Cá voi xanh có thân hình lớn hơn bất cứ loài khủng long nào từng tồn tại trên Trái Đất, cơ thể của cá voi xanh trưởng thành có thể đạt chiều dài hơn 30 mét và nặng đến 190 tấn. Gộp chung với cá voi lưng gù và cá voi xám thành bộ cá voi tấm sừng, cá voi xanh và những người anh em khổng lồ là một trong những sinh vật vĩ đại nhất khoa học từng biết tới.
Nhìn vào kích cỡ của chúng, có thể đưa nhận định cá voi là loài háu ăn. Thế nhưng, nghiên cứu mới khiến chúng ta vỡ lẽ: chúng ta đã đánh giá quá thấp khả năng tiêu thụ mồi của cá voi. Thông số mới cho thấy lượng thức ăn cá voi tấm sừng tiêu thụ nhiều hơn bất cứ ước tính nào trước đây, ít nhất phải nhiều hơn tới 3 lần so với số liệu trong các nghiên cứu từng được thực hiện.
Điều này đồng nghĩa với việc chúng … đại tiện nhiều hơn. Theo báo cáo đăng tải trên tạp chí Nature cách đây không lâu, đây là tin tốt với hệ sinh thái.
Cá voi đen Đại Tây Dương là một trong những loài cá voi đứng trước bờ tuyệt chủng.
Bữa ăn thường nhật của cá voi tấm sừng chứa một lượng lớn cá nhỏ hoặc động vật giáp xác, trong đó bao gồm nhuyễn thể. Phụ phẩm của quá trình tiêu hóa tiếp tục trở thành một nguồn dinh dưỡng thiết yếu cho hệ sinh thái đại dương.
Tuy nhiên, do chúng ta không quen thuộc với tập tính ăn của cá voi, đồng thời khó ước đoán khẩu phần ăn của chúng khi kích cỡ cơ thể cá voi quá lớn, khoa học không thể đưa ra chính xác lượng thức ăn cá voi tấm sừng tiêu thụ. Đây cũng là trở ngại lớn trong việc bảo tồn cá voi.
“Nếu chúng ta muốn bảo vệ cá voi và đảm bảo chúng sinh trưởng tốt trong môi trường đại dương hiện đại, thì việc biết lượng thức ăn cá voi cần để sống sót và sinh sản là tối quan trọng”, Matthew Savoca, tác giả nghiên cứu mới nói với trang tin Inverse.
Các ước tính trước đây đều thiếu chính xác. Sai số xuất hiện khi các nhà nghiên cứu tính toán dựa trên mô hình trao đổi chất của những sinh vật cỡ nhỏ hơn (như cá heo), hoặc các thông số tới từ cá voi sống trong môi trường nuôi nhốt, hoặc phân tích phần thức ăn sót lại trong ruột cá voi dạt vào bờ.
Ngược lại, nghiên cứu mới trực tiếp theo dõi các quần thể cá voi tấm sừng tại Đại Tây Dương, Thái Bình Dương và Nam Đại Dương cho ra con số chính xác hơn về lượng nhuyễn thể cá voi tiêu thụ, bên cạnh lượng phân mà những cỗ máy sinh học khổng lồ sản xuất.
Sử dụng phương pháp định vị cá thể và các máy đo âm học, các nhà nghiên cứu thu thập được dữ liệu thực tế của 300 cá thể cá voi, thuộc 7 loài có trong bộ tấm sừng. Từ đây, khoa học có được lượng sinh vật biển cá voi tiêu thụ mỗi ngày, bên cạnh đó là lượng dinh dưỡng quay trở lại biển dưới dạng phân.
Cá voi tấm sừng có cái tên như vậy bởi cấu tạo hàm trên của chúng.
Những nghiên cứu trước đây cho thấy cá voi tấm sừng chỉ tiêu thụ lượng thực phẩm dưới 5% trọng lượng cơ thể chúng mỗi ngày. Nhưng theo nghiên cứu mới, nhóm của ông Savoca cho thấy lượng thực phẩm thường nhật của cá voi tấm sừng nhiều hơn 3 lần ước tính trước đây; chúng nhận vào lượng mồi nặng tương đương từ 5-30% trọng lượng cơ thể mình.
“Nói một cách ngắn gọn, nếu cá voi ăn nhiều hơn ước tính, chúng sẽ tái chế nhiều dinh dưỡng hơn [cho đại dương] - tức là thải phân nhiều hơn chúng ta nghĩ”, ông Savoca nhận định. Nhìn vào khối lượng phân khổng lồ của cá voi, các nhà khoa học có thể theo dõi được cách tự nhiên cân bằng hệ sinh thái biển.
Mỗi khi cá voi đại tiện, một lượng lớn dinh dưỡng trở lại biển khơi. Các loài phù du hấp thụ số dinh dưỡng này và giữ cho thể trạng đại dương được tốt.
Nhà nghiên cứu Savoca giải thích: “Không phải những con cá voi này đưa thêm sắt - hay bất cứ thứ dinh dưỡng nào khác vào hệ thống, chúng chỉ biến đổi dinh dưỡng có trong cơ thể con mồi, rồi đưa dinh dưỡng vào lòng biển, theo lý thuyết, số dinh dưỡng này sẽ nuôi dưỡng thực vật phù du - đơn vị cơ bản của mọi lưới thức ăn trong các đại dương mở”.
Thực vật phù du (tên tiếng Anh: Phytoplankton).
Các nghiên cứu mới cho thấy viễn cảnh xấu có thể xảy ra khi lượng cá voi sụt giảm. Trong khoảng thời gian từ 1910 cho tới 1970, nghề săn cá voi tấm sừng khiến số lượng cá thể cá voi giảm nghiêm trọng. Hệ quả: lượng thực phẩm cá voi tiêu thụ giảm mạnh, hệ sinh thái biển mất đi những cỗ máy sản xuất dinh dưỡng khổng lồ hiệu quả. Theo ước tính, trước thế kỷ 21 (năm 1900 trở về trước), cá voi tấm sừng tại Nam Đại Dương tiêu thụ 430 triệu tấn nhuyễn thể - nhiều gấp 2 lần số nhuyễn thể tồn tại ở thời điểm hiện tại.
“Cá voi tấm sừng duy trì số lượng nhuyễn thể mà chúng tiêu thụ”, Victor Smetacek, một chuyên gia cá voi khác nhận định. “Mọi thứ lụn bại khi cá voi biến mất khỏi đẳng thức”.
Nghiên cứu mới đem lại những hiểu biết chưa từng được khẳng định về cá voi tấm sừng, đồng thời nhấn mạnh vai trò của những gã khổng lồ biển cả trong hệ sinh thái đại dương.
Cá voi lưng gù.
Ở thời điểm hiện tại, số lượng cá thể của một số loài cá voi tấm sừng, đơn cử như cá voi lưng gù, đã tăng đáng kể. Tuy nhiên, những người anh em của nó không may mắn vậy. Có nghiên cứu cho thấy lượng cá voi tấm sừng tại miền Bắc Đại Tây Dương giảm 8% trong suốt năm 2020, xuống mức thấp nhất trong 2 thập kỷ trở lại đây. Thiếu vắng cá voi tấm sừng đồng nghĩa với việc đại dương nhận về ít dinh dưỡng hơn.
Nhà nghiên cứu Savoca hy vọng nghiên cứu mới của ông và cộng sự sẽ nêu bật được vai trò tối quan trọng của cá voi trong hệ sinh thái biển, qua đó đẩy mạnh nỗ lực bảo tồn loài vật khổng lồ. Ông nhấn mạnh hành động bảo tồn có thể tới từ những nỗ lực đơn giản, ví dụ như đưa thuyền tránh khỏi đường bơi của cá voi.
“Chúng tôi đang cố sử dụng thông tin mới nắm được để cố gắng bảo vệ cá voi, và giúp chúng phục hồi”, ông Savoca kết luận.