Ngộ nhận tầm quan trọng của mình, Châu Âu đe dọa Nga "quá đà": Sai lầm lớn?

Đại sứ Trần Đức Mậu |

Tham gia CoE và PACE có lợi cho Nga nhưng nếu ra khỏi hai thể chế này thì Nga cũng chẳng bị hại đáng kể gì. Nga có thể bất chấp CoE và PACE nhưng không có trường hợp ngược lại.

Vai trò quan trọng của Nga

Mối quan hệ giữa Nga và Hội đồng Châu Âu (CoE) tiếp tục xấu thêm rõ rệt. Nhiều chính khách và chức sắc cao cấp ở Nga đã phê phán mạnh mẽ những động thái mới đây nhất từ phía CoE và Hội đồng Nghị viện của CoE (PACE), bảo vệ việc ngừng thực hiện nghĩa vụ đóng góp tài chính của Nga trong tư cách là thành viên của CoE và PACE, cảnh báo rằng Nga có thể sẽ ngưng đọng tư cách thành viên này và thậm chí còn doạ sẽ ra khỏi CoE và PACE.

CoE được thành lập năm 1949, hiện quy tụ được tất cả các quốc gia châu Âu và có sự tham gia của Mỹ. Mãi mấy thập kỷ sau, Tổ chức An ninh và Hợp tác ở châu Âu (OSCE) mới được thành lập, cũng với sự tham gia của các quốc gia châu Âu cùng với Mỹ và Canada.

Ở cả hai thể chế này, Nga đều đóng vai trò quan trọng đến mức nếu không còn sự tham gia và hợp tác xây dựng của Nga thì vai trò của cả hai trên mọi phương diện chính sách đối với châu Âu đều bị hạn chế rất đáng kể.

Cội rễ lịch sử của cả hai tổ chức này đều làm cho mối quan hệ giữa họ với Liên Xô trước đây và Nga ngày nay nhìn bề ngoài thì bình thường như giữa tổ chức và các thành viên khác, nhưng trong thực chất là cuộc hôn nhân của lý trí cũng như xưa nay luôn ở trong tình trạng "giận thì giận mà thương thì thương".

Ngộ nhận tầm quan trọng của mình, Châu Âu đe dọa Nga quá đà: Sai lầm lớn? - Ảnh 1.

Với tỷ trọng khoảng 7%, Nga thuộc diện những nước đóng góp tài chính nhiều nhất cho CoE. Ảnh minh họa: LaPresse

Lần "giận nhau" này liên quan đến chính biến ở Ukraine. Năm 2014, sau khi Nga tiếp nhận Crimea, PACE đã truất quyền biểu quyết của Nga trong các lần biểu quyết về các quyết định của CoE và PACE.

Nga đáp trả lại bằng việc giảm một phần ba nghĩa vụ đóng góp tài chính cho CoE. Với tỷ trọng khoảng 7%, Nga thuộc diện những nước đóng góp tài chính nhiều nhất cho CoE. Phần giảm đóng góp của Nga tương đương với ngân sách hoạt động thường niên của PACE.

Không có gì là khó hiểu khi CoE phê phán và trừng phạt Nga bởi CoE luôn đồng điệu với EU, NATO và OSCE trong quan hệ với Nga. Nhưng biện pháp đáp trả của Nga cũng không có gì là khó hiểu.

Một khi đã đối xử với Nga như thế thì CoE và PACE không thể đòi hỏi Nga phải làm như không có chuyện gì xảy ra về phương diện đóng góp tài chính theo nghĩa vụ của thành viên.

Giọt nước tràn ly

Năm nay, Nga đã cùng một số thành viên khác đưa ra nghị quyết sửa đổi quy định lâu nay về quyền biểu quyết trong CoE và PACE với mục đích là để từ năm 2019 Nga lại có quyền biểu quyết như mọi thành viên khác.

CoE và PACE đã dụng thủ thuật quy trình và kỹ thuật để trì hoãn việc biểu quyết về dự thảo nghị quyết này sau đầu năm 2019 khiến Nga sớm nhất cũng phải từ năm 2020 mới có thể có lại được những quyền chính đáng cũ.

Tổng thư ký CoE lại còn doạ sẽ khai trừ Nga ra khỏi CoE nếu Nga không hoàn thành đầy đủ nghĩa vụ đóng góp tài chính của thành viên.

Giọt nước làm tràn cốc đối với Nga chính là đấy.

Vì thế phía Nga mới khẳng định lại là không đóng góp tài chính cho CoE. Vì thế Nga mới doạ là sẽ ngưng đọng tư cách thành viên của Nga và thậm chí ra khỏi CoE chứ không để bị CoE khai trừ. Ở đây có chuyện một bên đã quá đà và một phía không còn kiên nhẫn nữa, một bên ngộ nhận về tầm quan trọng của mình và một phía sử dụng đến cùng vị thế và lợi thế của mình.

Tham gia CoE và PACE đương nhiên có lợi cho Nga nhưng nếu ra khỏi hai thể chế này thì Nga cũng chẳng bị hại đáng kể gì. Nga có thể bất chấp CoE và PACE nhưng không có trường hợp ngược lại.

Ngộ nhận tầm quan trọng của mình, Châu Âu đe dọa Nga quá đà: Sai lầm lớn? - Ảnh 3.

Ở châu Âu gần như chuyện nào cũng có chút liên quan đến Nga và CoE cũng như PACE không thể hoạt động thành công và hiệu quả nếu không có sự tham gia một cách xây dựng của Nga và lại càng không thể được thế nếu bị Nga chống đối.

Việc CoE và PACE làm găng quá hoá đứt dây này là kết quả của việc lý trí bị tình cảm làm cho lu mờ và lệch lạc trong CoE và PACE.

Ngưng đọng tư cách thành viên hay ra khỏi CoE và PACE trên thực tế không khác biệt cơ bản gì như từ năm 2014 đến nay đối với Nga, nhưng lại sẽ làm cho cả CoE lẫn PACE trở thành tổ chức và thể chế khác trước.

Ở bên kia Đại Tây Dương, nước Mỹ dưới thời của ông Donald Trump cứ dần rút khỏi hết tổ chức và thoả thuận đa phương quốc tế này đến cái khác. Nhưng hành động này của Mỹ không ảnh hưởng đến an ninh và ổn định, phát triển và quan hệ giữa các quốc gia ở châu Âu.

Nga mà hành xử như Mỹ thì hệ luỵ và hậu quả sẽ vô cùng tai hại đối với châu Âu, tới sự tồn tại và tương lai của CoE và PACE.

*Tiêu đề do tòa soạn đặt lại

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại