Những hình ảnh về Khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội) không còn cổ kính rêu phong như cũ, thay vào đó là một "lớp áo mới" sau khi được sửa sang đang nhận được sự quan tâm của dư luận với nhiều ý kiến khác nhau.
Trao đổi với chúng tôi vào sáng nay, ông Trương Minh Tiến, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội cho biết, di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã tồn tại rất lâu và một số mảng tường bị bong tróc trong khi chưa có điều kiện tu bổ lại.
"Việc quét vôi ở phần lớn các di tích chứ không riêng Văn Miếu là việc làm thường xuyên. Ở Văn Miếu thì Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu đã có báo và Sở đã trình Ủy ban và được đồng ý ở góc độ đầu việc để sau này thanh quyết toán.
Còn về mặt nghiệp vụ, Sở cũng thấy đây là công việc của di tích, không có gì lớn và việc quét vôi này cũng có sự tư vấn của Viện Bảo tồn di tích Quốc gia, vì thế, Văn Miếu đã tiến hành", ông Tiến nói.
Phần trên mái được quét lại vôi.
Cũng theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao Hà Nội, nếu có điều kiện tu bổ tổng thể thì sẽ đẹp hơn nhưng vì chưa có điều kiện nên chỉ làm ở một số chỗ bong tróc "do đó, nó khác đi và trông như vậy".
"Về lâu dài, chúng tôi sẽ yêu cầu Văn Miếu xem xét lại các hạng mục xuống cấp, lập dự án tu bổ tổng thể để làm theo đúng Luật Di sản văn hóa", ông Tiến nêu rõ.
Cùng trao đổi với chúng tôi, ông Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám khẳng định chỉ quét vôi ta truyền thống cho di tích chứ không phải sơn.
"Chúng tôi chỉ quét vôi ta truyền thống trộn với than bùn theo cách các cụ ngày xưa ở các tường xây mới ven hồ, tường bao cho sạch đẹp trở lại chứ không phải sơn quét hóa chất nào cả", ông Kiêu nói.
Theo ông Kiêu, việc làm này bắt nguồn từ thực tế du khách trong quá trình thăm quan có phản ánh một số bức tường tại di tích bị nấm mốc và bụi bẩn.
"Trung tâm chúng tôi nhận thấy đây là việc làm cấp thiết, bởi nếu để du khách vào đây phản ánh tại sao quản lý bảo vệ di tích mà lại để nhem nhuốc thế thì không thể yên tâm được.
Chúng tôi đã lên kế hoach mời Trung tâm Kỹ thuật công nghệ bảo tồn di tích thuộc Viện Bảo tồn di tích Quốc gia tiến hành khảo sát, đánh giá. Thông qua đó, trung tâm khẳng định việc quét vôi lại các hạng mục kiến trúc bằng gạch là rất cần thiết.
Tuy nhiên, việc khảo sát cũng cho thấy những hạng mục chính của Văn Miếu – Quốc Tử Giám như cổng chính, tam quan, nhà bái đường, nhà Thái Học... đang có dấu hiệu xuống cấp. Tuy nhiên, do tính chất phức tạp của nó, phải có những dự án tôn tạo riêng", ông Kiêu nhấn mạnh.
Ông Kiêu cũng cho biết thêm, việc quét vôi cho sạch đẹp Văn Miếu được Sở VH-TT Hà Nội và thành phố đồng ý.
Công việc có tên là Vệ sinh cấu kiện gỗ của di tích và quét vôi trang trí lại cảnh quan di tích đã được phê duyệt từ tháng 6/2016, nhưng đến tháng 11 mới bắt đầu thực hiện do phải tiến hành khảo sát, đánh giá kỹ lưỡng của đơn vị chuyên môn sau đó mới đưa ra phương án.
Trong đó, việc vệ sinh cấu kiện gỗ thể hiện hiệu quả rất lớn, vì trong rất nhiều năm Văn Miếu chưa tiến hành công việc này.
"Còn việc quét vôi chỉ là một hạng mục nhỏ trong việc vệ sinh cấu kiện. Đơn vị thi công là Trung tâm Kỹ thuật công nghệ bảo tồn di tich đưa ra phương án và chọn vôi truyền thống, hòa lẫn than bùn.
Đây là cách mà các di tích ở Hà Nội như đền Ngọc Sơn vẫn làm hàng năm", ông nói.
Giám đốc Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám cũng khẳng định, việc vệ sinh Văn Miếu được làm rất cẩn trọng và luôn được giám sát kiểm tra trong quá trình thi công thực hiện. Kinh phí thực hiện hoàn toàn của đơn vị từ nguồn thu phí, không lấy của Nhà nước.