Trong vòng một năm trở lại đây, mối quan hệ giữa Nhật Bản và Hàn Quốc đã chứng kiến nhiều tín hiệu "hàn gắn", từ ngoại giao cho đến kinh tế.
Nối lại hoạt động "ngoại giao con thoi"
Sau chuyến thăm Nhật Bản của Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk–yeol trong tháng 3 vừa qua, hai bên đã nhất trí nối lại hoạt động "ngoại giao con thoi" . Chuyến thăm Hàn Quốc lần này của Thủ tướng Kishida Fumio phát đi tín hiệu rằng các chuyến thăm định kỳ thường xuyên giữa lãnh đạo hai nước sẽ tiếp tục được tiến hành. Đây là mục tiêu chính của chuyến thăm.
Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk–yeol và Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida. Ảnh: Yonhap News
Chuyến thăm Seoul cuối cùng của Thủ tướng Nhật Bản trong khuôn khổ "ngoại giao con thoi" do Thủ tướng Yoshihiko Noda thực hiện là vào tháng 10/2011 trong khi chuyến thăm Nhật Bản của Tổng thống Lee Myung-bak vào tháng 12/2011 cũng là chuyến thăm cuối cùng của Tổng thống Hàn Quốc tới Nhật Bản. Kể từ đó đến nay đã trải qua 12 năm.
Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk–yeol cũng là khách mời của Nhật Bản tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 tại Hiroshima. Nhật Bản mong muốn gặp gỡ những khách mời quan trọng trước khi Hội nghị Thượng đỉnh diễn ra nhằm xác nhận lại những cam kết liên quan đến các vấn đề mà Nhật Bản đề xuất tại Hội nghị.
Cụ thể Hàn Quốc có vai trò không thể thiếu giữa cặp quan hệ Hàn - Nhật - Mỹ trong việc giải quyết vấn đề hạt nhân của Triều Tiên. Bên lề Hội nghị G7 mở rộng, cuộc gặp 3 bên Hàn - Nhật - Mỹ dự kiến sẽ diễn ra và thảo luận tập trung về vấn đề Triều Tiên. 3 bên có khả năng cao sẽ thống nhất hình thức răn đe đối với Triều Tiên. Do đó, với tư cách là nước chủ nhà, Nhật Bản mong muốn thống nhất trước với Hàn Quốc về vấn đề Triều Tiên.
Chuyến thăm Hàn Quốc của Thủ tướng Kishida Fumio lần này sẽ không có quá nhiều mục đích giữa bối cảnh Hàn Quốc và Nhật Bản vẫn còn có những ý kiến chưa thống nhất về việc hai bên xúc tiến cải thiện quan hệ, nhất là đối với Nhật Bản. Ông Kishida Fumio vẫn muốn "thăm dò" không khí trực tiếp tại Hàn Quốc về khả năng tăng cường cải thiện quan hệ hai nước, mặc dù Tổng thống Hàn Quốc là người cực kỳ năng nổ trong việc này.
Rào cản trong quan hệ Nhật - Hàn
Khúc mắc lớn nhất giữa hai nước chính là vấn đề lịch sử. Trong một phát biểu gần đây, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk–yeol nhắc đến việc Đức và Pháp đều đang vượt lên trên những vấn đề quá khứ để hợp tác lẫn nhau, do đó Hàn Quốc cũng nên vượt lên trên các vấn đề lịch sử.
Ông Yoon Suk–yeol cho rằng nếu Hàn Quốc "chìa tay ra trước" thì Nhật Bản cũng sẽ thay đổi, cụ thể là việc Seoul đưa Tokyo trở lại "Danh sách trắng" các quốc gia được ưu đãi quy trình xuất khẩu. Ngay lập tức, Nhật Bản cũng đã ra quyết định đưa Hàn Quốc quay trở lại Danh sách trắng của Tokyo.
Với những động thái tích cực, nhất là từ khi ông Yoon Suk–yeol trở thành Tổng thống Hàn Quốc, hai bên dường như đã có chiều hướng nhìn nhận lại vấn đề lịch sử một cách cởi mở hơn.
