Tại Nhật, việc xếp hàng hai tiếng hoặc hơn để ăn một tô mì chỉ trong 10 phút là chuyện rất bình thường. Họ cũng sẵn sàng đứng vào hàng hơn một tiếng để được vài phút đi tàu lượn tại Disney Land.
Phải chăng người Nhật “ghiền” xếp hàng?
David Andrew, tác giả cuốn Tại sao hàng kia luôn đi nhanh hơn bàn về những diễn biến tâm lý trong khi con người xếp hàng, cho rằng người Nhật bị ám ảnh chuyện xếp hàng.
Ông đặt ra câu hỏi tại sao người Nhật thích xếp hàng và nói rằng đây là một câu hỏi rất khó trả lời.
Trong một bài báo, tác giả Andrew nhận thấy người Nhật khoái xếp hàng, hay nói cách khác là thích cảm giác vượt qua những khó khăn lúc xếp hàng.
Trong văn hóa người Nhật, xếp hàng là một biểu hiện cho thấy họ sẽ được cung cấp dịch vụ tốt hơn. Ví dụ, nếu có hai cửa hàng bán đồ giống nhau, người Nhật sẽ chọn mua ở nơi có hàng người đang xếp dài hơn.
Lợi dụng việc người Nhật thích xếp hàng, vừa qua một cửa hàng McDonald tại đây đã mướn người đứng trước cửa hàng, xếp thành một hàng dài để thu hút khách hàng.
Ông David Andrew cho biết điều này có lẽ xuất phát từ thời Meiji khi các chủ cửa hàng tạp hóa thuê người đứng xếp hàng để tăng uy tín. Khi đó, đây là một nghề chuyên nghiệp và có tên sakura.
Một bài báo của tác giả Đài Loan (Trung Quốc) từng mô tả tỉ mỉ cảnh người Nhật kiên nhẫn xếp hàng ở bất cứ đâu. Theo tác giả lý giải, có lẽ vì tinh thần chịu đựng trong ninja đã giúp người Nhật có được đức tính này.
Còn blogger người Nhật tên Mirza cho rằng việc người Nhật chấp nhận xếp hàng rất lâu mới được phục vụ dường như là để thỏa mãn cảm giác họ nhận được một thứ gì đó rất đáng giá.
Mirza viết: “Người Nhật cảm thấy tự hào khi xếp hàng và xếp hàng rất lâu mới được một thứ gì đó khiến họ cảm thấy thỏa mãn”.
Trong khi đó, để lý giải cho việc người Nhật kiên nhẫn xếp hàng, với thái độ bình thản như nhau dù trong thời bình hay thời chiến, dù để được chơi tàu lượn hay để nhận đồ cứu trợ sau thảm họa sóng thần, Eric Stephanus cho rằng “tính tuân phục” chính là căn nguyên.
Làm việc trong một công ty bảo hiểm Nhật, Eric Stephanus sống ở Nhật hơn một thập kỷ. Ông nói rằng: “Sự tuân phục được đánh giá cao hơn hết mọi thứ.
Cho tới thế kỷ thứ 19, Nhật Bản vẫn là xã hội phong kiến với nghĩa vụ, phân tầng giai cấp chặt chẽ và các hình phạt nghiêm khắc nếu vi phạm lề thói. Không tuân lệnh người cấp trên là không chấp nhận được.
Tại đây không có truyền thống về quyền cá nhân hoặc khuyến khích phê bình. Cá nhân là một phần của tập thể”.
Trong mắt nhiều người nước ngoài và cả người Nhật, xếp hàng không còn là một thói quen mà trở thành một nét văn hóa tại Nhật.
Thậm chí Đại học Tokyo còn thực hiện nhiều đoạn clip dạy cho sinh viên quốc tế cách thích nghi với cuộc sống tại Nhật và một trong số đó là làm quen với việc xếp hàng rất lâu.
Ron Provost, chủ tịch Viện ngôn ngữ và văn hóa Showa Boston, nhận định: “Sức mạnh tinh thần và sự chịu đựng của người Nhật có nguồn gốc trong một nền văn hóa lâu đời luôn dựa trên các tổ chức xã hội”.
Người phương Tây đã cố gắng giải mã những bí ẩn xoay quanh việc người Nhật thích, thậm chí "ghiền" xếp hàng như vậy.
Có lẽ đó cũng chưa phải đã hết, đã đủ. Còn từ góc độ người châu Á, người Việt, bạn giải mã chuyện này như thế nào?