Ngựa thần ông Kim cưỡi trên đỉnh Paektu: Thần tiên mới cưỡi nổi, phi nước đại chân không in dấu

Tất Đạt |

Không chỉ mang ý nghĩa biểu tượng, ngựa còn có ý nghĩa rất quan trọng đối với đời sống và chính trị tại Triều Tiên.

Ngựa thần của Triều Tiên

Mới đây, cơ quan ngôn luận nhà nước Triều Tiên KCNA đã đăng tải một số hình ảnh về chuyến thăm núi Paektu của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un. Đặc biệt trong những tấm hình này, có thể thấy ông Kim cưỡi ngựa rất điêu luyện giữa khung cảnh vùng núi tuyết thơ mộng.

Núi Paektu là một vùng đất linh thiêng, giàu ý nghĩa lịch sử và biểu tượng đối với người Triều Tiên. Đây là nơi các lãnh đạo Triều Tiên thường ghé thăm trước khi đưa ra những chính sách quan trọng.

Gary Sommerville, một nhà phân tích chuyên nghiên cứu về Triều Tiên tại Viện nghiên cứu Quốc phòng và An ninh Royal United, nói chưa nhà lãnh đạo nào từng đến thăm núi Paektu trên lưng ngựa trắng, trừ ông Kim Jong Un.

"Việc ông Kim tới thăm núi Paektu bằng ngựa trắng có thể mang tính biểu tượng rằng đây chính là con ngựa Chollima trong truyền thuyết."

"Chollima là ngựa có cánh - gần giống như phiên bản vùng Đông Á của ngựa có cánh Pegasus. Theo truyền thuyết, không người thường nào có thể cưỡi được Chollima bởi vì nó phi quá nhanh và không thể được thuần phục".

Ngựa thần ông Kim cưỡi trên đỉnh Paektu: Thần tiên mới cưỡi nổi, phi nước đại chân không in dấu - Ảnh 1.

Ông Kim Jong Un và bà Kim Yo Jong cưỡi ngựa tới thăm núi Paektu. Ảnh: KCNA

"Vậy nên với những bức hình ông Kim cưỡi ngựa trắng, có thể thấy ông Kim đã tự khắc họa bản thân gắn liền với những thành tựu mới - không chỉ đối với người dân Triều Tiên mà còn đối với quốc tế".

"Những hình ảnh này cho thấy ông Kim là người đã đạt được những kì tích tưởng chừng không thể hoàn thành, tạo cảm giác rằng nhà lãnh đạo Triều Tiên mang một phần 'sức mạnh của thần tiên'," ông Sommerville chia sẻ.

Chollima, hay còn gọi là Thiên Lý Mã, là một loài ngựa quý hiếm xuất hiện trong văn hóa dân gian của Triều Tiên và Trung Quốc. Theo truyền thuyết, loài ngựa này có thể hồi sức rất nhanh và đi cả ngàn dặm trong một ngày, phi nước đại mà chân không lưu dấu. Biểu tượng của Chollima xuất hiện trên khắp Triều Tiên.

Ngựa thần ông Kim cưỡi trên đỉnh Paektu: Thần tiên mới cưỡi nổi, phi nước đại chân không in dấu - Ảnh 2.

Ngựa Chollima trên poster của Triều Tiên.

Hệ thống tàu điện ngầm ở Bình Nhưỡng có một tuyến gọi là "Tuyến Chollima", đội bóng quốc gia Triều Tiên có biệt danh là "Chollima" và rất nhiều tượng về loài ngựa này được đặt khắp đất nước.

Theo tín ngưỡng của người Triều Tiên, bởi không người thường nào có thể cưỡi Chollima, nên tất cả những người cưỡi được loài ngựa này đều có phẩm chất cao quý. Điều này phản ánh sự tự hào đối với dân tộc và người Triều Tiên tin rằng họ đều xứng đáng cưỡi Chollima.

Ngựa thần ông Kim cưỡi trên đỉnh Paektu: Thần tiên mới cưỡi nổi, phi nước đại chân không in dấu - Ảnh 3.

Tượng Chollima tại Bình Nhưỡng. Ảnh: Wikipedia

"Phong trào Chollima" được khởi xướng bởi nhà lãnh đạo Kim Nhật Thành hướng tới mục tiêu cổ vũ tinh thần, khuyến khích người dân trong nước phát triển kinh tế. Để đạt được năng suất và sản phẩm tốt hơn, người dân cần lao động cần cù, chăm chỉ, như những gì thông điệp viết vào thời kì này: "Tiến lên phía trước bằng tinh thần Chollima".

Nhờ phong trào nói trên, kinh tế Triều Tiên đã có tăng trưởng vượt bậc, và thậm chí còn vượt cả Hàn Quốc trong giai đoạn này. Tuy nhiên, do đây không phải là mô hình kinh tế mà chỉ là cuộc vận động tinh thần, nên hiệu quả của phong trào Chollima không kéo dài.

Căng thẳng trở lại

Những hình ảnh ông Kim cưỡi ngựa trên núi Paektu đã được đăng tải giữa lúc căng thẳng giữa Triều Tiên và Mỹ đang có dấu hiệu quay trở lại.

Một cuộc gặp giữa các nhà ngoại giao hai bên tại Stockholm đã thất bại.

Bình Nhưỡng tiếp tục thử nghiệm một số tên lửa đạn đạo tầm ngắn, hé lộ tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm và đang trên đà trở thành "quốc gia thử nghiệm tên lửa thành công nhiều nhất hàng năm" - theo số liệu của Statista.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng ông Kim sẽ không bước qua "lằn ranh đỏ" đối với hoạt động thử vũ khí.

"Nếu làm như vậy, Triều Tiên sẽ hứng chịu thêm nhiều cấm vận và khiến Trung Quốc không hài lòng. Xét trên những cải thiện về ngoại giao đối với Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình, thì những cuộc thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa ICBM có thể sẽ gây nguy hại nghiêm trọng đối với mối quan hệ Triều Tiên - Trung Quốc," ông Sommerville nói.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại