Loài người trong thế kỷ 21, đó là một thế kỷ của công nghệ.
Thời đại 4.0, smartphone xuất hiện khắp mọi nơi. Rồi AI, nanotech, biotech... ai ai cũng hướng đến công nghệ mới, đồng thời hiểu được rằng phải tập trung hơn vào những công nghệ tận dụng được năng lượng tái tạo được như gió, Mặt trời và nguyên tử.
Nhưng bản thân sự phát triển đầy thăng hoa này lại đang tồn tại một mặt tối đáng sợ ít người biết đến mà chưa có phương án giải quyết.
Ví dụ rõ nhất, hãy đến với câu chuyện sau đây về ngôi làng của Trung Quốc để hiểu hơn về mặt trái của sự phát triển trong xã hội loài người.
Ngôi làng ung thư mọc lên từ "đất hiếm"
Một buổi chiều tháng 7, dân làng chân đi dép xỏ ngón, đầu đội mũ rơm, trên tay cầm những tấm bảng trắng với dòng biểu ngữ viết tay, đại loại có nghĩa: "Trả đất lại cho tôi."
Đó là những người dân đến từ ngôi làng của trấn Ngọc Lâm, tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc).
Họ đứng trước mảnh đất của một doanh nghiệp được chính phủ bảo hộ, tay giơ cao biểu ngữ, trong khi các công nhân đang đổ hàng thùng acid xuống các hố đất lớn để khai thác một trong những tài nguyên cực kỳ quan trọng của quốc gia này.
Đó là đất hiếm!
Công nhân làm việc tại mỏ khai thác đất hiếm.
Đất hiếm là một nhóm tài nguyên gồm 17 nguyên tố, đôi khi xuất hiện trong những quặng có chứa uranium (phóng xạ).
Đây là một thành phần tối quan trọng để sản xuất các sản phẩm công nghệ cao, từ smartphone, turbine điện gió, xe điện, pin Mặt trời... cho đến các thiết bị quân sự như hệ thống phóng tên lửa.
Gọi là "hiếm", nhưng đất hiếm thực ra cũng không hề khó tìm. Lý do nó hiếm chỉ là vì công đoạn chiết tách và sản xuất nó cực kỳ tốn kém và độc hại.
Trong 2 thập kỷ qua, gần như chỉ có người Trung Quốc là dấn thân vào ngành công nghiệp này, qua đó chiếm lĩnh thị trường cung cấp đất hiếm trên phạm vi toàn cầu.
Vấn đề là việc đầu tư khai thác ấy lại không đi kèm công tác bảo hộ môi trường tương xứng.
Khi luật pháp làm ngơ trước những tác hại đến môi trường và con người, các doanh nghiệp đã giúp ngành công nghiệp đất hiếm của Trung Quốc bành trướng cực nhanh, mang lại những nguồn lợi khổng lồ, trong khi chi phí sản xuất thì cực rẻ.
Đất hiếm có rất nhiều ứng dụng quan trọng đối với công nghệ hiện nay.
Và hệ quả khủng khiếp thì không khó để nhận ra. Tại các khu vực giàu đất hiếm tại Trung Quốc, nguồn nước và đất đai bị đầu độc nghiêm trọng, trong khi dân chúng không còn nơi nào để đi.
Cây trồng và vật nuôi chết như rạ xung quanh những hồ nước bị nhuộm đen vì bùn thải phóng xạ, như khu Bao Đầu phía nội Mông Cổ. Khu ô nhiễm ấy lớn đến mức có thể quan sát được từ vệ tinh vũ trụ.
Rồi thì, những "ngôi làng ung thư" cũng mọc lên. Người dân chịu ảnh hưởng nghiêm trọng khi nguồn nước bị ô nhiễm, và hình thành những chứng bệnh lạ không thuốc chữa.
Kẽ hở từ luật pháp
Chính phủ Trung Quốc cho biết họ đang tích cực dẹp bỏ những khu mỏ bất hợp pháp và gom tất cả vào hoạt động của 6 công ty khai thác được nhà nước bảo hộ.
Nhưng tại Quảng Tây, người dân liên tục tuần hành phản đối, bởi bản thân cách hoạt động của các công ty này thậm chí còn tệ hơn. Họ sẵn sàng đầu độc đất đai lẫn không khí dưới sự bảo hộ của chính quyền.
Theo LA Times, năm 2008 một công ty có tên Chinalco Guangxi Yulin Rare Earth Development Co. Ltd (tạm dịch: Công ty trách nhiệm hữu hạn phát triển đất hiếm Chinalco Guangxi Yulin) đã bắt đầu khai thác đất xung quanh công trường xây đường cao tốc gần Chung Sơn (Quảng Tây).
Công ty này cho biết họ đang tận dụng công trường để tái chế tài nguyên đất. "Thế nhưng ngay cả khi đường cao tốc đã hoàn thành, họ vẫn tiếp tục sản xuất đất hiếm," - Qin Yongpei, một cựu luật sư tại Nam Ninh cho biết.
Một khu vực khai thác đất hiếm.
Ít lâu sau, người dân xung quanh bắt đầu nhận ra nguồn nước có mùi lưu huỳnh, khi nước thải từ công ty tràn xuống đồng ruộng và làng mạc.
Năm 2015, dân làng tổ chức tuần hành với những tấm biểu ngữ thể hiện sự phản đối. Nhưng 15 người dân Chung Sơn đã bị bắt vào năm đó. 2 năm tiếp theo, 10 người nữa bị bắt giữ, cũng với tội danh "Kích động tranh cãi và gây rối."
Tại Ngọc Lâm, hơn 10 người biểu tình đã bị bắt giữ vào tháng 5/2018, khi dân làng tìm cách ngăn chặn một công ty khai thác đất hiếm trong khu vực. Theo nhiều tư liệu thu thập, có vẻ đó chính là Chinalco.
"Các người lấy quyền ở đâu? Ai là người cho phép các người đến và khai thác ở đây?" - một dân làng phẫn nộ.
"Các người chưa hỏi ý kiến dân làng, tự tiện đến đây đào bới, phá hủy quê hương và chính bản thân chúng tôi nữa. Ai cho các người cái quyền đó?"
Sự đánh đổi cần giải pháp của "công nghệ sạch"
Theo Qin, việc xóa bỏ hoặc cải tổ ngành sản xuất đất hiếm là rất khó. Đây là một nguồn tài nguyên cực kỳ quan trọng của Trung Quốc, khiến ngay cả chính quyền địa phương cũng không dám tùy tiện xử lý.
Hiện tại, đất hiếm xuất phát từ Trung Quốc chiếm đến 71% sản lượng trên toàn cầu tính riêng trong năm 2018. Trong giai đoạn 2014 - 2017, 80% đất hiếm tại Mỹ cũng được nhập khẩu từ Trung Quốc (báo cáo từ Cục khảo sát địa chất Hoa Kỳ).
Và các chuyên gia tin rằng đất hiếm từ các mỏ bất hợp pháp thậm chí còn nhiều hơn, được bán thông qua thị trường chợ đen.
Ở Mỹ hiện chỉ có một mỏ khai thác đất hiếm tại hạt San Bernardino, nhưng doanh nghiệp đứng sau đã phá sản từ năm 2016. Năm 2018, mỏ tiếp tục hoạt động, nhưng toàn bộ mỏ quặng đều được xuất sang Trung Quốc để xử lý.
Giả dụ Trung Quốc ngưng sản xuất đất hiếm, hoặc bằng cách nào đó không còn xuất khẩu nữa, thế giới sẽ rơi vào cuộc khủng hoảng nghiêm trọng.
Nguồn cung dành cho công nghệ sẽ không còn, đặc biệt là với các quốc gia đang chuyển dịch sang sử dụng công nghệ và nhiên liệu "sạch".
Theo các chuyên gia phân tích, lợi thế lớn nhất về đất hiếm mà người Trung Quốc sở hữu không phải là các khoản đầu tư từ chính phủ, mà ở việc họ không cần phải xử lý để hạn chế tác hại về mặt con người.
Mọi biện pháp đều cần tiền để thực hiện, mà khi không cần làm nữa thì đương nhiên chi phí sẽ giảm đi cực kỳ nhiều.
Theo Eric Liu, một nhà hoạt động môi trường thuộc chiến dịch Green Peace tại Bắc Kinh, hóa chất trong rác thải từ khai thác đất hiếm có khả năng bào mòn xương và răng.
"Khi khai thác cùng các quặng kim loại khác, quá trình này sẽ đẩy dư chất phóng xạ vào nguồn nước, và từ đó ngấm vào cơ thể người dân," - Liu cho biết.
"Bất kỳ đâu có nước - dù là nước hồ hay nước ngầm, những dư chất độc hại từ mỏ sẽ ngấm xuống, lan ra các khu vực xung quanh. Đó là chưa kể họ còn đổ acid trực tiếp xuống đất nữa."
Ma Jun - giám đốc Viện công vụ và môi trường thì tiết lộ một sự thật đáng buồn. Dù có độc hại đến mức nào, những cư dân xung quanh sẽ chẳng có lựa chọn nào khác ngoài việc "sống chung với lũ".
"Dân làng đào một chiếc giếng để lấy nước, và họ sẽ tiếp tục đào cho đến khi không thể nữa. Cuộc sống của họ phụ thuộc vào nước giếng. Và khi giếng bị đầu độc, họ cũng nhiễm bệnh."- Ma cho biết.
Chính phủ Trung Quốc ước tính sẽ phải mất khoảng 5,5 tỉ USD để dọn dẹp những tác hại đến môi trường sau hàng năm trời khai thác đất hiếm tại riêng tại tỉnh Giang Tây.
Theo ý kiến các nhà môi trường học, đất hiếm cũng nên được xem là một tài nguyên gây xung đột - giống như "kim cương máu" tại châu Phi khi nhu cầu đang ngày càng tăng lên.
"Apple hay bất kỳ công ty nào đang có nhu cầu sử dụng đất hiếm cần phải xem trọng vấn đề này.
Đó không đơn giản chỉ là vấn đề nguồn cung, mà là danh tiếng của họ," - Liu Hongqiao, nhà nghiên cứu từng công bố các báo cáo về ô nhiễm đất hiếm nhận xét.
Nhu cầu dành cho đất hiếm, cùng với việc chi phí đầu tư dành cho môi trường khi khai thác khá cao đã khiến thị trường chợ đen của Trung Quốc hoạt động thêm nhộn nhịp.
Đây là nhận xét của Eugene Gholz - giáo sư khoa học chính trị từ ĐH Notre Dame (Mỹ).
Tại ngôi làng trong trấn Ngọc Lâm, người dân đã đồng loạt ngưng đưa con trẻ đến trường, như một cách để gây áp lực cho chính quyền về vấn đề khai thác đất hiếm.
"Bố mẹ bảo chúng ta còn chẳng có đất và nước sạch để dùng. Vậy thì đến trường để làm gì?" - lũ trẻ kể lại.
"Giàu sang và quyền lực bằng mọi giá? Các người đang hủy hoại cuộc sống của dân làng đấy," - một người dân cho biết.