Chi tiêu trong cuộc sống của nhiều người trẻ bị ảnh hưởng vì giá cả tăng do lạm phát, đồng lương sụt giảm vì bão sa thải và kinh tế khó khăn. Cũng vì thế, họ phải học cách sống tiết kiệm để chuẩn bị cho các dự định tương lai, cũng như phòng ngừa cho biến cố có thể ập đến. Cô gái dưới đây, với cách chi tiêu khéo léo từ mức lương còn không quá cao, là ví dụ như thế.
Đều đặn mua vàng hàng tháng từ lương 13 triệu
Hạnh Nguyên (SN 1999, Hà Nội) chia sẻ cô quan tâm đến quản lý tài chính cá nhân từ khi còn là sinh viên năm cuối. Vì thời điểm này, cô đã đi làm, kiếm được đồng lương nên không còn phụ thuộc vào sự hỗ trợ tài chính gia đình.
Thời gian đầu mới đi làm, cô nàng còn duy trì cách quản lý tài chính “làm ít thì tiêu ít, làm nhiều thì tiêu nhiều". Tháng nào Hạnh Nguyên cũng không cần vay nợ, nhưng cũng không để dành được đồng tiền tiết kiệm nào. Sau 2 năm ra trường, mức lương của cô nàng tăng lên, đồng thời nhu cầu cuộc sống cũng tăng cao nên thành ra quỹ tiết kiệm không được cải thiện.
Cô nàng tâm sự: “Cứ cuốn theo vòng xoáy tiêu dùng đó, mình tự hỏi bản thân, liệu việc tiêu tiền của mình có đáng hay không? Nếu mình cứ đợi lương tăng rồi mới sống tiết kiệm thì đến bao giờ mới có đồng dư dả.
Đúng lúc này, mình biết đến lối sống tối giản ở trên mạng xã hội. Đó là nguyên tắc sống giảm bớt đồ, giảm bớt chi tiêu nhưng khiến bản thân vẫn thấy hạnh phúc và đủ từ sâu bên trong. Từ lúc chọn sống tối giản, mình bắt đầu quản lý chặt dòng tiền, không còn tiêu xài hoang phí nữa".
Cũng nhờ lối sống tối giản mà từ một người luôn tiêu hết sạch lương kiếm được, cô nàng đã có thể tiết kiệm được 7 triệu/tháng. Có tháng đỉnh điểm Hạnh Nguyên còn tiết kiệm được 10 triệu đồng nhờ chỉ trả tiền nhà và tiền đồ ăn. Với số tiền tiết kiệm đang có, cô chỉ giữ một phần nhỏ trong tài khoản ngân hàng, còn lại dành để mua vàng.
Cô nàng chia sẻ về chi tiêu trong một tháng của mình: “Sống ở thành phố lớn với mức giá đắt nên mình cố gắng mua sắm bình dân, tối giản hoá đồ đạc hết mực có thể. Mình thuê phòng 1,5 triệu/người/tháng cùng bạn thân, đây là khoản chi tiêu cố định và không thay đổi. Chi tiêu một tháng trung bình còn lại gồm: 3 triệu tiền ăn; 1,5 triệu mua quần áo và mỹ phẩm; 1 triệu gồm mua đồ sinh hoạt; 500 ngàn cho xăng xe,... Còn dư khoảng một nửa lương, thì mình giữ một phần trong tài khoản ngân hàng, 1 phần mang đi mua chỉ vàng vào đầu tháng".
3 nguyên tắc để quản lý tiền bạc
Hạnh Nguyên cho rằng, để tiết kiệm được tiền thì bạn cần phải kỷ luật chi tiêu, tuyệt đối không cho phép bản thân tiêu xài hoang phí. Cô nàng nói thêm: “Khi duy trì lối sống tối giản, mình học được cách thỏa mãn dù bản thân có ít đồ đạc, chỉ mua những món đồ cần thiết và làm cuộc sống của mình gọn nhẹ hơn".
Bên cạnh đó, cô nàng còn đang áp dụng 3 nguyên tắc trong chi tiêu, nhằm hoàn thành đúng mục tiêu tiết kiệm ít nhất 50% lương mỗi tháng.
1. Đặt hạn mức chi tiêu cho từng khoản lớn trong tháng
Khi vừa qua tháng mới, Hạnh Nguyên sẽ tự động chuyển 7 triệu đồng vào tài khoản ngân hàng khác dùng làm tài khoản tiết kiệm. Còn lại 7 triệu đồng, cô nàng sẽ chia chúng thành các mục là: tiền nhà, mỹ phẩm và quần áo, đi chơi, xăng xe và ăn uống. Việc phân chia rõ ràng khoản tiền cho từng hạng mục sẽ giúp cô không tiêu xài linh tinh, vượt ngoài kế hoạch đặt ra. Nếu tháng nào mà Hạnh Nguyên không dùng hết tiền trong tài khoản dành cho chi phí sinh hoạt thì cuối tháng cô sẽ chuyển về tài khoản tiết kiệm.
“Một điều mình thấy còn thiếu trong kế hoạch chi tiêu hiện tại là không có quỹ dự phòng. Bên cạnh đó, thỉnh thoảng mình vẫn không ghi chép hết các khoản chi tiêu hàng ngày, dẫn đến cuối tháng có chi phí phát sinh nhưng mình không biết đã tiêu tiền vào đâu để mà dẫn đến thâm hụt tài chính", cô nàng cho hay.
2. Từ bỏ một số chi tiêu không cần thiết
Trước đó, Hạnh Nguyên chi rất nhiều tiền để mua quần áo, ăn uống bên ngoài và đi du lịch. Tuy nhiên, giờ đây các khoản chi tiêu này đều được cô nàng cắt giảm tối đa, thậm chí khoản chi cho du lịch bằng không.
Cô nàng lý giải: “Bởi lẽ giờ mình đã qua cái tuổi cần mua nhiều đồ cho bản thân để sống hưởng thụ. Giờ trước khi mua gì, mình cũng sẽ suy nghĩ: ‘Nếu không có thức này, cuộc sống của mình có bị sao hay không?’. Nếu câu trả lời là “không" thì mình sẽ không chi tiêu cho chúng.
3. Cân nhắc kỹ lưỡng trước khi mua sắm
Hạnh Nguyên chia sẻ, trước đó dù mức lương không cao nhưng cô thường xuyên mua đồ không cần nhìn giá. Bởi Hạnh Nguyên quan điểm “hàng đắt xắt ra miếng", do đó cô nàng thường mua đồ chất lượng để có độ bền cao và giá trị sử dụng cho bản thân tốt. Tuy nhiên, Hạnh Nguyên nhận ra có những món đồ hàng triệu đồng được cô mua về, nhưng chỉ sử dụng 1-2 lần, dẫn đến làm lãng phí giá trị của chúng. Từ đó, Hạnh Nguyên mua đồ ở tầm giá phù hợp so với thu nhập, nhờ đó ở thời điểm vừa vứt đi, món đồ cũng vừa hết giá trị sử dụng của chúng.