Ngoại giao kênh hai Mỹ-Trung tạm ngưng vì “chiến tranh thị thực”

Thế giới & Việt Nam |

Ngoại giao kênh hai giữa các trường đại học và giới học giả tại Mỹ và Trung Quốc đang chịu tác động mạnh mẽ bởi cuộc chiến thương mại giữa Washington và Bắc Kinh.

Trong bối cảnh cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung không có dấu hiệu lắng xuống, các hoạt động giao lưu và trao đổi học thuật giữa hai cường quốc này dường như đang bị ngưng trệ.

Một số chuyên gia hàng đầu Trung Quốc về Mỹ tại các trường đại học và cơ quan trực thuộc chính phủ cho biết, rất nhiều học giả của Bắc Kinh đã bị đặc vụ FBI nghi ngờ làm gián điệp cho các cơ quan tình báo Trung Quốc.

Ăn miếng, trả miếng

Sau khi chính phủ Mỹ bỏ chính sách ưu đãi thị thực dành cho giới nghiên cứu Trung Quốc, một số học giả Bắc Kinh cho hay, quy trình xin thị thực Mỹ hiện nay mất rất nhiều thời gian, khiến cho việc tham dự các hoạt động nghiên cứu và trao đổi học thuật tại Mỹ trở nên khó khăn hơn.

Trung Quốc được cho là đã có những động thái đáp trả, khi Cố vấn Nhà Trắng Michael Pillsbury không thể đến Bắc Kinh tham dự diễn đàn về Quan hệ quốc tế do Trung tâm Trung Quốc và Toàn cầu hóa tổ chức ngày 14/4. Nguyên nhân là vì thị thực của Cố vấn Pillsbury không được cấp kịp thời, mặc dù đơn xin cấp thị thực đã được nộp trước đó 3 tuần.

Ngoại giao kênh hai Mỹ-Trung tạm ngưng vì “chiến tranh thị thực” - Ảnh 1.

Cố vấn Nhà Trắng Pillsbury cho biết, thị thực tới Bắc Kinh đã không được Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ cấp kịp thời, mặc dù đơn xin cấp thị thực đã được nộp trước đó 3 tuần. (Nguồn: World Politics)

Trong cuộc trao đổi với South China Morning Post, Cố vấn Pillsbury cho biết: “Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington không nóiđã đơn xin thị thực bị từ chối. Tôi nghĩ rằng có lẽ họ cần thêm thời gian.” Cố vấn Pillsbury nhận định, “Chúng ta cần phải sớm kết thúc ‘chiến tranh thị thực’ giữa Washington và Bắc Kinh. Cuộc chiến này đã ngăn các chuyên gia về Trung Quốc của Mỹ đến Trung Quốc, và các chuyên gia về Mỹ của Trung Quốc tới thăm Mỹ.”

“Dòng chảy thông tin tự do giúp giảm thiểu hiểu lầm và gia tăng niềm tin. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình muốn Bắc Kinh đứng ở vị trí trung tâm của vũ đài thế giới, song việc nước này hành xử như vậy với hoạt động trao đổi học thuật thật sự không phù hợp với bản lĩnh của một người chơi đẹp trên sân khấu,” Cố vấn Nhà Trắng Pillsbury nhấn mạnh.

Trong một động thái mới đây, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng cho biết, chi tiết về trường hợp của Cố vấn Pillsbury cần được xem xét tỉ mỉ, nhưng về nguyên tắc, các Đại sứ quán Trung Quốc tại nước ngoài đã xử lý các đơn xin thị thực theo luật pháp. “Bắc Kinh hoan nghênh các trao đổi với Washington và sẵn sàng thúc đẩy giao lưu nhân dân cũng như hiểu biết lẫn nhau giữa Trung Quốc và Mỹ,” người phát ngôn Lục Khảng khẳng định.

Nhận thức khác biệt

Sự việc Cố vấn Nhà Trắng Michael Pillsbury bị từ chối cấp thị thực diễn ra sau khi các đặc vụ FBI Mỹ hủy bỏ thị thực của nhóm học giả Trung Quốc chuyên nghiên cứu về Khoa học xã hội. Thời báo Hoàn Cầu cho biết, tính đến nay, đã có hơn 280 học giả Trung Quốc bị từ chối thị thực vào Mỹ.

Sự kiện này đã thu hút nhiều phản ứng trái chiều từ phía các học giả hai nước. Trong khi một số nhà nghiên cứu cho rằng điều này sẽ giảm tác động tiêu cực đến đối thoại, những chuyên gia khác lại đưa ra cảnh báo đó là một dấu hiệu cho thấy Mỹ đang “xa lánh” Trung Quốc.

