Ngồi trên xe bus muốn "táng" xe máy

Hoàng Xuân |

Nhiều lần ngồi trên xe bus, hay xe hơi, đi trong nội thành Sài Gòn, tôi chỉ muốn nhảy xuống nói chuyện phải trái với mấy bác chạy xe máy ẩu.

Bạn nghĩ coi, chiếc xe bus to và dài đến vậy, đang rà từ từ qua một khúc đường nhiều lô cốt, bỗng nhiên nghe tiếng đập ình ình phía sau.

Té ra là một "anh hùng" xe máy cố chạy theo bên hông xe bus để tranh thủ khoảng trống nhưng đến khúc cổ chai thì bị xe ép sát vào bức tường tôn của lô cốt.

Anh (chị) ấy tí nữa thì bẹp ra như cái bánh tráng nên hoảng quá đấm vô thành xe báo động.

Chuyện không phải một lần!

Có hôm chiếc xe bus đang xuống chiếc cầu, bỗng đâu hai chị phóng cái vút tạt từ phải qua trái ngay trước mũi để rẽ vào con đường tiếp theo.

Tài xế hết hồn thắng cái két, chửi nhoi. Hành khách đang lơ mơ ngủ bật dậy nhốn nháo. Còn tôi chỉ muốn đạp cửa lao xuống "nói chuyện" với họ, mà người ngồi sau đang còn bồng trên tay một đứa bé quấn trong khăn bông.

Thật đúng là hết nói nổi!

Ngồi trên xe bus muốn táng xe máy - Ảnh 1.

Nhiều khi ngồi trên xe bus mà chỉ muốn nhảy xuống nói chuyện phải trái với mấy tên đi xe máy ẩu. (Ảnh minh họa)

Suốt đoạn đường dài, tôi và bạn tôi nhìn thấy hai chị ấy len lách vượt ngược rất nhiều lần cực kỳ nguy hiểm, chỉ để đứng được hàng đầu trong hàng người đang chờ đèn giao thông mà rẽ.

Đèn giao thông ở một đô thị đông đúc như Sài Gòn thì đổi màu liên tiếp, gần như tôi chưa bao giờ phải chờ quá ba phút để rẽ trái.

Ngay cả những khi ra ngoại thành đúng giờ cao điểm chiều, khi ùn ùn công nhân các khu công nghiệp tan ca mà đứng tuốt phía sau, chờ hai nhịp đèn xanh, cũng chưa bao giờ quá năm phút.

Ba đến năm phút. Thế nhưng, hai chị ấy vẫn cuống cuồng đến mức không chờ nổi chừng đó thời gian. 

Bất kể đằng sau có đứa bé chỉ bồng trên tay, thậm chí còn không được mang đai đeo để quấn vào người. Chỉ một va chạm nhỏ, đứa bé sẽ văng ngay ra giữa lòng đường chật kín xe cộ.

Không phải cháu bé đang bị bệnh và người nhà đưa đi cấp cứu. Quan sát nét mặt thì biết, họ chỉ đơn giản là quen lượn lách và không thích chờ đợi.

Ngồi trên xe bus muốn táng xe máy - Ảnh 2.

Phát sợ những xe máy lạng lách, đánh võng trên đường. (Ảnh minh họa)

Bạn có hay đi xe bus không? Bạn nên đi một vài lần, chọn những chuyến dài dài, ngồi gần đầu xe để chứng kiến dân ta chạy xe máy liều lĩnh, bất chấp như thế nào.

Và bạn sẽ chẳng cảm thấy chút khó chịu nào nữa khi anh tài xế xe bus vừa vặn lái vừa chửi thề ỏm tỏi, vì chính bạn (để giữ phép lịch sự) cũng đang sôi sục chửi thầm trong bụng.

Ngồi trên xe con, bạn cũng có cùng cảm xúc. Bạn đang qua ngã tư bị ách tắc và vô số chiếc xe máy cứ liên tiếp chen qua cái khoảng cách vài gang tay giữa xe bạn và đuôi xe trước để qua đường khiến bạn không thể vượt lên.

Bạn đành ngồi đó như hình hài pho tượng, kể cả khi đèn xanh bật lên. Và khi đèn đỏ bật lên tiếp, bạn (và những chiếc xe khác) lại vẫn đang chình ình giữa ngã tư, tiếp tục gây ra ách tắc, và chịu đựng những cú lườm nguýt mới.

Giá ai cũng đi đúng làn đường của mình thì dòng xe chỉ bị chậm chứ không ách tắc, và ai cũng về được đến nhà.

Nhưng không! 

Bạn phải nhao qua làn đường ngược chiều để bất chấp cả sinh mạng, giành giật từng phân đường cho vài giây vọt lên rực rỡ.

Và nhờ ơn các bạn, các giao lộ vì vậy mà biến thành một cuộn bòng bong. Hàng ngàn chiếc xe trên mọi làn đường xà quần quấn rối vào nhau, ai cũng nóng ruột, ai cũng chửi thề, ai cũng tắc cứng.

Và có những người vĩnh viễn không về được tới nhà…

Ấy thế nhưng khi chiếc xe bus to lớn không thể dừng phắt lại tức thì để tránh chiếc xe máy đang nhào ngang qua mũi, một vụ va quẹt xảy ra thì anh tài xế xe bus sẽ bị dư luận ào lên chửi rủa như đúng rồi: A, những "hung thần xe bus"! 

Vô số em học sinh, bà cụ già "buôn gánh bán bưng" sẽ nhịn bữa sáng để mang tiền đi cho những "nạn nhân đáng thương của vụ tai nạn".

Rồi trong những giờ cao điểm, thế nào bạn cũng thấy vô số tay lái lụa phi lên vỉa hè để cố cướp thêm vài giây.

Gạch lót vỉa hè và đầu đường nát bấy vì xe máy liên tiếp trằn qua. Có nhiều người còn ngang ngược đến mức vừa phóng trên vỉa hè vừa bóp còi ầm ĩ để bắt người đi bộ tránh đường.

Vào giờ cao điểm, sẽ chẳng bao giờ có bức tranh nào thơ mộng như từng thấy ở nhiều đô thị trước kia: đôi trai gái sóng bước trên vỉa hè, lá me bay bay nhè nhẹ xuống mái tóc thề và tà áo dài tha thướt.

Hay ông ngoại/bà ngoại tóc bạc phơ nắm tay đứa cháu bé lũn cũn đi học về, bà cười, cháu cười, rạng ngời cả phố xá...

Không, bây giờ đi bộ trên vỉa hè là không an toàn. Nhẹ nhất là cái ống pô nóng có thể tặng bạn một vết bỏng đỏ chói bất cứ lúc nào.

Nhưng, lỗi là ở tụi hung thần xe bus, lỗi tại chính quyền không chịu làm lòng đường rộng gấp năm gấp mười để chứa trọn lượng xe máy khổng lổ trong giờ cao điểm.

Lỗi tại xui xẻo, tháng này sao quả tạ chiếu, tháng này tháng cô hồn... Lỗi tại thằng sếp bắt ở lại làm thêm đói bụng quá.

Lỗi tại ông trời sắp mưa phải chạy về thật lẹ. Lỗi tại trời nắng quá cần phi nhanh để chui vào chỗ mát.

Lỗi tại thành phố đông người ghê gớm. Lỗi tại tất cả công sở tan cùng một giờ, con cái đang chờ sốt ruột ở trường... Lỗi tại cả thế giới, nhưng không có lỗi nào của ta.

À vâng, ừ, phải, đúng, có lý, chính xác, cứ cho là vậy...

Nhưng bạn cũng nên nhớ rằng, khi cả thế giới có lỗi nhưng chỉ mình bạn bị tai nạn, thì chỉ mỗi một mình bạn  sứt càng gãy cọng, tiền của xỏ giày thể thao ra đi, từ giã con thơ, mẹ già, cô người yêu sắp cưới, cái vé số trúng độc đắc, hợp đồng bạc tỉ vừa ký, hay chiếc ghế giám đốc sáng mai trao quyết định...

Chỉ mình bạn mà thôi. Đừng bất bình thế giới!

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại