Tờ Daily Star đưa tin, sau khi kiểm tra dữ liệu được đối chiếu bởi NASA, các nhà khoa học xác định rằng, số lượng tiểu hành tinh tấn công hành tinh của chúng ta ngày nay nhiều gấp 3 lần so với thời điểm vẫn còn khủng long trên Trái đất.
Tiến sĩ Thomas Gernon, Phó giáo sư ngành Khoa học Trái đất tại đại học Southampton, người tham gia nghiên cứu tiết lộ, "Chúng tôi đã đưa ra kết luận này bằng cách nghiên cứu bề mặt của Mặt trăng. Đây là "người hàng xóm gần nhất" của chúng ta cũng bị "tấn công" bởi cùng một quần thể các tiểu hành tinh, giống Trái đất".
Theo ông, những thiên thạch lao thẳng xuống Trái đất thường xuất phát từ vành đai tiểu hành tinh, nơi xảy ra các vụ va chạm của tiểu hành tinh dẫn đến việc tạo ra rất nhiều mảnh vỡ và theo thời gian có thể bị đẩy về phía Trái đất.
"Theo thời gian, những mảnh vỡ này bị phá hủy bởi ánh sáng mặt trời và có một quá trình tái phát năng lượng. Điều này sẽ dẫn đến những va chạm nhỏ và sau đó có thể đẩy chúng hướng về phía Trái đất. Sẽ có rất nhiều mảnh vỡ bay khỏi vành đai tiểu hành tinh tại cùng một thời điểm," Tiến sĩ Gernon cho biết.
Tuy nhiên, ông lưu ý rằng xác suất các tiểu hành tinh "tấn công" Trái đất và "quét sạch" loài người là cực kỳ thấp.
"Mọi người không cần phải lo lắng về sự gia tăng của dòng chảy này. Các tác động của tiểu hành tinh lớn, khoảng hơn 1 km, đã xuất hiện từ 3-5 triệu năm trước tới 90 triệu năm trước", nhà khoa học giải thích.