Ông Tập nói về chiến dịch rút lui vĩ đại, người TQ ăn táo không dám nhổ hạt: TQ lâm vào thời kỳ gian khổ?

An An |

"Giờ đây chúng ta đang bước vào cuộc trường chinh mới... Chúng ta phải tiếp tục tiến về phía trước!", Chủ tịch Tập Cận Bình nói trong chuyến thị sát gần đây.

"Lời hiệu triệu" của Chủ tịch Trung Quốc

Sau ba năm kể từ 2016, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lại trở lại Giang Tây vào 20/5/2019.

Trường chinh hay Vạn lý trường chinh là chiến dịch rút lui gian khổ với quy mô lớn, được Bắc Kinh gọi là "di chuyển chiến lược vĩ đại" của Hồng quân Trung Quốc nhằm tránh sự truy kích của quân của Tưởng Giới Thạch diễn ra vào những năm 1930 với điểm khởi nguồn từ Giang Tây.

Tại đây, ông kêu gọi người dân Trung Quốc bắt đầu cuộc "trường chinh" hiện đại mà theo The New York Times, đó là cách ông gợi lại thời kỳ khó khăn nhất trong lịch sử Trung Quốc để truyền cảm hứng cho người dân trong bối cảnh chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh thương mại kéo dài với Mỹ.

Khi chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump tiếp tục gây áp lực lên Trung Quốc về các vấn đề thương mại, cụm từ này xuất hiện được cho để cổ vũ người dân Trung Quốc. Nhưng nó dường như cũng thừa nhận rằng, Bắc Kinh có thể phải đối mặt với thời kỳ khó khăn. Tăng thuế xảy ra khi chính phủ Trung Quốc cố gắng thúc đẩy nền kinh tế phát triển chậm lại, trong khi một loạt các yếu tố không liên quan làm tăng giá các mặt hàng thực phẩm cơ bản như thịt lợn và trái cây.

Tại nơi khởi nguồn cuộc trường chinh ở Giang Tây, ông Tập Cận Bình nói với người dân địa phương rằng: "Giờ đây chúng ta đang bước vào cuộc trường chinh mới... Chúng ta phải tiếp tục tiến về phía trước!".

Theo NYT, dù nhà lãnh đạo Trung Quốc không trực tiếp đề cập đến cuộc chiến thương mại nhưng ông đã sử dụng cụm từ "trường chinh mới" giống như trong bài phát biểu trước đây để khích lệ các quan chức, sĩ quan hoặc người dân đi theo đường lối chính sách của Bắc Kinh.

Nhưng trùng hợp là, bản tin này được Đài truyền hình trung ương Trung Quốc CCTV phát sóng vào thứ Ba (21/5), trùng với thời điểm leo thang căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Trong đoàn quan chức đi cùng ông Tập, còn có Trưởng cố vấn kinh tế kiêm Trưởng đoàn đàm phán thương mại Lưu Hạc.

Ông Tập nói về chiến dịch rút lui vĩ đại, người TQ ăn táo không dám nhổ hạt: TQ lâm vào thời kỳ gian khổ? - Ảnh 2.

Ông Tập đi thăm cơ sở chế biến đất hiếm - tài nguyên chiến lược của Trung Quốc. Ảnh: NYT

Vào ngày thị sát tiếp theo - thứ Tư (22/4), ông Tập cũng đã chia sẻ với người dân ở địa phương khác thuộc Giang Tây rằng, Trung Quốc "phải hiểu rõ tính chất phức tạp, dai dẳng của các yếu tố bất lợi khác nhau trong và ngoài nước và chuẩn bị sẵn sàng cho các tình huống khó khăn khác nhau."

Trong khi đó, cuộc chiến thương mại dường như không có dấu hiệu dừng lại. Trong động thái mới nhất, chính quyền Tổng thống Trump đang xem xét việc đưa gã khổng lồ công nghệ khác của Trung Quốc là Hikvision vào danh sách đen.

Trong cuộc họp báo thường ngày vào 22/5, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng cho biết, "phía Trung Quốc phản đối việc Mỹ lạm dụng sức mạnh, cố tình bôi nhọ và chèn ép các công ty đặc thù của các nước khác."

Vào thứ Hai, ông Tập Cận Bình đã tới thị sát mỏ đất hiếm ở Cám Châu. Đây là một trong những tín hiệu rõ ràng nhất liên quan đến cuộc chiến thương mại. Giới quan sát cho rằng chuyến thăm này là một nỗ lực để nhắc nhở Tổng thống Trump rằng Trung Quốc đang nắm giữ quân bài liên quan đến một số tài nguyên nhất định.

Khi hầu hết các sản phẩm điện tử được sử dụng hàng ngày trên thế giới đều chứa các nguyên tố đất hiếm và Trung Quốc là nguồn quặng đất hiếm lớn nhất. Vào năm 2010, Trung Quốc từng đình chỉ tất cả lĩnh vực xuất khẩu đất hiếm sang Nhật Bản trong hai tháng do tranh chấp lãnh thổ.

Trong bài phát biểu sau đó, nhà lãnh đạo Trung Quốc kêu gọi "tiếp tục cải tiến công nghệ phát triển và sử dụng tài nguyên đất hiếm". Ông gọi tài nguyên đất hiếm là" tài nguyên chiến lược ".

Tuy nhiên, trong cuộc họp báo vào thứ Tư, Bắc Kinh cho rằng, dư luận và truyền thông thế giới không nên suy diễn quá nhiều về chuyến khảo sát mỏ đất hiếm của ông Tập và khẳng định đó chỉ là một chuyến thăm thường lệ.

Trung Quốc sẽ đối mặt với thời kỳ khó khăn?

Trong vài ngày qua, dư luận và truyền thông Trung Quốc bình luận nhiều hơn về chủ nghĩa dân tộc. NYT cho biết, một số người đã so sánh cuộc chiến thương mại với Chiến tranh Triều Tiên bởi quân đội Trung Quốc trực tiếp chiến đấu với quân đội Mỹ trong Chiến tranh Triều Tiên.

Cuối tuần trước, kênh phim truyện CCTV-6 liên tục phát sóng một số bộ phim phản ánh Chiến tranh Triều Tiên, nói rằng những bộ phim này là lời "hô ứng với thời đại hiện nay."

Nội dung chính của những bộ phim này là "không có cuộc đàm phán bình đẳng nào mà không phải đấu tranh", Hồ Tích Tiến, Tổng biên tập tờ Thời báo Hoàn cầu viết trên Twitter cuối tuần qua.

Theo NYT, trước đây, khi Trung Quốc có tranh chấp với Nhật Bản và Hàn Quốc, người dân Trung Quốc đã đả kích kịch liệt các doanh nghiệp của hai nước này. Nhưng trong cuộc chiến thương mại với Mỹ, Trung Quốc phải hành động cẩn thận hơn. Bởi các sản phẩm của Mỹ thường được sản xuất tại các nhà máy Trung Quốc. Khi Trung Quốc cố gắng đảo ngược xu hướng tăng trưởng kinh tế thì họ vẫn cần người tiêu dùng trong nước tiếp tục tiêu thụ.

Ông Tập nói về chiến dịch rút lui vĩ đại, người TQ ăn táo không dám nhổ hạt: TQ lâm vào thời kỳ gian khổ? - Ảnh 3.

Trung Quốc nắm trong tay rất nhiều thương hiệu và nó vẫn là một nguồn lợi nhuận khổng lồ cho các công ty lớn của Mỹ như Apple, Boeing, General Motors và Starbucks.

Trong khi đó, người tiêu dùng Trung Quốc lại càng có nhiều mối quan tâm trực tiếp hơn. Mặc dù suy thoái kinh tế dường như đang ổn định nhưng một số chi phí sinh hoạt đang tăng mạnh.

Dịch tả lợn châu Phi quét qua Trung Quốc và khiến 1 triệu con lợn bị tiêu hủy, đã đẩy giá thịt lợn tăng cao. Giá rau và trái cây tăng mạnh khiến nhiều người phàn nàn rằng họ không thể thoải mái mua bán trái cây như trước đây.

"Chúng tôi đang chứng kiến ​​giá cả tăng cao và mọi người đều cảm thấy điều đó", Chương Lập Phàn- một nhà sử học từng là doanh nhân cho biết.

"Người dân phải gánh chịu hậu quả của cuộc chiến thương mại nhưng không có cách nào để ngăn chặn điều này và cuộc trường chinh mới rất khó tiếp tục", ông này nói.

Đối với những người như Hứa Kế Phong - làm việc trong một công ty viễn thông Mỹ ở Bắc Kinh, tranh chấp giữa Trung Quốc và Mỹ ít ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của anh ta. Hứa nói rằng lần đổi điện thoại tới, anh ta có thể chọn Huawei thay vì Apple. Nhưng anh ta thích thú hơn khi nói về giá rau và trái cây tăng.

Hứa cho biết, giá dưa hấu đã tăng rất nhiều.

"Tôi cho rằng điều này cho thấy môi trường kinh tế tổng thể hiện không tốt", Hứa nói, "Chính phủ nói rằng điều này là tạm thời và sẽ được điều chỉnh."

"Nhưng bây giờ nó trùng với mâu thuẫn thương mại Trung-Mỹ. Tôi nghĩ [giá trái cây tăng] là một minh chứng."

Thống kê của chính phủ Trung Quốc cho thấy giá thịt lợn trong tháng 4 đã tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi giá thực phẩm tiêu dùng tăng 6,1%. Theo thống kê chính thức, tính đến cuối tuần trước, giá trung bình của bảy loại trái cây là 7,59 nhân dân tệ mỗi kg, đây là mức cao nhất trong gần năm năm trở lại đây.

Chủ đề về sự tăng giá trái cây trở thành đề tài nóng trên mạng xã hội Weibo.

Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc đổ lỗi cho thời tiết về hiện tượng tăng giá trái cây và cho rằng đây là một hiện tượng ngắn hạn. Người phát ngôn của Cục Thống kê cho biết: "Việc tăng giá trái cây tươi sẽ không tiếp tục ở mức cao".

Nhưng phản ứng của người dân Trung Quốc là đăng ảnh trái cây lên mạng và cho biết, thứ họ có thể mua được các ngày các ít. Một phụ nữ phàn nàn số tiền mà cô dùng để mua trái cây trong siêu thị đã ngang bằng số tiền để mua một thỏi son mới.

Một cư dân mạng khác viết trên Weibo: "Bây giờ giá trái cây còn đắt hơn cả thịt. Tôi không dám gọt vỏ đến hạt cũng không nhổ khi ăn táo".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại