Ngôi làng "nằm dưới đáy giếng" được mệnh danh như vùng đất thần tiên: Từng biệt lập với bên ngoài hàng trăm năm, nay trở mình thành điểm du lịch hút khách

Thùy Linh |

Ở vùng núi xa xôi tại Trung Quốc có một ngôi làng được mệnh danh là “vùng đất thần tiên”. Làng như một đáy giếng khổng lồ, bao quanh là núi non hùng vĩ, nước nôi trong vắt.

Ngôi làng kỳ lạ "nằm dưới đáy giếng"

Dân làng ở đây đã sống qua nhiều thế hệ. Khi được hỏi tại sao họ không ra ngoài để ngắm nhìn thế giới bên ngoài, câu trả lời của dân làng luôn là: Ở đây không có gì so sánh được!

Ngôi làng ít được biết đến gần dãy núi Taihang (Thái Hành) ở Trung Quốc. Nơi đây còn được gọi là ''Làng dưới đáy giếng" do địa hình đặc biệt, được bao bọc bởi rất nhiều dãy núi cao và sông rộng.

Ngôi làng nằm dưới đáy giếng được mệnh danh như vùng đất thần tiên: Từng biệt lập với bên ngoài hàng trăm năm, nay trở mình thành điểm du lịch hút khách  - Ảnh 1.

Phong cảnh của làng nhìn từ trên cao. Ảnh: Sohu

Theo lời kể của những người dân địa phương, họ đã sống ở nơi này hàng trăm năm. Nếu đứng từ bên trong làng nhìn lên bầu trời, bạn sẽ thấy mình đang "ngồi dưới đáy giếng" theo đúng nghĩa đen. Người dân chỉ có thể nhìn thấy được một khoảng trời trong giới hạn diện tích.

Người dân địa phương cũng đặt tên cho ngôi làng là Jingdi (Cảnh Đế). Do đi lại không thuận tiện nên người trong làng căn bản không ra ngoài, theo thời gian, họ dần mất liên lạc với thế giới bên ngoài.

Phong cách kiến ​​trúc của các ngôi nhà trong làng cũng rất khác so với bên ngoài. Do cấu trúc địa hình đặc biệt nên hầu hết các ngôi nhà đều được xây dựng trên núi với vật liệu được lấy từ đá địa phương, có màu đỏ sẫm, dễ kiếm, lại rẻ nên trở thành vật liệu xây dựng tốt nhất cho làng.

Ngôi làng nằm dưới đáy giếng được mệnh danh như vùng đất thần tiên: Từng biệt lập với bên ngoài hàng trăm năm, nay trở mình thành điểm du lịch hút khách  - Ảnh 3.

Một ngôi nhà ở làng Cảnh Đế. Ảnh: Sohu

Trước đây, dân làng thỉnh thoảng sẽ ra ngoài mua đồ nhưng do phải đi qua những đoạn đường núi hiểm trở đã bị hư hỏng nặng nề nên tần suất dần dần ít đi. Cuối cùng, không còn người nào muốn mạo hiểm đi nữa.

Giao thông đi lại không thuận tiện đã biến ngôi làng trở nên nghèo nàn, lạc hậu nhưng cũng vì vậy mà nơi đây còn lưu giữ được nhiều nét phong tục tập quán dân gian cổ xưa của địa phương. Môi trường địa lý đặc biệt của ngôi làng đã giúp nó tránh xa khỏi sự tàn phá của chiến tranh trong quá khứ.

Trước thế kỷ 20, không ai biết đến làng Cảnh Đế và dân làng ở đây cũng không ra bên ngoài. Mãi đến năm 1997, người ta mới tình cờ phát hiện ngôi làng này.

Ngôi làng nằm dưới đáy giếng được mệnh danh như vùng đất thần tiên: Từng biệt lập với bên ngoài hàng trăm năm, nay trở mình thành điểm du lịch hút khách  - Ảnh 5.

Đường núi hiểm trở của ngôi làng. Ảnh: Sohu

Sự phát triển theo thời gian của ngôi làng

Sau khi làng Cảnh Đế được chính quyền địa phương phát hiện, họ đã xây dựng một con đường lên núi dẫn lên ngôi làng. Sự xuất hiện của con đường đã thay đổi bầu không khí cổ xưa ban đầu của ngôi làng, đồng thời cũng mang lại một khoản thu nhập kinh tế nhất định cho người dân địa phương. Kể từ khi có con đường, cuộc sống nơi đây đã "chuyển mình" hoàn toàn.

Làng Cảnh Đế nằm ở trong rừng núi có nhiều dược liệu quý. Trước kia những dược liệu này đều không bán được do không có sự giao lưu với bên ngoài. Nhưng hiện tại đã khác, đường sá được xây dựng không chỉ giúp người dân có thể buôn bán mà còn thu hút lượng khách du lịch đông đảo đến chiêm ngưỡng cảnh đẹp nơi đây.

Sau khi có giao thông đi lại thuận tiện, làng cũng đã xây dựng thêm trạm điện để giải quyết vấn đề tiêu thụ điện của bà con. Cuộc sống của người dân trong thôn cũng ngày càng khấm khá, mỗi hộ dân đều hạnh phúc khi sống và làm việc trong bình yên.

Trước đây trong làng không có lớp học, chỉ có 2 - 3 người đứng ra dạy dỗ trẻ em. Đến hiện tại, nhà nào cũng có sách vở để cho con cái đọc cũng như đến trường lớp. Ngoài ra, làng đã xây dựng thêm rất nhiều trạm y tế để đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh cho người dân.

Cảnh quan xinh đẹp như chốn "bồng lai tiên cảnh"

Trước kia, làng Cảnh Đế chỉ có một con đường núi và đó là con đường duy nhất để ra khỏi núi. Con đường này có đến hơn 2.000 bậc thang, hầu hết mọi người đều không thể leo lên được vì quá cao và hiểm trở.

Do cấu trúc địa lý đặc biệt nên những ngôi nhà trong làng nằm rải rác và độc đáo. Phong cách kiến trúc vô cùng đặc biệt này kết hợp cùng cảnh núi cao hùng vĩ "chìm nổi" trong rặng mây trắng tinh mơ. Tất cả vẽ nên một bức tranh "bồng lai tiên cảnh", thu hút đông đảo du khách, nhiếp ảnh gia đến chụp ảnh và tham quan.

Ngôi làng đã có một bước "trở mình" mạnh mẽ để trở thành một địa điểm thu hút khách du lịch độc đáo. Cuộc sống của người dân trong làng cũng từ đó được nâng cao, không còn thiếu thốn như trước.

*Theo: Sohu

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại