Thưởng còn đi học nên anh luôn coi tôi như một người anh, người thầy”.

Theo ông Trung, từ ngày ông Thưởng về nhận chức Bí thư Quận ủy, bộ mặt của quận 12 thay đổi từng ngày. Tháo gỡ xong nút thắt ở dự án đường Xuyên Á, lãnh đạo quận 12 tiếp tục đột phá, mở rộng tuyến đường Trường Chinh ở cửa ngõ phía Bắc TPHCM, cải tạo, nâng cấp hàng loạt tuyến đường trên địa bàn. Các cầu vượt Quốc lộ 1 ở Ngã tư Ga, trước Công viên Phần mềm Quang Trung và Ngã tư Tân Thới Hiệp lần lượt được xây dựng. Nhiều trường học được xây mới để đáp ứng chỗ học cho con em công nhân, lao động nhập cư vào TPHCM ngày càng đông, đặc biệt là ở vùng ven như quận 12.

Trong các cuộc họp ở Quận ủy, ông Trung luôn ấn tượng về cách giải quyết nhanh chóng, khoa học và thấu tình đạt lý của vị thủ trưởng trẻ tuổi. Trước khi thực hiện dự án có thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng, ông Thưởng và ông Trung thường xuống gặp dân, lắng nghe nguyện vọng của bà con. Trong các buổi tiếp dân của lãnh đạo quận, hôm nào ông Thưởng chủ trì, bà con thường đăng ký rất đông vì ông cho mời lãnh đạo các phòng ban liên quan đến và kết luận đúng - sai ngay trong cuộc họp.

Điều ông Trung luôn cảm kích là cách ông Thưởng đối xử với cấp dưới. Những ngày cuối của Đại hội X của Đảng (tháng 4/2006), đang ở Hà Nội, hay tin ông Trung đau nặng và cấp cứu tại Bệnh viện Trưng Vương, ông Thưởng đã bay về TPHCM và túc trực suốt đêm trong bệnh viện. “Tôi biết sáng hôm sau Đại hội sẽ công bố danh sách các ủy viên Trung ương và anh có tên trong danh sách bầu nên giục anh về nghỉ ngơi để sáng sớm hôm sau ra Hà Nội cho kịp, nhưng anh không chịu. Sau này, khi đã trở thành lãnh đạo cấp cao của Đảng, mỗi lần gọi điện, anh không quên gửi lời thăm “chị Hai” vì anh rất quý bà xã tôi. Năm 2017, má tôi mất, do bận công tác, anh không về được đã gửi vòng hoa viếng, chia buồn với gia đình”, ông Trung nhớ lại.

Tình cảm sâu đậm là thế nhưng ông Thưởng làm việc rất nghiêm túc. Ông đã phê bình ông Trung ngay tại cuộc họp của Thành ủy TPHCM vì đến muộn 5 phút. “Thành ủy mời Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân dự họp. Anh Hai Quân ủy quyền cho 2 phó chủ tịch nhưng ai cũng kẹt, sau đó thư mời mới chuyển đến Giám đốc Sở Nội vụ TPHCM. Tôi được ủy quyền và chạy đến ngay khi cuộc họp sắp bắt đầu nhưng vẫn không kịp. Sau khi nghe tôi trình bày, anh Thưởng mới dịu xuống”, ông Trung kể.

Ông Võ Văn Thưởng từng có nhiều năm gắn bó với phong trào của sinh viên, học sinh tại TPHCM.

Anh Nguyễn Hữu Tám, cựu cán bộ Thành Đoàn, nhớ lại: “Anh Thưởng tuy là thủ lĩnh thanh niên nhưng sống rất chan hoà với mọi người. Năm 2000, anh cùng chúng tôi kiểm tra công tác Mùa hè xanh trên tuyến đường Hồ Chí Minh tại Quảng Nam. Mùa mưa, đường đất không thể đi ô tô, anh Thưởng đã đi bộ suốt 30 km băng rừng để tới nơi anh em chiến sỹ đang làm việc. Anh cũng không nề hà gì khi tối hôm đó, cả đoàn phải ngủ tạm trong một lớp học giữa rừng. Cực khổ vậy nhưng anh ấy bảo các chiến sỹ Mùa hè xanh chịu được thì anh cũng chịu được”.

Người cán bộ tài đức không ngại gian khổ - Ảnh 3.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại