Ngỏ ý gia nhập BRICS, Saudi Arabia muốn gửi thông điệp gì đến Mỹ?

PV/VOV-Cairo |

Việc Saudi Arabia muốn tham gia vào BRICS chắc chắn càng khiến đồng minh Mỹ tức giận và khiến căng thẳng gia tăng. Tuy nhiên, quan hệ này khó có thể dẫn tới kịch bản xấu mà chỉ khiến cho các mối quan tâm chung của hai bên ngưng trệ và khó khăn.

Vừa trở về sau chuyến thăm Saudi Arabia, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa cho biết, Riyadh đã bày tỏ sự quan tâm đến việc gia nhập Nhóm các nền kinh tế mới nổi (gọi tắt là BRICS) gồm 5 nước: Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi. Đây được cho là nằm trong lộ trình mở rộng liên minh kinh tế vốn thành lập từ năm 2009.

Ngỏ ý gia nhập BRICS, Saudi Arabia muốn gửi thông điệp gì đến Mỹ? - Ảnh 1.

Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salam gặp Tổng thống Mỹ Joe Biden tại Riyadh. Nguồn: AP

Tuy nhiên, đồng minh thân thiết của Mỹ là Saudi Arabia muốn gửi thông điệp gì khi ngỏ ý tham gia một cơ chế vốn là “sân chơi” của Nga và Trung Quốc? Động thái này liệu có khiến mối quan hệ Mỹ - Saudi Arabia rơi vào khủng hoảng, sau khi Riyadh và nhóm OPEC+ mới đây bất chấp lời kêu gọi của Mỹ đã cắt giảm sản lượng dầu toàn cầu.

Thông điệp của chính quyền Saudi Arabia

Nhóm BRICS được thành lập năm 2006, là tên viết tắt tiếng Anh của tên các quốc gia (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi). Khối này được coi là có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh nhất thế giới. BRICS đóng góp khoảng 25% tổng sản lượng của thế giới và chiếm khoảng 26% diện tích đất trên thế giới.

Dự báo đến năm 2050, nền kinh tế của các nước BRICS dự kiến ​​sẽ cạnh tranh với nền kinh tế của các nước giàu nhất thế giới. Nhóm này cũng được hiểu là một “cực” thương mại, kinh tế và chính trị trong bối cảnh toàn cầu hóa, cạnh tranh địa chính trị sâu sắc. Đây cũng là nhóm mà các thành viên có những đối trọng mạnh với Mỹ cả về kinh tế, chính trị, lẫn ảnh hưởng toàn cầu.

Nếu nhìn từ góc độ này thì việc Saudi Arabia xin tham gia BRICS dường như đang rạn nứt với đồng minh Mỹ. Tuy nhiên, trong một thế giới hội nhập và phát triển việc các quốc gia hợp tác là điều tất yếu, nó cũng phù hợp với xu hướng đa cực mà không ai có thể độc chiếm thế giới này, cả Mỹ và bất kỳ quốc gia nào. Ngay cả các thành viên BRICS cũng không phải là đồng minh hay đồng thuận hoàn toàn mà họ hợp tác tìm kiếm thị trường, đầu tư và mở rộng thương mại kinh tế với tư cách là các nền kinh tế năng động, mới nổi và phát triển hơn.

Thứ hai, BRICS không liên kết để đối đầu với Mỹ mà chỉ là bảo vệ lợi ích của mình và áp đặt mình thông qua sức mạnh của nền kinh tế chứ không phải mối đe dọa. Thứ ba, cần lưu ý rằng Saudi Arabia không phải là quốc gia duy nhất muốn trở thành thành viên BRICS ngoài ra trước đó còn có Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ cũng muốn tham giá nhóm này. Mặc dù vậy, việc đồng minh giàu dầu mỏ như Saudi Arabia gần gũi hơn với Nga, Trung Quốc chắc chắn cũng không thể khiến Mỹ vui trong bối cảnh khủng hoảng năng lượng toàn cầu và Mỹ vẫn coi Saudi Arabia là đồng minh chiến lược ở Trung Đông, nhất là về vấn đề an ninh quốc phòng. Thứ tư, bản thân BRICS cũng luôn muốn kết nạp thêm các thành viên mới.

Những lợi ích mà Saudi Arabia và BRICS thu được

Vào thời điểm mà các tổ chức liên quan đến hợp tác toàn cầu và khu vực dường như không còn động lực trong nỗ lực tìm kiếm các giải pháp hữu hình cho các cuộc xung đột, đói nghèo, tình trạng khẩn cấp về khí hậu và khủng hoảng lương thực mà nhiều quốc gia trên thế giới đang phải đối mặt, nhóm BRICS tìm cách mở rộng và đưa ra các giải pháp thay thế quản trị toàn cầu.

Đồng thời, những nỗ lực của BRICS được coi là một thách thức đối với trật tự thế giới hiện tại. Việc các nước muốn gia nhập BRICS là một động thái tốt bởi vì việc mở rộng luôn được nhìn nhận một cách tích cực. Điều này chắc chắn sẽ nâng cao ảnh hưởng toàn cầu của các nước BRICS. Ở một khía cạnh khác thì việc nhóm BRICS mở rộng thành viên cũng được cho là nhằm đối trọng với Mỹ, phương Tây trong bối cảnh căng thẳng giữa Nga và Ukraine đang diễn ra, sự cạnh tranh ngày càng tăng giữa Trung Quốc và Mỹ, cuộc đối đầu ngày càng căng thẳng giữa Đông và Tây.

Ngoài ra, các thành viên BRICS nhằm kết nạp các quốc gia có các vị trí chiến lược quan trọng và các nền kinh tế đang phát triển. Do đó, không có gì ngạc nhiên khi có sự quan tâm đến việc đưa Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập và Saudi Arabia.

Nếu Saudi Arabia tham gia thì Nhóm BRICS sẽ là một nhóm lớn hơn bao gồm 13 thành viên của OPEC cùng với 10 quốc gia sản xuất dầu khác, do Nga dẫn đầu bởi Saudi Arabia là một trong những nước xuất khẩu dầu thô lớn nhất thế giới, nắm giữ 15% trữ lượng dầu toàn cầu và là thành viên sáng lập của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC).

Nếu Saudi Arabi gia nhập BRICS thì điều này có thể thấy Saudi Arabia đang nghiêng về Trung Quốc, Nga và Ấn Độ do các chính sách ảnh hưởng ngày càng tăng của Mỹ trong khu vực và dẫn đến những thay đổi trong quan hệ với Washington. Saudi Arabia cũng đang dần đa dạng quan hệ để giảm phụ thuộc vào Mỹ vì vậy họ muốn với tư cách thành viên BRICS có thể mang lại cho họ những lợi ích chính trị và kinh tế mới.

Có thể gây sóng gió trong quan hệ Mỹ và Saudi Arabia

Chính quyền Mỹ vẫn coi Saudi Arabia là đồng minh chiến lược ở khu vực không chỉ vì quốc gia này giàu dầu mỏ mà còn có ảnh hưởng trong thế giới Hồi giáo, giúp Mỹ duy trì ảnh hưởng về an ninh và quốc phòng ở khu vực. Do đó mối quan hệ này có thế rạn nứt, thậm chí là căng thẳng nhưng chắc chắn vẫn gắn bó với nhau bởi những lợi ích đan xen và ràng buộc khó cắt đứt hay đối đầu.

Mới đây, căng thẳng leo thang đáng kể giữa Riyadh và Washington, sau những chỉ trích lẫn nhau về việc cắt giảm sản lượng dầu. Động thái này đã bị Mỹ chỉ trích khi cho rằng Riyadh đang nghiêng về phía đối thủ Nga.

Tổng thống Mỹ Joe Biden nói rằng sẽ có "hậu quả" đối với động thái này, đây có thể hiểu là một lời đe dọa với các quốc gia OPEC+, trong đó Mỹ sẽ tiến hành "đánh giá lại" mối quan hệ chiến lược lâu đời với Saudi Arabia, dựa trên một nguyên tắc đơn giản: Saudi Arabia cung cấp dầu cho thị trường, và đổi lại, Mỹ đảm bảo an ninh của mình, đặc biệt là thông qua khối lượng lớn vũ khí cung cấp cho Saudi Arabia. Mỹ cho rằng chính quyền Saudi Arabia đang làm việc chống lại lợi ích của người dân Mỹ. Nước này có thể bản thảo một số vấn, bao gồm cả việc ngừng bán vũ khí cho Riyadh.

Do đó, việc Saudi Arabia muốn tham gia vào BRICS chắc chắn càng khiến đồng minh Mỹ tức giận và khiến căng thẳng gia tăng. Tuy nhiên, quan hệ này khó có thể dẫn tới kịch bản xấu mà chỉ khiến cho các mối quan tâm chung của hai bên ngưng trệ và khó khăn.

Ngoài ra, việc Saudi Arabia tuyên bố cắt giảm sản lượng là một chuyện và việc triển khai thực hiện lại là một câu chuyện khác miễn là họ đạt được lợi ích và không mất lòng ai. Saudi Arabia có thể hoãn thực hiện quyết định “OPEC +” trong một tháng để giá xăng dầu không tăng, và do đó không ảnh hưởng đến cử tri Mỹ. Điều này cũng có thể được chấp nhận.

Ngoài ra, đến nay Saudi Arabia cũng chưa có tuyên bố chính thứ nào về việc xin gia nhập BRICS. Đó cũng mới chỉ là tuyên bố từ Nam Phi. Nên quan hệ Mỹ Saudi Arabia khó có thể nói về sóng gió hay các kịch bản xấu nhất xảy ra vào lúc này. Với quan hệ đồng minh chiến lược, chắc chắn chính sách của hai bên sẽ hướng đến ít ảnh hưởng xấu lẫn nhau, ít gây chia rẽ và đảm bảo lợi ích tối đa trong xu thế cạnh tranh toàn cầu./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại