Vào ngày 14/10 (giờ địa phương), Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã kết thúc chuyến thăm Nam Á và trở về Bắc Kinh. Trong khi truyền thông thế giới vẫn đang phân tích về chuyến thăm Ấn Độ và Nepal của ông thì một số nhà quan sát phát hiện có một đội ngũ đặc biệt đã tháp tùng Chủ tịch Trung Quốc lần này.
Đó là phái đoàn Trung Quốc đầu tiên bay đến Chennai, Ấn Độ, họ mang theo những chiếc xe do Trung Quốc sản xuất, loạt phương tiện này đã tham gia vào đoàn đón tiếp Chủ tịch Tập Cận Bình ngày 10/10. Được biết, dòng xe này là Hồng Kỳ N501, do Trung Quốc bắt đầu tự sản xuất vào năm 2018.
Đến ngày 12/10, nhà lãnh đạo Trung Quốc lại ngồi Hồng Kỳ N501 ra sân bay, tiếp tục hành trình thăm Kathmandu và trở về Bắc Kinh vào ngày 14/10.
Thực tế, đây không phải lần đầu tiên Hồng Kỳ N501 theo chân Chủ tịch Tập Cận Bình nhưng điều này cho thấy, Hồng Kỳ N501 là đại diện tiêu biểu nhất cho ngành công nghiệp chế tạo ô tô Trung Quốc, cũng là một chi tiết quan trọng chứng tỏ thái độ của Bắc Kinh đối với ngành công nghiệp ô tô trong nước.
Hồng Kỳ N501 xuất hiện trong chuyến thăm Trung Á mới đây của ông Tập Cận Bình. Ảnh: AP
Bắc Kinh không cần dựa vào phương tiện của chủ nhà
Trên thế giới, lãnh đạo các cường quốc đều sử dụng xe nội địa, chẳng hạn như Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Donald Trump thể hiện rất rõ việc tôn vinh "sản xuất địa phương", "tự chuẩn bị chuyên xa".
Siêu xe của Tổng thống Putin được gọi là Aurus, do doanh nghiệp nội địa Nga sản xuất, nặng 6 tấn và dài 6,6 mét. Nó đã thay thế dòng Mercedes-Benz S mà ông đã sử dụng trước đó. Chiếc xe này đã ra mắt tại lễ nhậm chức của Tổng thống Putin hồi tháng 5/2018, được phát triển bởi Viện Nghiên cứu Động cơ Ôtô và Khoa học Ôtô Trung ương Nga (NAMI), cũng có nghĩa là lần đầu tiên kể từ khi Liên Xô sụp đổ, nước Nga có xe chuyên dụng nội địa cho Tổng thống.
Tổng thống Trump cũng có siêu xe riêng, được gọi là Cadillac One, biệt danh The Beast (Quái thú). Được biết, siêu xe Quái thú trị giá 1,5 triệu USD Mỹ, nặng hơn 7 tấn. Toàn bộ thân xe được làm bằng thép cường độ cao, hợp kim nhôm, hợp kim titan và gốm sứ. Hiệu quả bảo vệ của nó thậm chí được đánh giá ngang xe bọc thép.
Ngược lại, tới năm 2017, Trung Quốc vẫn tuân thủ truyền thống "tùy theo sự sắp xếp của chủ nhà" nhưng đến năm 2018, Trung Quốc đã dần thay đổi truyền thống này.
Theo cựu Vụ trưởng Vụ Lễ tân Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lỗ Bôi Tân, Trung Quốc luôn đi theo nguyên tắc "tùy theo sự sắp xếp của chủ nhà" nhưng kể từ năm 2013, cục diện này đã thay đổi.
Song song với kiến nghị yếu nhân Trung Quốc lựa chọn xe hơi nội địa vào tháng 12/2012 của Chủ tịch Tập Cận Bình, đến năm 2013, thế giới liền phát hiện, chuyên xa Hồng Kỳ thường xuất hiện trong các sự kiện lớn của Trung Quốc đã dần quay trở lại lĩnh vực ngoại giao.
Mẫu xe cổ điển nhất của Hồng Kỳ là CA770. Mặc dù loại xe này chưa thực sự phát triển về công nghệ nhưng nó có vị thế cao ở Trung Quốc. Ảnh: Tân Hoa Xã
Điều này được coi là hình thức quảng cáo trực tiếp nhất đối với hy vọng "tự chủ thương hiệu phát triển bản đồ quốc tế hóa" của ngành công nghiệp ô tô Trung Quốc.
Bằng cách này, hai mẫu xe Hồng Kỳ L5 và L9 mà Tập đoàn ô tô Đệ nhất FAW Trung Quốc triển lãm trong năm đó có nhiều không gian quảng bá. Vào ngày 25/4/2013, Bắc Kinh đã nhân lễ tiếp đón Tổng thống Pháp khi đó là ông Francois Hollande, làm "lễ ra mắt" Hồng Kỳ L9.
Đến năm 2014, tại hội nghị thượng đỉnh APEC ở Bắc Kinh, Hồng Kỳ L5 vừa mới được tung ra thị trường đã trở thành dòng xe chuyên dụng chính thức phục vụ hội nghị. Đến năm 2015, Belarus cũng đã sử dụng chiếc Hồng Kỳ L5 làm phương tiện chuyên dụng phục vụ trong lễ duyệt binh. Đây là lần hiếm hoi khi dòng xe sang trọng của Trung Quốc xuất khẩu ra nước ngoài.
Xe mới của ông Tập Cận Bình có nghĩa là gì?
Vào ngày 21/7/2018, khi ông Tập Cận Bình tiến hành thăm cấp nhà nước Senegal, chiếc xe Hồng Kỳ treo cờ đỏ năm sao của Trung Quốc đã xuất hiện trong bản tin thời sự Xinlian wenbo của Đài truyền hình trung ương Trung Quốc CCTV, khiến ngành công nghiệp ô tô bất ngờ.
Đối với ngành công nghiệp ô tô, những chiếc xe mới được phái đoàn Trung Quốc lựa chọn rất đặc biệt. Chúng không phải là Hồng Kỳ L9 được sử dụng trong nhiều năm trước mà là mẫu xe mới do Tập đoàn FAW bắt đầu phát triển kể từ năm 2016. Chúng là siêu phẩm Hồng Kỳ N501 thuộc dự án thương mại mô hình mới của Trung Quốc.
Đối với ngành công nghiệp ô tô Trung Quốc, ý nghĩa của Hồng Kỳ không bằng trước đây nhưng Bắc Kinh vẫn hy vọng đưa nó trở thành biểu tượng công nghệ cao nhất trong ngành công nghiệp ô tô. Ảnh: Hillywood
N501 có ngoại hình tương tự Hồng Kỳ truyền thống hiệu CA770 - từng được các lãnh đạo thời kỳ đầu Trung Quốc như Mao Trạch Đông, Chu Ân Lai sử dụng nhưng động cơ không hề thua kém Mercedes-Benz S-Class. Do đó, nhiều nhà phân tích tin rằng, ý đồ của Bắc Kinh trong các hoạt động ngoại giao có thể vượt xa sự tưởng tượng của nhiều người.
Với kế hoạch về doanh thu Hồng Kỳ của Tập đoàn FAW "vào năm 2020 doanh số bán hàng đạt 100.000 xe; vào năm 2025, bán được 200.000 xe; đến năm 2035, bán 500.000 chiếc xe," thì màn quảng cáo của Chủ tịch Trung Quốc mang giá trị rất lớn.
Một bước quan trọng trong ngành công nghiệp ô tô của Trung Quốc
Một cách nhanh chóng, thế giới dần thấy Hồng Kỳ N501 trong các hoạt động đối ngoại của Bắc Kinh.
Bắt đầu từ Hội nghị G20 ở Argentina hồi tháng 11/2018, đến các chuyến thăm châu Âu, Á của Chủ tịch Tập Cận Bình vào năm 2019, đều có sự hiện diện của mẫu xe này.
Tuy nhiên, dù dòng xe Hồng Kỳ được coi là sản phẩm cao cấp "Made in China" nhưng lịch sử của nó vẫn có thể được coi là lịch sử mô phỏng.
Theo tài liệu công khai, thế hệ Hồng Kỳ đầu tiên được phát triển trên cơ sở của mẫu Chrysler Imperial của Mỹ và ZiL-111 của Liên Xô; thế hệ Danh sĩ thứ hai dựa cải tiến từ Audi 100, thế hệ Thịnh Thế thứ ba dựa trên các chi tiết kỹ thuật của Toyota, thế hệ Hồng Kỳ HQE thứ tư mang bóng dáng của Rolls-Royce Phantom. Nhưng khi nói đến thế hệ mới nhất N501, ngoại hình của nó có ý nghĩa về quyền sở hữu trí tuệ độc lập hơn.
Một số nhà phân tích cho rằng, dòng chuyên xe Hồng Kỳ L5 được dùng trong hoạt động đối ngoại trước đây dần tiếp cận thị trường tiêu dùng hơn. Với nền tảng nghiên cứu từ L5, ý đồ đưa Hồng Kỳ N501 trở thành thương hiệu cao cấp Trung Quốc dần dần xuất hiện, điều này sẽ chứng tỏ sự phát triển nhảy vọt của ngành công nghệ ô tô Trung Quốc.