Đời không như mơ
Nguyễn Hoàng Tcheuko Minh tên thật là Tcheuko Elmakoua Benoit sinh năm 1983 tại Cameroon. Duyên số đưa tiền vệ này gặp chị Nguyễn Thị Tuyết Loan, vốn là một người môi giới cầu thủ tự do.
Cuộc đời Tcheuko đã sang một trang mới khi gặp gỡ Loan, người sau này trở thành bà xã và đã sinh cho anh những đứa con kháu khỉnh.
Chính chị Loan là người động viên chồng mình nhập quốc tịch Việt Nam để có cơ hội được ra sân nhiều hơn và dĩ nhiên, nếu một ngày được khoác áo ĐTQG thì chẳng có gì bằng.
Còn nếu không, chị cũng vui vẻ vì các con của mình được thấy cha bọn trẻ mang quốc tịch Việt Nam và luôn ở cạnh bên. Hơn thế nữa, gia đình chị cũng thấy được chàng rể tốt, biết chăm sóc gia đình.
Phiếu bầu cử của Tcheuko Minh.
Năm 2013, Tcheuko Elmakoua Benoit đã chuyển đổi quốc tịch thành công và anh đã có cái tên là Nguyễn Hoàng Tcheuko Minh. Tiền vệ này khoác áo CLB Kiên Giang lúc đó đang chơi tại V-League.
Hơn ai hết, lãnh đạo đội bóng này cũng mở cờ khi có thêm một cầu thủ nội đầy chất lượng trong cuộc chiến trụ hạng. Bản thân Nguyễn Hoàng Tcheuko Minh cũng cảm thấy hạnh phúc vì anh trở thành một người Việt Nam sau nhiều năm sinh sống và lấy vợ tại đây.
Nhưng cuộc đời không là mơ, hết mùa 2014, Kiên Giang đã dừng cuộc chơi ở V-League. Hàng loạt cầu thủ đâm đơn kiện, thậm chí xông vào Công ty CPBĐ Kiên Giang để đòi nợ.
Cụ thể, đội bóng này nợ các cầu thủ tiền lương và tiền lót tay lên tới 7 tỷ đồng. Trong đó, chị Nguyễn Thị Tuyết Loan và chính chồng chị tiền vệ Nguyễn Hoàng Tcheuko Minh cũng là "chủ nợ" với khoản tiền lên đến cả tỷ đồng.
Tcheuko Minh (giữa) trong màu áo Kiên Giang.
"Ai bảo nhập tịch là có tiền"
"Hồi anh ấy mới nhập tịch thành công, ai cũng nói anh nhiều tiền vì có khoản này khoản nọ. Họ soi mói dữ lắm, có mấy ai hiểu chúng tôi cực đâu.
Đá bóng quanh năm dù cao hơn những người khác chút ít nhưng bị đội bóng họ nợ, thậm chí bị quỵt tiền thì lấy gì mà sống. Tôi cũng phải bươn chải để kiếm sữa cho con, sống khổ lắm!", chị Loan giãi bày.
Đúng như chị Loan nói, kể từ ngày Nguyễn Hoàng Tcheuko Minh nhập quốc tịch, cuộc sống của gia đình chị không khá lên là bao. Không những vậy chị phải gánh món nợ do chính đội bóng của chồng gây ra.
Chị Loan chính là người đại diện cho một số đồng hương châu phi của chồng. Trong số ấy có những người có tiếng như Oseni. Với kinh nghiệm của mình, chị Loan đã giúp đỡ rất nhiều cầu thủ. Nhưng cũng vì lý do này mà chị Loan bị biến thành một "con nợ".
Điển hình nhất là vụ Hammed. Trung vệ người Nigeria chính là nhân tố được Loan giới thiệu cho Kiên Giang mùa 2013. Nhưng chưa hết giai đoạn 1, đội bóng này đã thanh lí đối với Hammed. Đáng nói hơn là Kiên Giang không hề trả số tiền lót tay và tiền lương như đã ký hợp đồng.
Hammed đã nổi loạn và quậy tanh bành đội bóng. Chính vì thế, lãnh đạo CLB Kiên Giang đã tới gặp và nhờ chị Loan ứng trước số tiền còn nợ, để Hammed về nước.
Chính lãnh đạo đội bóng Kiên Giang đã viết giấy vay nợ có ký tên và đóng dấu mộc đỏ trong tờ "giấy vay nợ" đối với Hammed. Tờ giấy này sau đó được Hammed ủy quyền cho chị Loan (người tạm ứng tiền).
Giấy xác nhận nợ của Công ty Cổ phần Bóng đá Kiên Giang với Hammed.
Hammed ủy quyền đòi nợ cho chị Tuyết Loan.
Tức, chị Loan được ủy quyền nhận số tiền đến gần 725 triệu đồng mà đội Kiên Giang đã nợ Hammed. Đòi lại món tiền của mình chưa xong, chính chồng chị, anh Tcheuko Minh cũng bị Kiên Giang nợ số tiền lên đến gần 300 triệu đồng.
Khi đội bóng bị xóa sổ, dường như tuần nào chị Loan cũng đón xe đò xuống Kiên Giang đòi nợ. Nhưng cho đến nay, chị vẫn chưa biết gõ cửa nào để lấy lại số tiền, vốn phải chạy vạy, vay mượn khắp nơi để đắp vào.
"Chồng tôi có phải là người Việt Nam không quý vị?"
"Khi bàn bạc với chồng tôi chuyện chuyển đổi quốc tịch, chúng tôi phải cân nhắc nhiều lắm. Vì luật pháp bên Cameroon cũng khắt khe. Sau này muốn về bên đó làm gì cũng khó.
Chúng tôi nghĩ đến tương lai và cả sự nghiệp nên quyết định đồng ý. Ai cũng nói, cầu thủ nhập quốc tịch có tiền nhiều, tôi thì chẳng thấy đâu giờ vẫn mang một đống nợ", chị Loan nói.
Tcheuko Minh bên vợ là chị Tuyết Loan và các con.
Khi chúng tôi bàn đến chuyện, các cầu thủ nhập quốc tịch có nên được tạo điều kiện khoác áo ĐTQG, chị Loan bày tỏ: "Nhập quốc tịch Việt Nam, được đi bầu cử theo hiến pháp, pháp luật… rõ ràng anh ta đã là công dân Việt Nam.
Hơn thế nữa, anh ra sinh sống, lấy vợ Việt Nam đã lâu năm. Vậy thì tại sao lại không được hưởng quyền công dân như bao người khác. Cho tôi hỏi, chồng tôi có phải là người Việt Nam không quý vị?
Tôi nghĩ, mỗi người có một sự lựa chọn và họ luôn phải đấu tranh với chính mình. Đặc biệt là ở thời điểm mỗi người phải lựa chọn một quốc tịch cho mình.
Tôi không nói chồng đá bóng giỏi và có xứng đáng khoác áo ĐTQG hay không mà chúng ta nên tạo điều kiện cho tất cả. Điều quan trọng là sự cống hiến như thế nào và khát vọng ra sao chứ không phải chỉ vì anh ta là một cầu thủ nhập tịch".
Cũng theo chị Loan, dù có thế nào đi nữa chị cũng ủng hộ chồng vì đơn giản với chị những người như anh là công dân đất Việt và cũng có những đóng góp nhất định cho bóng đá.