Chuyên gia nghiên cứu Mỹ tại Đại học Nam Kinh (Trung Quốc) Zhu Feng cho biết, hai nhân viên FBI đã tiếp cận vị Giáo sư này tại sân bay Los Angeles, Mỹ vào tháng 1/2018. “Hai đặc vụ FBI buộc tôi phải ‘hợp tác’, nhưng tôi đã từ chối. Sau đó, thị thực trao đổi học thuật tại Mỹ có thời hạn 10 năm của tôi đã bị thu hồi,” Giáo sư người Trung Quốc chia sẻ.

Ngoại giao kênh hai Mỹ-Trung tạm ngưng vì “chiến tranh thị thực” - Ảnh 2.

Chiến tranh "thị thực" được đánh giá là tác động tiêu cực đến các hoạt động trao đổi và đối thoại học thuật giữa Mỹ và Trung Quốc. (Nguồn: Brand USA)

Tờ New York Times ngày 15/4 đưa tin, các đặc vụ Mỹ đã thẩm vấn chuyên gia 55 tuổi này về mối quan hệ cá nhân với Quân đội Giải phóng Nhân dân, Bộ Ngoại giao và các cơ quan tình báo Trung Quốc. Sau khi Giáo sư Zhu từ chối hợp tác với FBI, các đặc vụ đã dùng bút gạch bỏ thị thực và yêu cầu chuyên gia này “quay trở lại Trung Quốc”.

Bên cạnh đó, Thời báo Hoàn Cầu cũng điểm mặt một số chuyên gia về Mỹ của Trung Quốc bị hủy thị thực, bao gồm hai chuyên gia của Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc: Wu Baiyi, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mỹ và Lu Xiang, chuyên gia nghiên cứu chính trị Mỹ. Bên cạnh đó còn có Wang Wen thuộc Viện nghiên cứu tài chính Chongyang, Đại học Nhân dân Bắc Kinh.

Trong khi đó, Giáo sư nghiên cứu quốc tế tại Đại học Nhân dân Shi Yinhong cho biết, giới học thuật Trung Quốc bắt đầu tìm hiểu về những “sự cố” đó khi “tin đồn” bắt đầu rộ lên vào cuối năm 2018. Giáo sư Shi Yinhong tâm sự: “Đây là chủ đề rất nhạy cảm mà chúng tôi ít khi đề cập đến. Có thể dễ đoán được rằng Mỹ muốn cô lập Trung Quốc trên cả hai mặt trận thương mại và văn hóa. Cùng với sự phát triển ở cả hai quốc gia, điều này tác động tiêu cực đến các hoạt động trao đổi và đối thoại học thuật.”

“Chiến tranh thị thực” không hồi kết?

Trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump coi Trung Quốc là “đối thủ cạnh tranh chiến lược” đối với an ninh quốc gia, Washington ngày càng cảnh giác với các chuyến thăm Mỹ của giới học thuật Trung Quốc, khiến cho quá trình xin thị thực Mỹ của công dân Đông Bắc Á bị kiểm soát chặt chẽ. Mặt khác, một số ý kiến cho rằng việc Bắc Kinh từ chối cấp thị thực đối với các chuyên gia Mỹ thường xuyên chỉ trích Trung Quốc có thể khiến Washington có động thái trả đũa.

Rao Yi, Trưởng khoa Khoa học Tự nhiên tại Đại học Bắc Kinh, Trung Quốc đã hai lần bị từ chối cấp thị thực Mỹ vào năm 2016 và 2018.

Ngoại giao kênh hai Mỹ-Trung tạm ngưng vì “chiến tranh thị thực” - Ảnh 3.

Ngoại giao kênh hai giữa Mỹ và Trung Quốc đang chịu tác động nặng nề của cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. (Nguồn: AP)


Trong khi đó, Wang Huiyao, Trưởng nhóm chuyên gia cố vấn CGC có trụ sở tại Bắc Kinh cho biết, mặc dù số trường hợp các nhà nghiên cứu Trung Quốc bị từ chối cấp thị thực Mỹ 10 năm đang “có xu hướng gia tăng”, song giới học giả nước này cũng không cần phải lo lắng quá nhiều.

“Những trường hợp bị từ chối thị thực đó đó gửi đi thông điệp rằng các chuyên gia Trung Quốc không được chào đón ở Mỹ. Tình trạng này đã khiến cho Mỹ không còn là điểm đến của không ít học giả Trung Quốc.” Nhóm trưởng Wang Huiyao cho biết.

Trong một nỗ lực kêu gọi các nhà lãnh đạo của cả Mỹ và Trung Quốc giải quyết vấn đề liên quan đến “chiến tranh thị thực”, cựu quan chức cấp cao của Nhà Trắng về các vấn đề châu Á nhấn mạnh: “Nhiều quan chức của chính phủ Mỹ nghi ngờ các học giả Trung Quốc đến Mỹ để do thám và thu thập thông tin tình báo, thay vì theo đuổi mục đích học thuật. Vì vậy, nhóm người này bị thẩm vấn hoặc từ chối thị thực để ngăn chặn mục đích đó. Đây là một vấn đề mà các lãnh đạo hai nước cần giải quyết.”

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại