Một sinh viên Trung Quốc với biệt danh là Wang Ximing gần đây tốt nghiệp ngành công nghệ và vật liệu nano bắt đầu tìm kiếm trường để tiếp tục nghiên cứu sau đại học và Nhật Bản là lựa chọn hàng đầu của anh ấy. Anh Wang cho biết thị thực của các sinh viên Trung Quốc gần đây bị kiểm tra nghiêm ngặt hơn nhằm ngăn chặn họ trộm cắp công nghệ tiên tiến.
Theo tờ SCMP, anh Wang đã loại trừ khả năng theo học các trường đại học của Úc, nơi có một số khóa học về công nghệ nano và khoa học nano tốt nhất mà anh quan tâm, do căng thẳng song phương giữa Trung Quốc và Úc ngày càng gia tăng.
Theo Bộ trưởng Giáo dục Úc Alan Tudge, Úc đã ghi nhận mức giảm 7,5% số lượng sinh viên nhập học từ Trung Quốc kể từ năm 2019.
Nghiên cứu sinh trong phòng thí nghiệm Trường ĐH Queensland Ảnh: Tân Hoa Xã
Kể từ năm 2018, Mỹ truy tố khoảng 20 nhà khoa học bị cáo buộc tiếp tay cho các nỗ lực của Trung Quốc nhằm đánh cắp công nghệ do Mỹ tài trợ. 9 người đã nhận tội trong khi những người khác được trắng án hoặc giảm tội.
Mối nghi ngờ cũng lan sang các trường ở Nhật Bản trong bối cảnh Mỹ thúc đẩy các đồng minh ở châu Á hạn chế công dân Trung Quốc tiếp cận nghiên cứu trong các lĩnh vực như chế tạo robot, hàng không, kỹ thuật và công nghệ cao.
Trong số 703.500 công dân Trung Quốc đang du học ở nước ngoài vào năm 2019, có 20% là ở Úc, 24,5% ở Mỹ và 17,6% ở Nhật Bản, theo số liệu từ Bộ Giáo dục Trung Quốc, Tổ chức Dịch vụ Sinh viên Nhật Bản, và chính phủ Úc.
Các nhà phân tích và học thuật cho rằng trong khi nhu cầu giảm thiểu sự can thiệp của nước ngoài và đảm bảo an ninh quốc gia là điều cần thiết nhưng các biện pháp hạn chế có thể có tác động bất lợi đến việc thúc đẩy hợp tác và tạo ra những đổi mới như trong trí tuệ nhân tạo (AI) và thậm chí có thể làm chậm quá trình quốc tế hóa của một số trường đại học, đặc biệt là những trường tại Nhật Bản.
Úc là điểm đến phổ biến của các du học sinh Trung Quốc. Ảnh: Reuters
Hồi tháng 11 năm ngoái, Úc đã công bố danh sách 63 "công nghệ quan trọng" cần được thúc đẩy và bảo vệ, siết chặt hơn nữa những thông tin mà các đối tác nước ngoài có thể tiếp cận.
Các công nghệ nhạy cảm gồm truyền thông 5G đến công nghệ lượng tử, trí tuệ nhân tạo (AI), nam châm tiên tiến, in 3D, máy bay không người lái và vắc-xin. Thủ tướng Scott Morrison cho biết các biện pháp trên nhằm cân bằng giữa cơ hội kinh tế của các công nghệ quan trọng với rủi ro an ninh quốc gia của chúng.
Động thái ám chỉ mối quan ngại của Canberra về việc chuyển giao công nghệ nhạy cảm cho nước ngoài, đặc biệt là Trung Quốc, dưới hình thức hợp tác học thuật.
Ngay sau đó, Bộ trưởng Nội vụ Karen Andrews đã công bố hướng dẫn mới cho các trường đại học nhằm giảm nguy cơ can thiệp từ nước ngoài và chuyển giao công nghệ nhạy cảm.
Hồi tháng 3 năm ngoái, một báo cáo từ Ủy ban An ninh Quốc gia Mỹ về AI cảnh báo rằng Trung Quốc đã sẵn sàng vượt qua Mỹ để dẫn đầu toàn cầu trong lĩnh vực AI vào năm 2030. Trong khi đó, một báo cáo của Trường Harvard Kennedy vào tháng trước cho thấy Trung Quốc rõ ràng đã vượt Mỹ về các ứng dụng AI thực tế, bao gồm nhận dạng khuôn mặt, nhận dạng giọng nói và tài chính công nghệ.
Ông James Laurenceson, giám đốc Học viện Quan hệ Úc-Trung tại Trường ĐH Công nghệ Sydney, nói rằng: "Trung Quốc chi khoảng 500 tỉ USD cho nghiên cứu và phát triển trong khi Úc chi khoảng 20-25 tỉ USD. Trung Quốc hiện là một cường quốc về khoa học và công nghệ. Quan điểm về việc Úc có thể thu hẹp đáng kể sự hợp tác với Trung Quốc mà không gây tổn hại cho chính mình là một điều viển vông".