Nghìn năm làng trống dưới chân núi Đọi

Trần Hòa |

Có lẽ ở miền Bắc, xã Đọi Sơn (Duy Tiên, Hà Nam) là một trong những nơi có bề dày văn hiến đậm đặc nhất.

Những quả trống lớn phải ghép vào xe trống mới có thể vận chuyển.

Có lẽ ở miền Bắc, xã Đọi Sơn (Duy Tiên, Hà Nam) là một trong những nơi có bề dày văn hiến đậm đặc nhất. Ngoài tục lệ Tịch điền (vua cày ruộng), chùa Đọi do vua nhà Lý xây với tấm bia là bảo vật quốc gia Sùng Thiện Diên Linh, lại còn được truyền thừa nghề làm trống độc nhất vô nhị ở nước Nam.

Làm trống đón vua cày Tịch điền

Xã Đọi Sơn nằm ngay dưới chân núi Đọi, cùng với sông Châu trong xanh uốn khúc tạo nên một danh tích đi vào sử sách sông Châu – núi Đọi. Xã Đọi Sơn có ba làng Đọi, nhưng chỉ riêng làng Đọi Tam mới có nghề truyền thống làm trống đã có từ rất lâu đời.

Lần giở sử xưa núi Đọi, người nay mới thấy rằng giữa tục lệ cày Tịch điền và nghề làm trống ở làng Đọi Tam có mối liên hệ mật thiết đến nỗi, phát xuất từ một sự kiện cùng thời điểm.

Mùa Xuân năm 987, lần đầu tiên vua Lê Đại Hành cùng văn võ bá quan cày ruộng ở Đọi Sơn và bắt được chum vàng, năm 988 cày ở Bàn Hải bắt được chum bạc, vì thế những thửa ruộng này còn được gọi là “Kim Ngân Điền”.

Từ đó, hàng năm vào đầu xuân, nhà vua ra đồng cày ruộng, làm lễ Tịch điền (đích thân vua xuống đi cày ruộng), cầu được mùa và các triều đại sau đó đều duy trì với các hình thức khác nhau.

Đến triều Nguyễn, lễ Tịch điền có nhiều quy định cụ thể, được tổ chức quy mô, do Bộ Lễ chủ trì nhưng lễ này cũng chấm dứt dưới thời vua Khải Định. Năm 2009, phong tục tốt đẹp này được phục hồi, và năm 2010, lần đầu tiên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã đến Đọi Sơn, mặc áo nông dân cầm cày thực hiện nghi lễ Tịch điền.

Những quả trống lớn cần nhiều người cùng thực hiện.

Truyền thuyết ở làng Đọi Tam có kể về nghề làm trống phát xuất từ sự kiện Tịch điền. Rằng năm 986 được tin vua Lê Đại Hành sửa soạn về làng cày ruộng Tịch điền khuyến nông, hai anh em cụ Nguyễn Đức Năng và Nguyễn Đức Bản đã tự tay làm chiếc trống to để đón vua. Tiếng trống vang rền như tiếng sấm, về sau hai cụ được tôn làm Trạng Sấm.

Theo dân làng Đọi Tam, có đến 3 câu chuyện khác nhau kể về ông tổ của nghề làm trống. Tuy nhiên, dù có khác nhau nhưng nội dung huyền thoại đều công nhận tổ nghề là hai anh em cụ Nguyễn Đức Năng và Nguyễn Đức Bản.

Sau khi mất, hai cụ được tôn thờ tại đình làng, nay là Di tích lịch sử – văn hóa cấp quốc gia đình Đọi Tam và mộ thờ hai cụ hiện nay vẫn còn nằm sát ngay chân núi Đọi.

Ngày xưa theo tục lệ truyền lại, nghề làm trống Đọi Tam là nghề cha truyền con nối, chỉ truyền cho con trai và con dâu, không truyền cho con gái và con rể, hay người ngoài.

Bởi vậy cho đến nay, chỉ duy nhất người dân Đọi Tam mới có nghề làm trống gia truyền. Thợ trống từ Đọi Tam cũng đi các nơi lập nghiệp, mở xưởng và khiến cho tiếng trống Đọi Tam vang xa khắp nơi.

Tuy làm ăn xa xứ, nhưng hằng năm cứ tới ngày lễ, hội làng và giỗ tổ nghề họ lại trở về quê hương để tưởng niệm cụ tổ nghề, và cùng nhau bàn chuyện làm trống.

Làng nghề trống Đọi Tam là nghề cha truyền con nối, kỹ thuật làm trống chỉ được truyền cho con trai và con dâu nên trước kia, con trai 10 - 12 tuổi đã làm được những loại trống nhỏ, đến 15 - 18 tuổi có thể theo cha đi làm trống đại. Còn trống sấm thì chỉ dành cho cánh mày râu thanh niên mạnh mẽ và có kinh nghiệm, kỹ thuật điêu luyện.

Da trâu tang mít, đánh ít kêu nhiều

Theo các nghệ nhân ở Đọi Tam, để tạo ra những chiếc trống hoàn chỉnh, người thợ phải đầy đủ hàng loạt các loại dụng cụ, phụ kiện hỗ trợ đi kèm, như: Ván bài, yếm bào, đòn ống, da bào, dao rựa, ca hạt mớp, ca dọc, máy xẻ gỗ, nạo, bào đứng, bào ngang, con sản, nghiến, khom, dùi đục, dây thừng…

Các nghệ nhân Đọi Tam đều đồng ý với nhau về quy trình làm trống, dù mỗi loại có thể khác nhau chút ít. Song, dù thế nào cũng trải qua 3 giai đoạn then chốt đó là làm da, làm tang trống và bưng mặt trống.

Thân trống được làm bằng gỗ mít sẻ cong, phơi khô. Mỗi cây gỗ mít được chia làm nhiều dăm, người thợ sẽ gắn khít các thanh trống lại với nhau tạo thành một tang trống hoàn chỉnh tròn, kín và khít.

Mặt trống được bọc từ da trâu và đã đúc kết được kinh nghiệm làm trống qua câu ca: “Da trâu tang mít, đánh ít kêu nhiều”, có nghĩa là da trâu làm mặt trống và gỗ mít làm tang thì trống sẽ rất tốt. Tang trống phải là loại gỗ mít già, vừa nhẹ, không bị ngót và quan trọng nhất là giữ được “tiếng”.

Người dân Đọi Tam chỉ dùng da trâu cái để bưng mặt trống, da được chọn thường là của những con trâu già có độ bền, dẻo và dai. Khi mua da, chọn miếng da có nhiều nếp nhăn, lông bạc. Làm trống tối kỵ chọn da của những con trâu béo, trâu trắng.

Giai đoạn bưng trống được coi là khó khăn và mất nhiều công sức cũng như đòi hỏi các kỹ thuật phức tạp nhất. Quy trình căng da trống không đơn giản là làm căng mặt da và dùng đinh tre cố định vào thân trống. Việc bưng trống còn đòi hỏi người thợ có đôi tai thính, có đôi chân dẻo và đôi bàn tay cứng chắc mà khéo léo để chiếc trống “ăn” vào nốt nhạc.

Tại sao có đôi tai thính, đôi tay khỏe mà lại cần phải có cả đôi chân dẻo? Theo nghệ nhân Lê Ngọc Hùng, trong công đoạn bưng mặt trống thì mặt da trâu sẽ được phủ lên thân trống và sử dụng dây thừng, dây chão và kích thủy lực để néo căng mặt trống. Công đoạn này mất nhiều thời gian nên phải làm sao để chiếc trống có được âm thanh chuẩn nhất.

Việc lấy âm thanh tiếng trống chuẩn đòi hỏi người thợ phải dùng đến đôi tai để thẩm định. Đây là cái lạ cái hay của người thợ trống Đọi Tam, khi những chiếc trống đều được làm giống nhau mà khi làm trống trường học thì sẽ cho ra âm thanh khác với trống hội, hoặc trống hội lại khác với trống bung, trống lớn hay trống dàn. Đó là những bí quyết, kỹ thuật riêng tạo nên tên tuổi của làng nghề trống Đọi Tam.

Một trong các kỹ thuật tạo ra âm thanh chuẩn của trống chính là làm căng – giãn mặt trống theo các mức độ.

Có những quả trống, chỉ cần một người đứng lên dùng chân giẫm, có quả trống lại đến 2 - 3 người cùng đứng giẫm. Kỹ thuật “đôi chân dẻo” sẽ khiến cho mặt da trống giãn nở. Sau mỗi lần giẫm, thợ trống lại phải căng dây, xoắn cọc và gõ thử để nghe âm thanh.

Sau khi lấy được âm thanh chuẩn, sẽ tiến hành giai đoạn cố định mặt trống vào thân trống. Nếu sử dụng đinh sắt, âm thanh tiếng trống ít nhiều sẽ bị ảnh hưởng, nên toàn bộ đinh cố định da trâu vào tang trống đều được làm bằng gỗ và tre.

Sau khi cố định xong mặt trống, người thợ sẽ tiến hành công đoạn cuối cùng là vẽ trang trí hoa văn trên thân trống và mặt trống theo yêu cầu của khách hàng.

Thợ trống phải giẫm trên mặt da để da trống giãn nở đều.

Trống nhỏ thì đơn giản hơn, một người có thể thực hiện hết các công đoạn.

Phụ nữ cũng biết làm trống

Hiện nay, làng nghề trống Đọi Tam phát triển khá nhiều cơ sở sản xuất. Trong đó có những cơ sở chuyên làm tang trống, chuyên sưu tầm mua bán da trâu. Trống Đọi Tam hiện diện ở khắp mọi nơi, trong đó chiếc trống được cho là thuộc nhóm to nhất đang được trưng bày tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội), với đường kính mặt trống lên tới 2,1m.

Các nghệ nhân làng Đọi Tam cho biết, khi có người đặt những chiếc trống lớn, thợ làng nghề sẽ tự mình đi tìm những con trâu to khỏe. Chính tay họ sẽ xử lý cẩn thận để đảm bảo bộ da được nguyên vẹn.

Lột được bộ da lớn nguyên tấm, người thợ sẽ đem thuộc da. Cái hay, cái giỏi, cái tài hoa của người thợ trống Đọi Tam phải được thể hiện đầu tiên qua khâu xử lý da trâu.

Giai đoạn công phu này đòi hỏi người thợ phải có kinh nghiệm, họ thường đi mua da trâu vào những ngày trời nắng. Bởi khi đem da về là phải phơi ngay. Dưới cái nắng gay gắt, da trâu sẽ được hong khô, có như vậy tiếng trống mới ấm, mới vang.

Hơn nữa, trong quá trình bào da, những người thợ có tay nghề phải dồn hết tâm trí vào công việc. Nếu miếng da trâu dày hoặc mỏng hơn theo tiêu chuẩn là tiếng trống sẽ biến âm. Thế nên, cùng một trống cái nhưng hai mặt trống sẽ cho những âm thanh rất khác nhau.

Vì là nghề gia truyền, chỉ truyền cho con trai và con dâu nên ở Đọi Tam dễ thấy những em nhỏ cũng tham gia công việc. Trong nhiều xưởng trống, vào những ngày hè nhàn rảnh, các em nhỏ lại phụ giúp cha mẹ những công đoạn nhẹ nhàng, như ghép tang, trang trí. Những em lớn có thể tham gia bưng mặt trống, giẫm mặt da…

Đặc biệt, nhiều phụ nữ về Đọi Tam làm dâu cũng được truyền nghề tỉ mỉ. Có người làm những công đoạn đơn giản, nhưng cũng có những người có thể đảm đương tất cả mọi công đoạn như một người đàn ông của làng. Trong số đó, có nghệ nhân Lê Thị Thanh – vợ của nghệ nhân Lê Ngọc Hùng.

Một hội trống lớn ở giáo xứ Quần Cống (Bùi Chu, Nam Định).

Bà Thanh từng được mệnh danh là “kỳ nữ” làm trống, mà nghề lại do chính chồng truyền cho.

Bà Thanh bảo, ngày xưa ngay cả những lúc mang thai, bà không nghỉ ngơi mà vẫn tham gia cùng chồng làm trống. Ở nhiều nơi, khi làm trống có tục kiêng phụ nữ mang thai vì sợ âm thanh của trống không thịnh, không vang. Nhưng ở Đọi Tam thì chỉ đơn giản, chắc nghề thì làm.

Ở làng Đọi Tam, các cụ cấm kỵ việc truyền nghề cho con gái và con rể nên những người làm dâu như bà Thanh phải rất thông minh, trung thành và yêu chồng mới được truyền nghề một cách tỉ mỉ.

Ông Hùng nói rằng: “Làm nghề thì không khó chút nào, nhưng để có được bí quyết của nghề nghiệp thì đó là kinh nghiệm tích cóp trăm đời, không dễ gì truyền cho người khác”.

Những năm kinh tế đất nước khó khăn, làng nghề trống Đọi Tam vẫn duy trì được nghề nhờ truyền thống tương trợ, giúp đỡ nhau giữa các gia đình làm trống trong làng.

Ngày nay, các nghệ nhân Đọi Tam vẫn ra sức bảo tồn nghề truyền thống của cha ông. Không chỉ làm trống, người Đọi Tam còn nhận sửa trống hỏng nên các xưởng lúc nào cũng đông đúc.

Đặc biệt ở các xứ đạo thuộc giáo phận Bùi Chu (Nam Định) và Phát Diệm (Ninh Bình) có các hội trống lớn, trống nhảy. Mỗi hội trống của các giáo xứ, giáo họ lên tới hàng trăm người, kéo theo hàng trăm quả trống con và 2 – 3 quả trống lớn.

Thợ trống Đọi Tam chính là các đối tác lâu dài của các hội đoàn này, họ không chỉ là nguồn cung cấp trống, mà còn nhận các công việc trùng tu, sửa chữa, bọc lại trống khi bị thủng.

Để mở rộng thị trường và kiếm thêm thu nhập, ngày nay nhiều xưởng trống ở Đọi Tam kiêm thêm cả nghề sản xuất thùng rượu, bồn tắm… bằng gỗ.

Do kỹ thuật ghép tang gỗ trống rất giống với ghép tang thùng rượu và bồn tắm nên các thợ chỉ cần có đầu mối tiêu thụ sản phẩm là thực hiện công việc. Nhờ vậy, vào những lúc nhàn rỗi, các thợ trống lại có thêm việc làm, góp phần bảo tồn và phát triển nghề truyền thống.

Để làm được những quả trống lớn, các xưởng sản xuất ở Đọi Tam phải liên kết với nhau, từ việc sản xuất tang, ghép tang, bưng mặt trống cho đến trang trí, vận chuyển.

Có những quả trống, với đường kính trên 2m, cao đến hơn 3m và nặng hàng tấn, phải dùng xe cẩu mới có thể vận chuyển, lắp ráp.

Nhờ các kỹ thuật cổ truyền nên trống Đọi Tam ngày càng vươn xa. Năm 2007, trống Đọi Tam được công nhận là một trong những làng nghề tiêu biểu của Việt Nam.

Năm 2013, Hiệp hội Sản xuất kinh doanh trống Đọi Tam được thành lập. Năm 2019, nghề làm trống Đọi Tam được Bộ VH,TT&DL đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại