Giàu có là điều tất cả mọi người đều mong muốn nhưng sự thật là không phải ai cũng làm giàu chỉ nhờ sự chăm chỉ, nhất là khi khoảng cách giàu nghèo quá lớn trong xã hội hiện nay. Sự chênh lệch liên quan đến nhiều yếu tố như trình độ học vấn, khác biệt trong thu nhập từ các ngành nghề và cả tài sản chúng ta sẵn có.
Tuy nhiên, ngoài những yếu tố kể trên, lý do tại sao người giàu lại giàu có và lý do tại sao họ có thể tích lũy tài sản đều liên quan đến thói quen và đặc điểm của chính họ.
1. Họ biết tiết kiệm
Dưới tác động mạnh mẽ của mạng xã hội, nhiều người trong chúng ta hiện nay dễ bị ảnh hưởng bởi "thế hệ giàu thứ hai", những người thích khoe khoang sự giàu có một cách lộ liễu. Nhóm người này thường thể hiện cách họ vung tiền vào xe sang, nhà sang, đồ ăn cao cấp và khiến nhiều người khác mơ ước có cuộc sống như họ.
Vẫn có nhiều người đọc lời giới thiệu của những người nổi tiếng và ngôi sao trên mạng, mua rất nhiều sản phẩm mà họ không đủ tiền mua. Sự thật là rất nhiều món đồ trong số đó không có giá trị gì và thậm chí còn chất đống ở nhà.
Biết tiết kiệm là khởi đầu của hành trình làm giàu. Ảnh: ST
Lão Tử từng nói: “Tiết kiệm làm giàu”, có siêng năng tiết kiệm thì mới làm giàu được. Tiết kiệm không phải là dấu hiệu của keo kiệt, đó là việc cần làm để tránh những chi tiêu không cần thiết.
Bước đầu tiên để làm giàu vẫn luôn là học cách kiểm soát ham muốn tiêu dùng và tiêu dùng hợp lý, mua thứ mình cần thay vì mua thứ mình muốn.
2. Họ sợ một cái đầu rỗng hơn là một cái túi rỗng
Quan tâm nhiều hơn đến việc học và đầu tư cho con đường học hành cũng là một cách người giàu làm. Đừng chỉ quan tâm đến túi tiền sẽ vơi đi nếu bỏ tiền ra để tích lũy kiến thức bởi giữ cái túi (tài sản) và cái đầu (học vấn, năng lực) thì cái đầu chắc chắn quan trọng hơn.
Chỉ cần cái đầu không rỗng thì cái túi sẽ không rỗng, cho dù cái túi có trống trong một khoảng thời gian nhất định thì đó cũng chỉ là tạm thời, cuối cùng bạn vẫn có thể trở nên giàu có.
Và dù bạn có bỏ bao nhiêu tiền vào túi nhưng nếu không quản lý tốt cái đầu của mình, số tiền trong túi có thể vuột mất bất cứ lúc nào.
Bill Gates rất coi trọng kiến thức ông học được từ sách. Ảnh: ST
Vì vậy, trước khi thành công, người giàu không sợ rỗng túi, nhưng họ sẽ không bao giờ để đầu mình của mình trống rỗng. Họ sẽ không ngừng học hỏi, hoàn thiện bản thân cho tương lai lâu dài thay vì chỉ nghĩ đến việc kiếm tiền và giữ tiền trong ngắn hạn.
Bill Gates từng chia sẻ mỗi năm ông đọc 50 cuốn sách, và thói quen này cũng góp phần tạo nên thành công của tỷ phú lừng danh này.
3. Họ có tầm nhìn sâu rộng, không có “tư duy xổ số”
Người giàu thường có tầm nhìn rất xa nên những gì họ làm và đầu tư không phải chỉ cho hiện tại hay tương lai gần mà muốn hướng đến giá trị bền vững cho nhiều năm, thậm chí nhiều chục năm tiếp theo.
Một trong những yếu tố thành công lớn nhất của Warren Buffett là ông đầu tư vào các doanh nghiệp có tiềm năng tăng giá trị trong nhiều thập kỷ tới, bất kể giá cổ phiếu của họ có thể là bao nhiêu tại bất kỳ thời điểm nào.
Tỷ phú Jeff Bezos từng đặt câu hỏi cho Buffett: “Quan điểm đầu tư của anh quá đơn giản. Tại sao mọi người lại không làm theo?”.
“Bởi vì không ai muốn làm giàu từ từ,” Buffett trả lời.
Tư duy mong muốn giàu nhanh khiến nhiều người khó thành công như tỷ phú Warren Buffett. Ảnh: Getty Images
4. Họ không sợ rủi ro và luôn tò mò
Nếu bạn không có một chút tự tin vào bản thân, bạn rất khó thành công. Khi được hỏi về cách tỷ phú Howard Marks, người đồng sáng lập Oaktree Capital Management vượt qua các giai đoạn biến động như cuộc Đại suy thoái và những ngày đầu của đại dịch, ông đã trả lời rằng mình đã tập trung vào dữ liệu và các cơ hội tiềm năng, thay vì những rủi ro hoặc nhược điểm.
Nhờ suy nghĩ này, ông đã đặt cược thành công vào khoản nợ khó khăn của công ty trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, mang lại cho các nhà đầu tư của Oaktree khoảng 6 tỷ USD tiền lãi.
Muốn có được của cải, trở nên giàu có thì không chỉ dựa vào sự tự tin mà còn phải có lòng hiếu kỳ. Sự tò mò cho phép con người nghĩ sâu sắc hơn, không đánh giá mọi thứ quá nhanh, từ đó đưa những quyết định đúng đắn và những giải pháp sáng tạo hơn. Đây cũng là kỹ năng nhiều cặp cha mẹ dạy cho con mình từ khi còn nhỏ, nhờ đó con của họ trở thành những người lãnh đạo thành công.
Theo Toutiao, CNBC Make It