Ngoại giao bế tắc, Nga và phương Tây trước nguy cơ một cuộc xung đột nóng

Thu Hoài |

Trong bối cảnh ngoại giao bế tắc, Nga và phương Tây đứng trước nguy cơ bùng nổ một cuộc xung đột quân sự khi hai bên đều từ chối thỏa hiệp lẫn nhau và cảnh giác trước mọi động thái của đối phương.

Các phương tiện bọc thép của Nga di chuyển trên một con đường cao tốc ở Crimea ngày 18/1. Ảnh: AP

Các phương tiện bọc thép của Nga di chuyển trên một con đường cao tốc ở Crimea ngày 18/1. Ảnh: AP

Đại sứ quán Mỹ tại Ukraine hôm qua (22/1) yêu cầu sơ tán tất cả các nhân viên không thiết yếu, trong khi những lô vũ khí đầu tiên mà nước này cung cấp cho Ukraine cũng bắt đầu được chuyển đến. Đây là dấu hiệu mới nhất cho thấy ngòi nổ chiến tranh tại Ukraine vẫn chực chờ bất chấp việc Nga - Mỹ đã nhất trí duy trì đối thoại. Nga và phương Tây đang trong cuộc khủng hoảng an ninh tồi tệ nhất kể từ Chiến tranh Lạnh.

Hãng tin CNN dẫn lời một nguồn tin thân cận với Chính phủ Ukraine cho biết, các cuộc sơ tán của Mỹ có thể sẽ bắt đầu sớm nhất là vào tuần tới, đánh dấu sự thay đổi trọng tâm hoạt động của Đại sứ quán theo hướng “giúp đỡ Ukraine củng cố khả năng phòng thủ khi đối mặt với sự quyết liệt ngày càng tăng của Nga”.

Cùng ngày, trên Twitter, Đại sứ quán Mỹ cho biết, đợt hỗ trợ mới đầu tiên của Mỹ đã đến, bao gồm vũ khí, đạn dược cho lực lượng phòng thủ tuyến đầu của Ukraine. Những hoạt động này diễn ra vài ngày sau cảnh báo của Tổng thống Joe Biden về nguy cơ một cuộc xung đột nóng tại châu Âu :

“Nga sẽ phải trả giá nếu có bất kỳ hành động quân sự nào xa hơn nữa. Sẽ có một thảm hoạ cho nước Nga nếu họ tấn công Ukraine. Các đồng minh và đối tác của chúng tôi đã chuẩn bị sẵn sàng để áp một cái giá nghiêm trọng lên Nga và nền kinh tế Nga”.

Dù khẳng định việc triển khai quân thuần túy vì mục đích phòng ngự, song sự có mặt của hàng chục nghìn binh sĩ Nga gần Ukraine và việc Nga liên tục thông báo tập trận, cũng như từ chối loại trừ khả năng triển khai quân tới Caribe đã khiến Mỹ và các đồng minh như ngồi trên đống lửa. Nga đang ngày càng bất bình trước trước hàng thập kỷ không ngừng mở rộng của NATO tới sát biên giới. Nước này nhiều lần kêu gọi và cũng đưa ra đề xuất về văn bản yêu cầu những đảm bảo mang tính ràng buộc pháp lý rằng NATO sẽ ngừng mở rộng sang phía Đông, bao gồm Ukraine và các quốc gia thuộc Liên Xô trước đây hoặc bố trí vũ khí.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nhấn mạnh: “Chúng tôi cũng không mong đợi một bước đột phá tại các cuộc đàm phán. Điều Nga mong đợi là câu trả lời cụ thể cho các đề xuất cụ thể của chúng tôi trong thời gian sắp tới và tuân thủ các nghĩa vụ đã được thông qua ở cấp cao nhất trong Tổ ​​chức An ninh và Hợp tác Châu Âu. Tôi đặc biệt đề cập đến nguyên tắc không thể nhượng bộ về an ninh cũng như nghĩa vụ của các quốc gia không tăng cường an ninh với cái giá phải trả là an ninh của những nước khác”.

Trước đó, hôm 21/01, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã hội đàm với Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tại Geneva, Thụy Sĩ trong nỗ lực ngăn chặn xung đột. Dù không đạt đột phá, song hai bên đã đưa ra một giọng điệu hòa giải hơn và nhất trí tiếp tục đối thoại.

Chuyên gia hàng đầu về chính sách đối ngoại của Nga Fyodor Lukyanov nhận định, trong bối cảnh ngoại giao bế tắc, thì những hành động biểu dương lực lượng dù tại Ukraine hay xa hơn đều khiến nguy cơ leo thang dường như khó có thể tránh khỏi. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng, thực tế cuộc đàm phán không sụp đổ ngay lập tức cũng là một chỉ dấu rằng các bên có thể tìm được cách thỏa hiệp nào đó để đạt được kết quả khả thi. Dự kiến tuần tới (25/01), Nga, Ukraine, Pháp và Đức sẽ nối lại đàm phán theo định dạng Normandy tại Paris, Pháp nhằm thảo luận về tình hình miền Đông Ukraine. Tiến trình này đã bị đình trệ từ năm 2019. /.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại