Một số vị khách phương Tây tở ra ngạc nhiên khi thấy một số nhóm bạn trẻ vui chơi, chụp hình cưới ở khu vực này sáng hôm đó thoải mái qua đường không theo lề lối, trật tự nào; và thường chụm lại thành nhóm có khi lên đến cả chục bạn ríu rít qua đường bất kỳ chỗ nào.
Có lẽ họ ngạc nhiên vì ở phương Tây, xếp hàng được cho là một thông lệ bắt buộc trong sinh hoạt xã hội mà ai cũng phải mặc nhiên thực hiện, không cần nhắc.
Tác giả Leon Mann của Đại học Harvard trong cuốn Văn hóa xếp hàng: Xếp hàng như một hệ thống xã hội viết gọi xếp hàng là hình thức thu nhỏ của hệ thống xã hội.
Trong khi đó, tác giả Richard Larson thuộc Viện công nghệ Massachusettes viết trong cuốn Các khía cạnh của xếp hàng: công lý xã hội và tâm lý xếp hàng khẳng định xếp hàng phải công bằng và tuân thủ chặt chẽ luật "người đến trước được phục vụ trước".
Tại châu Âu, người Anh được coi là vô địch xếp hàng bởi họ đứng vào hàng mà không càu nhàu và kiên nhẫn chờ tới phiên mình.
Trong khi đó, người Đức và Pháp vẫn đứng xếp hàng nhưng thường tỏ ra bực dọc, càm ràm về việc phải chờ quá lâu.
Tờ Telegraph của Anh đăng một nghiên cứu cho biết trung bình suốt đời một người Anh mất đến sáu tháng để xếp hàng. Tính trung bình mỗi tuần họ phải mất hơn năm giờ xếp hàng, chủ yếu để mua hàng tại siêu thị.
Trong số những người tham gia khảo sát này, 82% cho biết xếp hàng là một truyền thống tại Anh trong khi 25% khẳng định họ không chấp nhận việc phải xếp hàng.
Nhiều người tham gia nghiên cứu thổ lộ rằng đã nhiều lần họ bỏ về tay không vì hàng xếp quá dài.
Tờ New York Times cho rằng xếp hàng thể hiện một khía cạnh triết học sâu sắc là "Chúng ta tự do chạy lung tung như một bầy gà, nhưng nếu chúng ta đối xử với thái độ đúng đắn và xếp hàng, tất cả mọi người đều có cơ hội ngang nhau để vào chuồng".
Nếu nói theo "ngôn ngữ Descartes" thì đó là "Tôi xếp hàng, tôi tồn tại".
Vấn đề hàng người kiên nhẫn xếp hàng dài bởi họ tin rằng cuối cùng sẽ được nhận phần của mình.
Bài báo trên New York Times cho biết tác giả và chồng sau khi kiên nhẫn xếp hàng tại siêu thị, đã nổi cáu vì quầy tính tiền thông báo đóng đồng thời họ buộc phải chuyển sang hàng khác.
Khi đó, mọi người trong hàng tỏ ra giận dữ; trật tự chỉ được vãn hồi khi quầy tính tiền mở cửa trở lại và thứ tự của mọi người trong hàng được giữ nguyên.
Trong xã hội tôn trọng sự tiết kiệm thời gian, thì xếp hàng với phương châm "người đến trước được phục vụ trước" là điều đương nhiên, là giải pháp được sử dụng xưa nay.
Tuy nhiên, điều này lại dẫn đến hệ lụy là có một số nơi người xếp hàng phải chờ một, hai giờ mới được phục vụ.
Và hiện nay, người châu Âu đang tiến hành cải cách việc xếp hàng truyền thống, giúp tiết kiệm thời gian hơn.
Giáo sư Lars Peter Osterdal tại Đại học Nam Đan Mạch viết: "Vấn nạn của việc xếp hàng thông thường - người tới trước hưởng trước - là người ta có xu hướng sẽ đi rất sớm để xếp hàng".
Nhóm nghiên cứu của giáo sư Osterdah cùng cộng sự tiến hành nhiều giải pháp xếp hàng khác nhau và cuối cùng, theo họ, phương pháp hiệu quả nhất chính là "người tới cuối hưởng trước".
Ông giải thích nếu xếp hàng với phương châm "người tới cuối hưởng trước", đa số mọi người đều không đến sớm để "đặt gạch" mà đến đúng giờ hơn, dĩ nhiên vẫn đứng xếp hàng trật tự.
Phương châm "người tới trước hưởng trước" hiện không được các hãng máy bay áp dụng sử dụng bởi nếu như vậy, hành khách sẽ đến sớm, xếp hàng và lên máy bay chọn chỗ ưng ý.
Giáo sư Osterdah đưa ra ví dụ tại các cổng chờ lên máy bay, người ta thường có xu hướng vẫn ngồi đọc sách hoặc uống cà phê thay vì nhào tới xếp hàng.