Ngoài vấn đề tranh chấp lãnh thổ tại quần đảo Takeshima/Dokdo, có lẽ việc bồi thường cho nạn nhân thời chiến theo phán quyết của Tòa án Hàn Quốc là vấn đề đang nổi cộm. Nhật Bản luôn coi đó là điều không thể chấp nhận được và nhiều lần yêu cầu Hàn Quốc phải có biện pháp giải quyết cụ thể. Riêng phía Hàn Quốc đã từng cân nhắc giải pháp hợp lý là để bên thứ ba - tổ chức trực thuộc Chính phủ chi trả các khoản bồi thường. Tuy nhiên, Tổng thống Yoon Suk–yeol nhận định, phán quyết năm 2018 của Tòa án tối cao yêu cầu các doanh nghiệp Nhật Bản bồi thường cho nạn nhân có nhiều mâu thuẫn với "Hiệp định về quyền yêu sách Hàn - Nhật" năm 1965. Theo đó, ông nhấn mạnh nghĩa vụ của bản thân trong việc giải quyết vấn đề này một cách hợp lý.
Với tinh thần trông người mà hành động, khả năng cao trong thời gian tới vấn đề lịch sử giữa hai nước sẽ dần được giải quyết để hướng tới lợi ích cao nhất, đó chính là sự phát triển của hiện tại.
Khả năng đàm phán Nhật – Hàn - Trung
Là hai nền kinh tế lớn ở châu Á và đều là đồng minh của Mỹ, việc cải thiện quan hệ Nhật - Hàn không chỉ mang ý nghĩa song phương mà còn tác động đến các mối quan hệ hợp tác tại khu vực. Có ý kiến cho rằng nếu như hợp tác Nhật – Hàn - Mỹ ngày càng được thúc đẩy, thì khả năng nối lại đàm phán ba bên Hàn Quốc - Nhật Bản – Trung Quốc cũng đang được tính đến.
Nhật Bản xác định Hàn Quốc là nước láng giềng quan trọng cần hợp tác ở nhiều vấn đề, trong đó có những vấn đề mang tính toàn cầu. Hợp tác song phương và hợp tác Nhật – Hàn - Mỹ có vai trò không thể thiếu nhằm thực hiện chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Cụ thể, các bên cho rằng sự liên kết mở rộng và chặt chẽ sẽ ngăn chặn được chiến lược mở rộng phát triển hạt nhân của Triều Tiên ở mức độ nào đó, hay giải quyết vấn đề an ninh hàng hải khi có quốc gia vẫn đang đơn phương thay đổi hiện trạng với mục đích mở rộng ảnh hưởng… Như vậy, vượt qua những khúc mắc để thúc đẩy quan hệ hợp tác phục vụ mục đích lợi ích chung là biện pháp mà Nhật Bản và Hàn Quốc mong muốn xây dựng trong thời gian tới.
Nhật Bản cũng đang khá tích cực trong việc đổi hướng quan hệ với Trung Quốc. Ngoại trưởng Nhật Bản Hayashi Yoshimasa đã tới thăm Trung Quốc vào đầu tháng 4, cam kết sẽ thúc đẩy quan hệ hai nước, nói chính xác hơn là bình thường hóa quan hệ hai nước. Trong nội bộ chính phủ Nhật Bản vẫn có nhiều ý kiến không ủng hộ chính sách cải thiện quan hệ với Trung Quốc. Tuy nhiên, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio vẫn mong muốn thực hiện di sản của cố Thủ tướng Abe Shinzo trong việc tăng cường quan hệ với Trung Quốc khi chính ông Abe đã chủ động trong việc thăm Trung Quốc vào tháng 10/2018.
Cái khó là sau gần 5 năm, việc Chủ tịch Trung Quốc thăm Nhật Bản vẫn chưa thực hiện được khi vào đầu năm 2019 dấy lên thông tin ông Tập Cận Bình sẽ thăm Nhật Bản. Trong nhiệm kỳ mới của mình, khả năng ông Tập Cận Bình thăm Nhật Bản cũng chưa chắc chắn. Dường như Bắc Kinh muốn Thủ tướng Kishida Fumio thăm Trung Quốc trước.
Hơn nữa, trong bối cảnh lập trường đối lập của Nhật Bản và Mỹ đối với Trung Quốc không hề suy giảm, thậm chí có xu hướng tăng bởi các bên lo ngại sự ảnh hưởng của từng bên ra thế giới sẽ gây bất lợi cho an ninh quốc gia và khu vực. Việc thúc đẩy ngoại giao cũng chỉ là những bước đi ban đầu.
Như vậy, trước mắt, triển vọng cho một cuộc gặp Thượng đỉnh Nhật – Hàn - Trung sẽ khó có thể thực hiện. Theo đó, lợi ích giữa các bên hiện tại là phải tính toán khả năng "xuống nước" của các bên còn lại trong những vấn đề chưa giải quyết được./.