Cá voi xám là một trong những loài có quãng đường di cư xa nhất trong thế giới động vật, với hành trình hàng năm dài hơn 16000 km từ Bắc Cực đến với Mexico. Phần lớn hành trình, chúng sẽ di chuyển dọc theo các bờ biển - tuy nhiên nếu như những chú cá voi này bơi quá sát với bờ, chúng có thể sẽ bị mắc cạn. Và thường thì, việc mắc cạn cũng đồng nghĩa với cái chết đối với loài cá khổng lồ này.
Trên thực tế, việc cá voi mắc cạn thường rất ít khi xảy ra. Tuy nhiên, chỉ trong năm 2019 vừa qua đã xảy ra hàng loạt vụ mắc cạn - trong đó phải kể đến việc hàng chục con cá voi chết tập thể trên bờ biển Iceland vào tháng 7 năm ngoái.
Và mới đây, nghiên cứu của các nhà khoa học đã chỉ ra rằng: rất có thể nhưng cơn bão mặt trời là nguyên nhân dẫn đến tình trạng mắc cạn của những chú cá voi xám.
Cụ thể, họ đã nghiên cứu điều kiện thời tiết trong những ngày xảy ra tình trạng cá voi mắc cạn. Kết quả mà các nhà khoa học thu được cho thấy rằng vào những ngày này, mặt trời xuất hiện rất nhiều vết đen, từ đó góp phần gây ra tình trạng rối loạn từ trường trên Trái đất.
Theo nhóm nghiên cứu, rất có thể những chú cá voi xám đã dựa vào từ trường của Trái đất để di chuyển, và việc từ trường bị rối loạn bởi những cơn bão mặt trời đã khiến loài cá khổng lồ này "lạc lối".
Jesse Granger cùng các đồng sự của mình trong nhóm nghiên cứu đã kiểm nghiệm lại dữ liệu hoạt động của mặt trời trong những ngày xảy ra hiện tương cá voi xám mắc cạn, từ năm 1985 đến năm 2018. Theo đó, cứ vào những ngày xảy ra bão mặt trời, xác suất để cá voi mắc cạn tăng lên 2,3 lần.
Và nếu bão mặt trời thực sự là nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này, thì nó gây ảnh hưởng đến loài cá voi như thế nào? Những cơn bão khiến cho cá voi mất hẳn khả năng định vị phương hướng, hay chỉ đơn giản là khiến chúng nhầm lẫn trong việc xác định đường đi mà thôi?
Để giải đáp cho vấn đề này, nhóm nghiên cứu tiếp tục so sánh mối quan hệ giữa việc mắc cạn và hai biến số khác: sóng radio (RF) và chỉ số AP. Theo đó, bão mặt trời sẽ tăng nhiễu của sóng radio, và điều này được cho là gây ảnh hưởng đến khả năng định hướng của những loài động vật di chuyển dựa theo từ trường của Trái đất.
Trong khi đó, chỉ số AP sẽ cho biết mức độ biến động của từ trường Trái đất trong những cơn bão mặt trời. Kết quả thu được là giá trị RF thường ở mức cao trong những ngày cá voi mắc cạn, tuy nhiên nhóm nghiên cứu không tìm ra được mối liên quan đáng kể nào giữa giá trị AP và việc cá mắc cạn cả.
"Sau khi đào sâu vào 2 giá trị RF và AP, chúng tôi nhận thấy rằng, nếu việc cá voi xám mắc cạn là do ảnh hưởng bởi bão mặt trời, thì nguyên nhân là do khả năng định vị phương hướng của loài cá voi gặp vấn đề trong những ngày này, chứ không phải là do từ trường của Trái đất biến động."
Tất nhiên, bão mặt trời rất có thể không phải là nguyên nhân duy nhất dẫn đến tình trạng mắc cạn của loài cá voi xám. Nhiều khả năng con người cũng đóng góp một phần nguyên nhân gây ra hiện tượng này, với việc làm cho Trái đất nóng lên và khiến môi trường biển bị thay đổi.
Theo vice