Ngày 13-1, ông Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội), cho biết theo kế hoạch ban đầu, các hạng mục quan trọng của Văn Miếu - Quốc Tử Giám như Khuê Văn Các, cổng Tam Quan, Nhà Bái Đường, Nhà Thái Học sẽ được quét vôi để bảo dưỡng, tương tự một số hạng mục khác trong di tích.
Tuy nhiên, sau khi có sự đánh giá của các chuyên gia, nhận thấy những hạng mục trên đã xuống cấp khá nghiêm trọng, không chỉ tường bị rêu mọc bám dày mà các chữ viết, hình ảnh trên đó cũng đã bong tróc, nhiều phù điêu hư hỏng, Ban quản lý quyết định chỉ vệ sinh, làm sạch rong rêu và xin chủ trương cấp trên để lập dự án tu bổ hợp lý, khoa học nhất.
Trước đó, một số hạng mục trong Văn Miếu - Quốc Tử Giám như tường rào khu vực quanh giếng Thiên Quang, bia tiến sĩ... được quét vôi trang trí.
Đây là loại vôi trộn với than bùn, còn gọi là vôi sữa truyền thống. Màu vôi mới này đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ dư luận.
Trước những băn khoăn về độ vênh giữa các hạng mục vừa được quét vôi với hình ảnh rêu phong còn lại của các hạng mục khác đã làm thay đổi ít nhiều tổng thể cảnh quan của di tích, Giám đốc Trung tâm Khoa học Văn Miếu Quốc Tử Giám khẳng định kỹ thuật quét vôi truyền thống pha với than bùn đang được thực hiện phổ biến trong quá trình tu sửa di tích ở Việt Nam.
Cụ thể như đền Ngọc Sơn năm nào cũng thực hiện kỹ thuật này để tu sửa. Hơn nữa, vì kỹ thuật này không sử dụng hóa chất nên chỉ cần qua Tết Nguyên đán năm 2017 màu xám trắng sẽ trầm thêm xuống và có thể lại mốc rêu trở lại.
Vì thế từ nay việc quét sửa tường và các mục phụ này sẽ diễn ra hàng năm ở Văn Miếu. Kinh phí cho việc tu sửa lấy từ kinh phí trích từ quá trình bán vé tham quan của di tích, không sử nguồn vốn Nhà nước.