Xuất hiện Apps mua bán "ve chai công nghệ", tham vọng thành một mắt xích trong hệ sinh thái tái chế Việt Nam

THẢO ANH |

Theo giới thiệu, với VECA, người dân lúc này có thể dễ dàng kết nối với những người thu mua ve chai chỉ bằng một cú lướt trên điện thoại thông minh. Chiều ngược lại, những người đi thu mua sẽ được tối ưu quá trình thu gom như hiện nay; thông qua Apps có thể nhận đơn hàng với quãng đường thu gom được tối ưu, tiết kiệm sức lực và thời gian.

Chuyển đổi số có lẽ không còn là phạm trù mang tính khẩu hiệu, mà đang dần len lỏi vào đời sống thực tế của người Việt Nam. 

Việc định lượng các hoạt động, từ đó đưa ra giải pháp tối ưu, hệ thống hoá mọi quy trình đã và đang đưa công cuộc chuyển đổi số phát triển mạnh thời gian qua. Hàng loạt những sinh hoạt từ vận hành bộ máy quản trị, hoạt động kinh doanh đến các công việc thường nhật nhất cũng đang chuyển mình sang thế hệ 4.0.

Gây nhiều chú ý, một ứng dụng giúp thu gom và mua bán những vật dụng đã qua sử dụng như chai nhựa, giấy vụn… (dân gian gọi là mua bán ve chai) đang nhận được quan tâm thời gian gần đây. Trong đó, có 2 Apps bao gồm VECA - ứng dụng kết nối người có nhu cầu mua bán phế liệu và người thu mua phế liệu và VECA Thu gom - ứng dụng dành riêng cho người chuyên thu mua phế liệu.

Xuất hiện Apps mua bán ve chai công nghệ, tham vọng thành một mắt xích trong hệ sinh thái tái chế Việt Nam - Ảnh 1.

Ý tưởng mới mẻ trên được sáng lập bởi 2 co-founder Bùi Thế Bảo và Đỗ Thị Minh Trang. Được biết, ông Bảo sinh năm 1982, tốt nghiệp ngành môi trường tại Đại học Bách Khoa Tp.HCM. Lĩnh vực hoạt động chính hiện nay của ông Bảo liên quan đến các sản phẩm giấy, nhôm…

Gắn bó với ngành môi trường từ lúc còn trên ghế nhà trường, ông Bảo nhận thấy được những thiếu sót trong khâu quản lý nguyên liệu thải dẫn đến sự lãng phí, hơn nữa gây ô nhiễm môi trường. Giải quyết vấn đề này theo đó sẽ là xu hướng bắt buộc của nền kinh tế trong tương lai, ông Bảo nói.

Chung ý tưởng, co-founder Đỗ Thị Minh Trang hiện đang sở hữu một công ty nhỏ chuyên về thiết kế. Việc kinh doanh hàng ngày khơi dậy sự đau đáu về sự thiếu hụt nguồn cung nguyên liệu tái chế, bà Trang cho biết.

Do đó, với VECA, hai nhà sáng lập mong muốn giúp ích cho môi trường nhờ tái chế vật dụng đã qua sử dụng. Khi mà, thực tế ước tính riêng ở Tp.HCM, trung bình mỗi ngày thành phố tiêu thụ 2.674 tấn giấy, 1.900 tấn nhựa các loại. Trong đó, khối lượng giấy thu gom được chỉ chiếm 40%, tương đương 1.070 tấn; nhựa chỉ thu gom được 500 tấn với tỷ lệ tái chế khoảng 27%. Chưa kể, lượng rác thải nhựa có khuynh hướng tăng nhanh những năm gần đây.

Xuất hiện Apps mua bán ve chai công nghệ, tham vọng thành một mắt xích trong hệ sinh thái tái chế Việt Nam - Ảnh 2.

Trở lại với VECA, Apps được manh nha từ năm 2019 và chính thức được công bố trong quý đầu năm 2021. Về cơ bản, VECA hoạt động như một mô hình gọi xe công nghệ. Người có nhu cầu bán phế liệu sẽ đăng lên ứng dụng để tìm người thu gom đến mua.

Trong đó, giá các phế liệu sẽ được tổng hợp và điều chỉnh dựa theo giá thu mua của vựa và theo khu vực. Giá hiển thị trên ứng dụng không do Công ty đặt ra, được công khai và điều chỉnh cân bằng giữa lợi ích của người mua - người bán. VECA cho biết có thực hiện khảo sát với vựa và người thu mua về mức giá. Hiện, có hai hình thức thanh toán là tiền mặt và ví Momo.

Thời gian đầu các tình nguyện viên VECA sẽ hỗ trợ người mua ve chai làm quen với cách làm mới. Khi khối lượng phế liệu qua vựa trong hệ thống đủ lớn, đơn vị sẽ thu mua phế liệu lại từ các vựa và kinh doanh đến các nhà máy tái chế.

Theo chia sẻ người trong cuộc, sau gần nửa tháng ra mắt, VECA đang có hơn 9.000 users. Để phát triển mạnh hơn, VECA vẫn đang tìm kiếm nhà đầu tư, hướng đến mục tiêu trở thành một thành phần của hệ sinh thái tái chế tại Việt Nam.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại