Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov. Ảnh: TASS
Theo hãng thông tấn TASS, phát biểu tại họp báo sau cuộc hội đàm với người đồng cấp Saudi Arabia Faisal Bin Farhan Al Saud, ông Lavrov tuyên bố: “Cho đến nay, chúng tôi không nhận thấy nước láng giềng Ukraine có mong muốn bắt đầu các cuộc đàm phán nghiêm túc”.
Ngoại trưởng Lavrov cho biết ông đã nhiều lần nói rằng Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã ban hành sắc lệnh vào tháng 9/2022, cấm bất kỳ cuộc đàm phán nào với Nga. Trong khi đó, các bên ủng hộ Ukraine ở phương Tây liên tục tuyên bố rằng Nga phải bị đánh bại trên chiến trường để bắt đầu đàm phán từ thế mạnh.
Ông Lavrov lưu ý Nga hoan nghênh sự quan tâm của Saudi Arabia trong việc hỗ trợ tạo điều kiện giải quyết xung đột đang diễn ra càng sớm càng tốt, cũng như giải quyết tình hình trong bối cảnh các yêu cầu chính đáng của Nga bị phớt lờ trong nhiều năm.
Nga và Ukraine đã tiến hành một số cuộc đàm phán nhằm giải quyết xung đột, nhưng các cuộc hòa đàm đã bị đình trệ kể từ cuối tháng 3 năm ngoái.
Bình luận triển vọng hòa đàm chấm dứt xung đột, Ukraine cho rằng trước tiên Nga phải đáp ứng những điều kiện của Kiev. Các điều kiện này gồm rút hết quân khỏi lãnh thổ Ukraine, chịu trách nhiệm trước tòa án quốc tế, bồi thường thiệt hại và cuối cùng là Ukraine có được cam kết an ninh của các bên.
Tổng thống Volodymyr Zelensky cho biết Kiev không nhận thấy có bất kỳ hoàn cảnh nào để trao đổi với Tổng thống Nga. Tổng thống Zelensky nói rằng ông sẽ không gặp Tổng thống Putin cho đến khi Nga rút quân khỏi lãnh thổ Ukraine.
Hôm 6/3, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cũng tuyên bố bất kỳ cuộc đàm phán nào giữa Nga và Ukraine nhằm chấm dứt xung đột chỉ bắt đầu khi Moskva đồng ý rút quân. Ông cũng cho rằng phía Ukraine đã đưa ra đề xuất và sẵn sàng đàm phán, vấn đề hiện giờ là Nga có chấp nhận và sẵn sàng tiến tới hòa đàm hay không.
Về phần mình, Nga nhiều lần tuyên bố sẵn sàng đàm phán hòa bình với Ukraine. Tuy nhiên, Điện Kremlin nhấn mạnh điều kiện tiên quyết mà Ukraine và phương Tây từng đưa ra - Nga rút quân khỏi Ukraine, để tổ chức các cuộc đàm phán hòa bình - là không thể chấp nhận.
Nga cũng nhiều lần tuyên bố chỉ chấm dứt chiến dịch quân sự khi Kiev đáp ứng các điều kiện mà Moskva đưa ra gồm cam kết trung lập vĩnh viễn, công nhận bán đảo Crimea thuộc Nga, công nhận độc lập cho vùng lãnh thổ đã sáp nhập Nga.