Theo cuộc khảo sát năm 2021 với 1.938 người do The Penny Hoarder công bố, hơn một nửa người Mỹ không rõ họ đã tiêu bao nhiêu tiền hàng tháng.
Báo cáo gần đây của LendingClub cho biết ngân sách giúp theo dõi các khoản chi, hạn chế việc tiêu xài không cần thiết và bảo vệ khoản tiết kiệm. Tuy nhiên, việc theo dõi chi phí một cách nhất quán không phải lúc nào cũng dễ dàng nếu bạn bận rộn hoặc không sử dụng thành thạo các ứng dụng quản lý tài chính.
Trong trường hợp đó, bạn có thể cân nhắc việc áp dụng quy tắc 80/20. Bạn nên dành 20% khoản tiền thu nhập chuyển sang đầu tư, tiết kiệm hoặc cho mục đích dài hạn. 80% còn lại hướng đến nhu cầu và mong muốn, bao gồm tiền ăn, tiền thuê nhà và giải trí. Cách tiêu tiền tuỳ thuộc vào nhu cầu của bạn.
Ảnh minh hoạ: Mint - Intuit
Phần quan trọng của quy tắc này là ít nhất 20% thu nhập được dùng để hướng tới các mục tiêu tài chính dài hạn. Để có kết quả tốt nhất, bạn nên đặt lịch hoặc báo thức để thực hiện chuyển tiền từ tài khoản chính đến tài khoản tiết kiệm hoặc tài khoản đầu tư vào ngày lĩnh lương. Bằng cách này, bạn sẽ không quên tiết kiệm hoặc bị cám dỗ tiêu sạch tiền. Ngoài ra, quy tắc 80/20 phù hợp với những ai không muốn áp dụng những mẹo tiết kiệm phức tạp.
Quy tắc 80/20 hay còn gọi là quy tắc Pareto, do nhà kinh tế học người Italy - Vilfredo Federico Damaso Pareto - sáng lập. Vào đầu thế kỷ 20, Pareto sử dụng quy tắc 80/20 để mô tả sự phân phối của cải ở Italy, rằng 80% tài sản của Italy thuộc quyền sở hữu của chỉ 20% dân số.
80/20 là khởi đầu tuyệt vời với những ai bắt đầu tiết kiệm tiền. Nhưng nó nên là khoản tiền tối thiểu bạn cần tiết kiệm. Bạn càng tiết kiệm được nhiều, các dự định dài hạn sẽ sớm được hoàn thành. Khi bạn đạt được 80/20, hãy nâng tỷ lệ tiết kiệm lên 70/30, sau đó là 60/40. Khi số tiền tiết kiệm tăng lên, tính linh hoạt và cơ hội của bạn cũng tăng theo.
Ảnh minh hoạ: Money Fit
So với quy tắc 50/30/20, quy tắc 80/20 đơn giản và dễ thực hiện hơn mà không tốn nhiều thời gian. Các quy tắc này được gọi là phương pháp phân chia theo tỷ lệ phần trăm.
Với 50/30/20, bạn cần dành 50% thu nhập cho các chi phí thiết yếu như tiền thuê nhà, thực phẩm, điện nước... 30% hướng tới mong muốn như như du lịch, mua sắm và vui chơi. 20% còn lại dùng để tiết kiệm và đầu tư. Việc phân loại các hạng mục chi tiêu có thể khiến bạn tốn nhiều thời gian. Đôi khi, bạn khó có thể xác định chính xác mục đích chi tiền.
Theo CNBC