So với các khu định cư khác trong vùng Hunza thì Shimshal nằm ở vị trí cao nhất. Nó là ngôi làng liền kề biên giới giữa Pakistan và Trung Quốc, có tổng diện tích rơi vào khoảng 3.800 km2.
Trong Shimshal có tổng cộng 4 ấp. Vì địa hình hiểm trở mà phải mất tới tận 13 năm, người ta mới hoàn thành con đường nối liền 4 ấp lại với nhau và dẫn xuống Passu, thị trấn gần nhất.
Theo ghi chép sử thì làng Shimshal được thành lập cách đây khoảng 450 năm bởi Mamu Shing - một sứ giả hòa bình được nhà Wazir (Pakistan) cử tới Sarikol (Trung Quốc) để bày tỏ thiện ý.
Nào ngờ Shing đã chẳng hoàn thành nhiệm vụ thì chớ, còn gây ra cơ sự tới mức bị đuổi giết, phải dắt vợ chạy trốn.
Làng Shimshal tại Pakistan.
Khi phu thê Shing chạy vào Thung lũng Shimshal, người ở Sarikol không tiếp tục truy lùng họ nữa. Biết rõ nếu cứ định cư tại đây thì sẽ an toàn, Shing liền bắt tay vào việc tạo dựng cuộc sống mới.
Ông chăm lo nuôi dê, cừu, không quên mỗi ngày đều dành thời gian khám phá xung quanh. Lâu dần, làng Shimshal mọc lên, tồn tại cho đến ngày nay.
Thung lũng của những người ưa thích leo núi
Dù nằm trên độ cao 3100m so với mặt nước biển, nhưng nhờ tọa lạc ngay trong thung lũng sông Shimshal, nơi đây hình thành những đồng cỏ theo mùa tươi tốt. Nó thuận lợi cho các cư dân nuôi bò Tây Tạng, dê và cừu.
Song cái nổi bật của Shimshal không nằm ở đặc trưng này, mà vì đây là nơi sản sinh ra những nhà leo núi đáng tự hào nhất. Đến nỗi, một số người còn ưu ái gọi nó là "Thung lũng của các nhà leo núi".
Thung lũng Shimshal.
Trong Shimshal có đến hàng tá những địa điểm phiêu lưu tự nhiên thách thức người chinh phục. Chí ít, nơi này cũng sở hữu 5 đỉnh núi cao trên 6000m.
Ngoài ra còn có các dòng sông băng khổng lồ, ví dụ như Malangudhi, Yazghail, Khurdopin...
Thêm vào đó bên ngoài Shimshal, trong dãy mẹ Karakoram còn sừng sững vô số các đỉnh núi cao khác.
Trong đó có K2 - đỉnh núi cao thứ 2 trên toàn thế giới với chiều cao con số lên tới 8611m, chỉ thấp hơn Everest (8848m) có 237m mà thôi.
Dù chỉ có khoảng 2000 dân, nhưng Shimshal lại đem tới cho Pakistan hơn 20 nhà leo núi nổi tiếng.
Chẳng hạn như Shaheen Baig, nhà leo núi nữ Pakistan đầu tiên chinh phục đỉnh Everest và cả 7 đỉnh cao nhất của Châu Á chính là người đến từ Shimshal.
Trường huấn luyện dành riêng cho nữ giới
Nếu đến Shimshal bây giờ, bạn sẽ thấy trong ngôi làng cao ngất này có Trường Huấn luyện Leo núi. Nó được thành lập vào năm 2009, bởi chính Shaheen Baig và Qudrat Ali, một cựu hướng dẫn viên.
Đặc biệt, đây cũng là ngôi trường duy nhất có chương trình đào tạo và bài tập luyện thám hiểm dành riêng cho nữ giới.
Tại trường, các chị em được giới thiệu về leo núi như một bộ môn thể thao, học cách leo núi an toàn và cả các biện pháp cứu hộ cần thiết.
Năm 2011, với tuổi đời chỉ mới 16 xuân xanh, thiếu nữ tên Bano đến từ Shimshal đã trở thành phụ nữ Pakistan trẻ nhất chinh phục đỉnh Mingligh Sar (6050m) của dãy Karakoram.
Trước khi bắt đầu, Bano đã trải qua đợt tập luyện kỹ lưỡng với thầy Ali ở trường làng. Sau 12 ngày, cô thành công lên tới đỉnh và trở về.
Ngoài Bano, Ali còn hướng dẫn cho 7 phụ nữ khác cũng đến từ Shimshal.
Leo núi chỉ là chuyện nhỏ
Tính đến nay, 8 nữ học trò của Ali đã thực hiện 6 chuyến thám hiểm leo núi. Song nếu nhìn nhận một cách khách quan thì leo núi với phụ nữ Shimshal chẳng phải chuyện gì khó khăn. Bình thường, họ cũng vẫn "leo núi" mỗi ngày.
Shaheen Baig, nhà leo núi nữ Pakistan đầu tiên chinh phục đỉnh Everest.
Công việc thường nhật của phần lớn phụ nữ Shimshal là trồng trọt, giặt giũ, hái củi, toàn những hoạt động đòi hỏi cả sức mạnh thể chất lẫn sức bền.
Mỗi ngày, các chị em đều tốn cả nửa giờ để đi bộ từ trong làng ra đến con suối gần nhất. Giặt giũ xong rồi, họ lại phải lo mang nước về nhà.
Mỗi lần, một phụ nữ cõng đến 35l nước - tương đương với 35kg. Họ đôi khi còn phải đi lấy nước đến 4 lần/ngày.
Không chỉ cõng nước, các chị em còn phải lo cõng củi. Cân lên thì hành lý leo núi chỉ nặng đến 15kg là cùng. So với sức nặng của nước hay củi mà họ phải mang vác hàng ngày, nó chẳng có gì đáng ngại.
Vậy thì những người phụ nữ vốn chỉ lo làm ăn thôi cũng đủ cực này cố công leo lên những đỉnh núi cao hơn nữa để làm gì?
Vươn tới tự do và nhận ra hạnh phúc
Để trả lời câu hỏi ấy, chúng ta cần điểm qua một chút về nhân quyền của phụ nữ ở Pakistan.
Vốn dĩ, luật pháp Pakistan song hành 2 bộ luật là pháp luật của nhà nước Pakistan và luật Hồi giáo (Shari'a). Không như luật pháp quốc gia đề cao bình đẳng giới, luật Hồi giáo có sự phân biệt khá lớn về giới tính.
Theo đó, nữ giới phải đặt trách nhiệm nội trợ, chăm sóc chồng con lên hàng đầu. Họ vừa không được phép kết hôn với người ngoại đạo, vừa phải hết mực "thờ chồng". Nếu ngoại tình còn bị ném đá đến chết.
Với phụ nữ Shimshal, chinh phục các đỉnh núi cao là hiện thực hóa khát vọng tự do.
Càng ở các khu vực xa xôi, luật Hồi giáo lại càng mạnh hơn quốc pháp. Thực chất, để 8 "học trò" của mình được đào tạo chuyên môn và thực hành leo núi, Trường Huấn luyện Leo núi Shimshal phải cấp toàn bộ kinh phí.
"Chúng tôi không muốn họ đánh mất cơ hội chỉ vì vấn đề tiền nong," – Ali giải thích.
Trong khi Samina Baig tỏa sáng trên toàn thế giới, là tâm điểm của ánh đèn sân khấu, những phụ nữ leo núi khác của Shimshal chỉ đơn giản muốn chứng minh với chính mình rằng "Mình muốn thì mình làm được".
Họ vẽ lên một khát vọng tự do tuyệt đẹp, và thật sự biến nó thành sự thật bằng tự nỗ lực.
Nếu tiếp cận những phụ nữ ấy ở cự ly gần, bạn sẽ thấy họ vẫn là những mẹ, chị chăm chỉ, làm việc luôn chân luôn tay suốt ngày.
Ngay cả trong mùa đông, khi những con suối đã đóng băng, họ vẫn phải lo kín nước đủ cho cả gia đình sử dụng. Thung lũng Shimshal rất đẹp, rất hùng vĩ nhưng cũng vô cùng khắc nghiệt.
Thế nhưng chính từ trong vùng đất không chút dễ dãi ấy, những phụ nữ tuyệt vời nhất lại bước ra. Họ nói với cả thế giới rằng không cần phải cố khôn ngoan hay lắm tiền nhiều bạc.
Chìa khóa của hạnh phúc là dám ước mơ và tự tay hiện thực hóa ước mơ.
Tham khảo: Culture Trip