Ngày 25/6, Sputnik dẫn lời Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nói, các thành viên BRICS đồng ý tạm dừng tiếp nhận các thành viên mới với đa số phiếu ủng hộ.
"Với đa số phiếu áp đảo trong "Nhóm 10 nước", BRICS đã quyết định tạm dừng kết nạp các thành viên mới tập trung vào việc giúp các nước mới gia nhập khối (hồi đầu năm) hòa nhập vào nhóm" , ông Lavrov nói.
Trước đó, ông Lavrov đã chủ trì cuộc họp của các bộ trưởng ngoại giao BRICS ở Nizhny Novgorod. Trong cuộc trao đổi, BRICS nhất trí sẽ dùng khoảng thời gian tạm dừng kết nạp thành viên mới nhằm lập danh sách các hạng mục dành cho các quốc gia đối tác BRICS, đóng vai trò là bước đệm để hướng tới tư cách thành viên đầy đủ.
Ngày 4/6, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Fidan cho hay Ankara muốn gia nhập BRICS và sẽ theo dõi những diễn biến trong tổ chức này. Một số quốc gia khác, bao gồm Thái Lan, Malaysia và Bolivia, cũng bày tỏ mong muốn gia nhập tổ chức.
BRICS được thành lập vào năm 2009 như một nền tảng hợp tác cho các nền kinh tế mới nổi lớn nhất, gồm Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc. Nam Phi gia nhập nhóm vào năm 2010. Nga đảm nhận chức chủ tịch luân phiên của khối vào ngày 1/1/2024.
Cũng vào đầu năm 2024, BRICS đã mở rộng thành viên nhóm khi kết nạp thêm Ai Cập, Ethiopia, Iran và UAE. Ả Rập Xê-út chưa chính thức tham gia nhưng đã dự các cuộc họp BRICS.
Theo TASS , có khoảng 30 quốc gia quan tâm đến việc hợp tác với BRICS theo nhiều hình thức khác nhau, bao gồm cả mong muốn gia nhập.
Trước đó, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov cho biết bất kỳ quốc gia nào muốn gia nhập BRICS đều không nên tham gia vào các biện pháp trừng phạt đơn phương bất hợp pháp, đồng thời nhấn mạnh đây là tiêu chí quan trọng để Moskva chào đón các thành viên mới.
"Đối với chúng tôi, một trong những tiêu chí quan trọng để một nước được chào đón gia nhập BRICS là quốc gia đó không tham gia vào các chính sách trừng phạt bất hợp pháp, các biện pháp cấm vận bất hợp pháp đối với bất kỳ thành viên BRICS nào, bao gồm Nga", ông Ryabkov nói.