Vào một ngày lạnh giá trước thềm tết nguyên đán 2024, 66 hộ dân sống tại thôn Hòa Bình, huyện Ninh Nhĩ, thành phố Phổ Nhĩ, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) hồ hởi gọi nhau tới nhà văn hóa thôn từ sáng sớm.
Bất chấp cái rét cắt da cắt thịt của gió mùa, trên gương mặt của người dân là những nụ cười rạng ngời. Ai ai cũng háo hức mong chờ "món quà" đặc biệt mà người dân gọi vui là khoản "tiền thưởng cuối năm".
Cụ thể hơn, đây là khoản tiền mà 66 hộ dân thu được từ việc "bán không khí" của rừng cây mà chính gia đình sở hữu.
Cho đến tận lúc ký tên nhận tiền tươi thóc thật, nhiều người dân vẫn cảm thấy bỡ ngỡ trước sự kiện này.
"Trước đây gia đình tôi vẫn cho rằng chỉ có thể kiếm tiền từ việc chặt cây, chẳng thể ngờ bây giờ lại có thể kiếm tiền nhờ không chặt cây xanh nữa", chị DiaoJuHuan, một người dân của thôn Hòa Bình, huyện Ninh Nhĩ không giấu được sự bất ngờ trước khoản tiền lãi thu được.
Cùng chung vui với gia đình chị Diao, 65 hộ dân khác cũng có những cảm xúc tương tự.
"Không thể ngờ, không khí cũng có thể bán lấy tiền!" là câu nói cửa miệng của người dân thôn Hòa Bình vào ngày đặc biệt này.
Theo thống kê, tổng số tiền mà 66 hộ dân thu được là hơn 6 vạn tệ (tương đương hơn 200 triệu đồng). Khoản tiền này thực chất đến từ việc "bán tín chỉ carbon".
Đây là thuật ngữ "mới", được xây dựng và thiết lập với mục đích làm giảm lượng khí thải carbon trên toàn cầu.
Đơn giản mà nói, những người sở hữu rừng cây rộng lớn, đạt tiêu chuẩn có khả năng hấp thụ khí CO2, góp phần làm giảm khí thải nhà kính và sự nóng lên của toàn cầu, sẽ đóng vai người bán tín chỉ carbon.
Còn các xí nghiệp, nhà máy, công ty trong quá trình sản xuất, kinh doanh phát thải CO2 hoặc gây phát thải các loại khí nhà kính khác vượt mức quy định hiện hành sẽ "đóng vai" bên đi mua tín chỉ carbon.
Khoản tiền mua - bán này sẽ được chính quyền minh bạch, hàng năm những khu rừng hợp lệ sẽ được chi trả 1 khoản tiền tương xứng. Và khu vực huyện Ninh Nhĩ với nhiều rừng cây rộng lớn đã được chính quyền và người dân cùng chung tay xây dựng thành "bể chứa carbon" đạt tiêu chuẩn.
Thành quả này có được phải nhìn lại hành trình hơn 6 năm cùng xây dựng và nỗ lực của người dân và chính quyền. Bắt đầu từ ngày 1/1/2017, hơn 210 hộ dân tại huyện Ninh Nhĩ đăng ký tham gia chương trình xây dựng bể chứa carbon với tổng diện tích hơn 21.8887 mẫu rừng thương mại. Sau 6 năm tham gia dự án, người dân tuân thủ quy trình chăm sóc và khai thác rừng hợp lý để đảm bảo rừng cây đạt tiêu chuẩn. Cùng lúc đó, chính quyền cũng xây dựng các trạm thống kê và thiết lập hệ thống đo lường carbon tại đây. Đây cũng là dự án thí điểm "bể chứa carbon lâm nghiệp" đầu tiên của tỉnh Vân Nam với tên gọi "Carbon xanh Ninh Bảo".
Theo thống kê, cho tới ngày 30/9/2023, dự án "Carbon xanh Ninh Bảo" đã giúp xử lý tổng cộng 50.512 tấn carbon và thu về khoản tiền đầu tiên cho 66 hộ dân trong danh sách đợt 1 là hơn 60.000 NDT (khoảng hơn 200 triệu đồng). Trong đó, hộ dân nhận ít nhất là vài trăm nghìn, nhiều nhất là hàng chục triệu đồng tiền "bán không khí" tùy thuộc vào diện tích rừng cây đạt tiêu chuẩn mà gia đình sở hữu.
Nhiều người dân bày tỏ sự vui mừng khi tham gia dự án, dù số tiền chưa phải là nhiều. Bởi đây thực sự là khoản "lãi kép", người dân tham gia vẫn có khoản tiền thu từ các sản phẩm cây gỗ (được khai thác có kế hoạch) lại có thêm khoản lãi từ việc "bán không khí"; nhưng "lãi" nhất chính là họ đã chuyển đổi từ tận diệt tàn phá rừng sang gây dựng rừng, phục hồi hệ sinh thái.
"Trước đây khai thác rừng cây tự do, giờ gia đình tôi sẽ bảo vệ và trồng rừng theo kiểu ‘mới’. Mong rằng dự án sẽ tiếp tục mở rộng hơn để người dân có thêm khoản ‘tiền thưởng cuối năm’ như này", chị Diao vui vẻ chia sẻ với phóng viên.
Dự án "bể chứa carbon" tại huyện Ninh Nhĩ bước đầu gặt hái những thành công rực rỡ, trước những thành quả tốt đẹp mà dự án mang lại, người dân nơi đây dần nâng cao nhận thức bảo vệ rừng hơn bao giờ hết. Với hướng đi "rừng càng xanh, dân càng giàu", chính quyền địa phương và người dân đồng lòng xây dựng dự án và cùng kỳ vọng vào những thành tựu lớn hơn trong tương lai.
Dự án xây dựng các "bể chứa carbon" để bán không khí không phải hiếm gặp tại Trung Quốc. Trước đây, người dân tại huyện An Cát, tỉnh Chiết Giang (Trung Quốc) cũng từng thu về khoản tiền hơn 1000 tỷ đồng từ việc bán tín chỉ carbon của 840.000 mẫu rừng tre trên địa bàn.
Người dân huyện An Cát hào hứng nhận khoản tiền từ việc "bán không khí"
Tín chỉ carbon (carbon credit) là thuật ngữ thể hiện một trong những biện pháp chủ chốt nhất được thiết lập với mục đích làm giảm lượng khí thải carbon trên toàn cầu.
Tín chỉ carbon có thể coi là một loại "giấy phép", cho phép chủ sở hữu nó được quyền phát thải khí carbon dioxide (CO2), hoặc các loại khí thải nhà kính khác được quy đổi tương đương ra CO2, với số lượng phát thải bằng đúng số lượng tín chỉ mà họ sở hữu.
1 tín chỉ carbon = 1 tấn CO2 được phép phát thải ra môi trường.
Ví dụ, nhà máy A chỉ được phép xả thải 10 tấn CO2 một năm, nhưng thực tế sản xuất kinh doanh của họ lại cần xả thải 15 tấn CO2, thì nhà máy A phải mua thêm 5 tín chỉ carbon nữa, mới đáp ứng đúng quy định của nhà nước sở tại về bảo vệ môi trường.