Đã có nhiều tài liệu chứng minh người có ngoại hình hấp dẫn được hưởng nhiều đặc quyền hơn trong cuộc sống, công việc. Ứng viên vẻ ngoài bắt mắt dễ tìm được việc lương cao hơn. Phạm nhân có ngoại hình sáng sủa cũng được xử tội nhẹ hơn. Rõ ràng, mọi người thường vô thức thiên vị người đẹp, nhưng điều gì đã dẫn đến tâm lý này? Và có phải cứ đẹp thì cuộc sống sẽ thoải mái hơn?
Tác động tâm lý từ bên ngoài và bên trong
Một nghiên cứu chỉ ra những người hấp dẫn có khả năng thu được nhiều tài nguyên hơn người khác. Bên cạnh đó, khi tiến hành khảo sát trên 284 người, các nhà khoa cũng nhận ra những cá nhân có ngoại hình đáng yêu, hấp dẫn được đánh giá là đáng tin cậy hơn.
Theo nhà tâm lý học thần kinh và pháp y lâm sàng Judy Ho tại California, việc yêu quý một người đẹp đã nằm sẵn trong gen tiến hóa của con người. Ta luôn vô thức “sàng lọc” những người có ngoại hình không ưa nhìn vì nghĩ “xấu xí” ngoại hình (tùy gu của mỗi người và chuẩn mực về cái đẹp ở mỗi xã hội) cũng đồng nghĩa với nguồn gen kém. Ta ngầm thiên vị người đẹp vì nghĩ họ cũng có sức khỏe tốt, nhiều tài lẻ, thông minh hài hước.
Nhưng tại sao khi nhận định đối phương có ngoại hình đẹp, thể chất khỏe mạnh, mọi người có xu hướng tiếp tục gán ghép cho họ nhiều đức tính tốt đẹp khác như thông minh, hài hước hoặc có nhiều tài lẻ? Judy Ho gọi đây là “hiệu ứng hào quang” (Halo effect), theo đó, nếu bạn phát hiện một người có đặc điểm hoặc một mặt nào đó nổi bật, não bạn sẽ tạo ra một mạng lưới thiên kiến khiến bạn nghĩ rằng họ tốt đều về mọi mặt.
Một nghiên cứu công bố trên tạp chí Hiệp hội Tâm lý học Hoa Kỳ cho thấy mọi người thường coi những người hấp dẫn là “hòa đồng, vượt trội, khỏe mạnh về tinh thần, thông minh và có kỹ năng xã hội” hơn người không hấp dẫn.
Tất nhiên, rõ ràng không phải người xinh đẹp nào cũng phải hài hước, thông minh, khỏe mạnh, nhưng khi được khen ngợi và động viên quá nhiều, một cách vô thức, họ sẽ nỗ lực hơn để sống đúng theo mong đợi của người xung quanh.
Ví dụ, một đứa trẻ từ nhỏ đã xinh đẹp. Em sẽ lớn lên trong sự quan tâm tích cực của người xung quanh. Ở nhà, bố mẹ động viên em hằng ngày, còn giáo viên ở trường thì đặt nhiều kỳ vọng vào khả năng học tập của em. Từ sự ân cần hết mực đó, đứa trẻ có xu hướng hòa đồng, hướng ngoại, cởi mở và tự tin hơn rất nhiều. Và nhờ kỹ năng ngoại giao được rèn giũa từ nhỏ, đứa trẻ có thể bước vào cuộc sống bằng một tâm thế tự tin và không ngại khó.
Điều này cũng có liên quan đến một hiệu ứng tâm lý khác gọi là “Lời tiên tri tự ứng nghiệm” (Self-fulfilling prophecy). Đó là khi một người tin tưởng vào điều chưa diễn ra, bản thân họ sẽ tự động có suy nghĩ hay hành vi thúc đẩy điều mà họ tin tưởng. Cuối cùng thì điều đó cũng trở thành sự thật.
Những người từng thay đổi ngoại hình hay có màn “vịt hóa thiên nga” (phẫu thuật thẩm mỹ, tập gym, đổi cách ăn mặc) thành công có thể cảm nhận rõ rệt nhất “đặc quyền của sự xinh đẹp”. Bởi vì sau khi nâng cấp bản thân ngoạn mục, người xung quanh cũng đối xử với họ theo cách khác. Nhiều nhà làm phim đã ứng dụng tâm lý này vào xây dựng cốt truyện phim, ví dụ “Cô gái xấu xí”, “Nhật ký công chúa”.
Những người sinh ra đã có sẵn ngoại hình ưa nhìn có thể tận dụng ưu thế của mình để tạo ra ảnh hưởng tích cực trong xã hội. Ví dụ, một người nổi tiếng nhờ ngoại hình có thể truyền đi những thông điệp tích cực về môi trường, nhân quyền, để không chỉ bản thân họ được nhìn nhận tích cực hơn mà họ cũng giúp cuộc sống của mọi người tốt đẹp hơn. Đây cũng là hướng đi mà nhiều cuộc thi sắc đẹp đang hướng tới, khi người đẹp nhất không chỉ được tôn vinh nhờ ngoại hình, mà còn nhờ sự duyên dáng, hiểu biết và tinh thần nhiệt huyết cho hoạt động cộng đồng.
Mặt trái của sự xinh đẹp
Nhà tâm lý học Judy Ho chỉ ra, mặc dù xinh đẹp đem đến nhiều đặc quyền, nhưng mặt trái của nó là có thể khiến một người tự kiêu và nghĩ rằng mình xứng đáng được hưởng những thứ tốt đẹp trong cuộc đời mà không cần lao động nhiều. “Những cá nhân này có thể gặp khó khăn khi kết nối với những mối quan hệ xung quanh, phối hợp trong các công việc nhóm, hoặc lắng nghe cấp dưới khi làm quản lý”, Ho nói thêm.
Ngoài ra, họ cũng nhận được sự kỳ vọng quá lớn từ những người xung quanh, và khi không đáp ứng được, họ bị chế giễu và sinh ra cảm giác tự ti về thực lực. Đó là lý do vì sao những câu nói phán xét như “chỉ có cái mã bề ngoài”, “bình hoa di động” có thể ảnh hưởng đến lòng tự tôn rất nhiều.
Một nghiên cứu trên tờ Psychology Today còn chỉ ra người quá hấp dẫn mang lại cảm giác khó tiếp cận, đáng sợ hoặc thu hút sự chú ý không cần thiết. Khi làm khảo sát trong môi trường giáo dục và văn phòng, các nhà nghiên cứu còn phát hiện học sinh hay nhân viên ngoại hình đẹp rất dễ bị bắt nạt, cô lập. Ứng viên ngoại hình hấp dẫn cũng ít thành công hơn khi phỏng vấn xin việc với những người quản lý cùng giới, lý do là bởi đối phương có thể coi ứng viên này như một mối đe dọa.
Nhưng điều đáng lưu ý nhất là đặc điểm ngoại hình cũng gây ra một số hậu quả không mong muốn về sức khỏe. Ví dụ như bác sĩ coi nhẹ các triệu chứng bệnh của bệnh nhân có vẻ ngoài ưu tú, khỏe mạnh.
Kết
Nói về cái đẹp, hẳn nhiều người sẽ nghĩ đó là đích đến trong đời, họ phẫu thuật thẩm mỹ, đến phòng gym hằng ngày, chăm sóc da mặt, mua thật nhiều quần áo đắt đỏ để nâng cấp bản thân liên tục, để từ đó nâng cao vị thế xã hội. Các nhãn hàng đã nắm được tâm lý này và lợi dụng nó để khiến ta chi tiêu nhiều hơn. Chẳng hạn như nhiều tập đoàn mỹ phẩm đánh vào tâm lý duy trì sắc đẹp của phái nữ để tung ra đủ loại sản phẩm mới. Không chỉ sản phẩm chăm da đắt đỏ, họ còn bán cho người dùng cảm giác được tôn vinh và trân trọng.
Ai cũng có quyền để trở nên đẹp và tự tin hơn hằng ngày, nhưng đừng để bản thân rơi vào cái bẫy, đừng mải chạy theo vẻ đẹp xã hội mà quên đầu tư cho những giá trị bên trong.
Đừng quên, “hiệu ứng hào quang” không chỉ dành riêng cho người xinh đẹp mà còn áp dụng cho tất cả các đặc điểm tích cực khác, ví dụ thông minh, tốt bụng, hào phóng. Đây đều là những đức tính mà chúng ta có thể phát triển.