Bố bị nghiện điện thoại
Cuộc sống hiện đại mang đến nhiều tiện ích, đặc biệt các thiết bị công nghệ ngày càng "gắn bó" với con người.
Tuy nhiên, nếu người lớn sử dụng không hợp lý và dành quá nhiều thời gian cho những món đồ vô tri này không những ảnh hưởng tình cảm gia đình, mà quan trọng hơn chính là tạo nên tâm lý tiêu cực cho trẻ.
Ngày nay không ít các ông bố đi làm về là chỉ biết chăm chú vào chiếc điện thoại, ngoài ra còn có máy vi tính, tivi v.v…
Thói quen này khiến bố không còn dành thời gian cho con cái, mất đi sợi dây liên kết tình cảm bố con, đồng thời còn khiến trẻ mất cơ hội học được nhiều giá trị bổ ích khi gần gũi với bố.
Không chỉ vậy, khi các mối quan hệ gia đình không được vun đắp, trọn vẹn thì trẻ càng dễ sinh tâm lý đối kháng, đây là một cách trẻ thể hiện sự phản đối của mình khi không được quan tâm, chú ý.
Nếu bố nghiện điện thoại, trẻ cũng dễ bị nhiễm thói quen này, gây ảnh hưởng thị lực, dễ hình thành xu hướng khép kín, cô độc.
Bố ít khi về nhà
Nếu vì vấn đề làm việc, đi công tác mà bố vắng nhà dài ngày vẫn còn thông cảm được. Vì sau đó, bạn có thể bù lại cho trẻ những thời gian rảnh rỗi khác.
Ở đây chúng ta nói đến thói quen sau giờ làm việc, nhiều người đàn ông trụ cột lại không thích về nhà mà la cà quán xá.
Vấn đề này dễ nảy sinh mâu thuẫn giữa vợ chồng, và các cuộc tranh cãi của bố mẹ sẽ tác động xấu đến tâm hồn non nớt của trẻ. Lâu ngày, trẻ dễ trở nên nhút nhát, sợ sệt và cũng dễ hình thành tính cách bạo lực khi lớn lên.
Theo các chuyên gia tâm lý, nếu như người mẹ có ảnh hưởng đến thói quen trong tương lai của con cái thì hình tượng người bố lại trực tiếp tác động đến tính cách sau này của trẻ.
Vì vậy, những ông bố không thể hiện trách nhiệm yêu thương và chăm lo cho gia đình sẽ ảnh hưởng đến trẻ. Khi trưởng thành, trẻ dễ trở thành người vô trách nhiệm và không giữ lời hứa.
Bố không chơi đùa với con
Có thể do bận rộn nhưng cũng có thể do tư tưởng "nam tử hán" thì không nên chơi đùa với trẻ con mà không ít ông bố tự tạo khoảng cách giữa hai bố con.
Thậm chí khi trẻ lại gần và mong muốn có bố chơi cùng, bạn lại tỏ ra tức giận, quát mắng. Đây là hành vi ảnh hưởng tiêu cực đến tình cảm gia đình và tâm lý con trẻ.
Khi được ở cùng bố, trẻ dễ dàng học được những phẩm chất quý giá cho cuộc sống như độc lập, kiên cường, chủ động, lạc quan v.v…
Nhưng khi bố từ chối thời gian được tiếp xúc và tương tác với con, trẻ dễ trở thành xa cách, sợ sệt bố và hình thành tâm lý phản kháng hoặc yếu đuối khi trưởng thành.
Bố "phó thác" chuyện nuôi dạy con cái cho người bạn đời
Tuy xã hội hiện đại và tư tưởng nam nữ bình quyền càng được ủng hộ nhưng vẫn còn không ít người đàn ông cho rằng việc nhà và chuyện nuôi dạy con là của phụ nữ.
Quan niệm và thái độ này của người bố sẽ trở thành tấm gương bất lợi cho sự trưởng thành của trẻ.
Một mặt, mẹ có thể quá bận rộn, vất vả mà không thể chăm lo chu đáo cho con, dễ khiến trẻ thiếu dinh dưỡng hoặc bệnh tật.
Mặt khác về tâm lý, nếu là con gái thì khi lớn lên, trẻ dễ trở nên nhu nhược và chỉ biết phục tùng người khác, không dám đấu tranh cho quyền lợi của mình.
Nếu là con trai sẽ dễ trở thành người đàn ông độc tài, gia trưởng và không có lòng cảm thông, chia sẻ.
Bố có tính khí xấu, thường xuyên cãi vã với người thân
Đàn ông hơi nóng tính một chút cũng là chuyện bình thường, nhưng nếu quá độc tài, dễ kích động mà gây tranh cãi, thậm chí động tay động chân với người thân trong gia đình sẽ làm tổn thương trẻ rất lớn.
Một mặt, trẻ sẽ hiểu rằng bố là người thật đáng sợ và thường "bắt nạt" mẹ, lâu ngày tình cảm bố con càng xa cách, lạnh nhạt, có khi còn đối đầu nhau.
Ngoài ra, bầu không khí căng thẳng khiến trẻ không thể phát triển tốt, tinh thần mệt mỏi, u uất, nghiêm trọng có thể dẫn đến chứng tự kỷ đáng sợ.
Sau khi trưởng thành, trẻ cũng dễ có lệch lạc trong tính cách, không biết thấu hiểu và yêu thương người khác, dễ gây gổ, đánh người, thậm chí là phạm tội.